“Điểm nóng” Trịnh Xuân Thanh
Trường hợp Trịnh Xuân Thanh từ lãnh đạo một Tổng công ty gây thua lỗ nhưng vẫn đảm trách qua nhiều vị trí từ Bộ Công Thương đến Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và báo chí.
Trịnh Xuân Thanh đang bị truy nã quốc tế
Sau khi tiến hành kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận những sai phạm của ông Thanh; đồng thời nhận thấy trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ.
Ông Trịnh Xuân Thanh hiện đã bỏ trốn và bị cơ quan chức năng truy nã quốc tế. Liên quan đến vụ việc này, nhiều cán bộ cấp cao đương chức và về hưu cũng bị kỷ luật vì có sai phạm.
Riêng nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bị Ban Bí thư cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016; bị Quốc hội phê phán nghiêm khắc trước quốc dân đồng bào và hiện các cơ quan liên quan đang được giao nghiên cứu quy trình pháp lý để có hình thức xử lý kỷ luật tương thích về mặt hành chính.
Vụ Phó 26 tuổi thăng tiến “thần tốc”
Đó là trường hợp ông Vũ Minh Hoàng (sinh năm 1990 tại tỉnh Bắc Ninh). Ngày 20/5/2014, ông Vũ Minh Hoàng được xét tuyển không qua thi tuyển vào Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Chỉ hơn một tháng sau, ông Hoàng được cử đi du học, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Nhật Bản đến tháng 9/2017.
Tháng 1/2016, ông Hoàng được bổ nhiệm làm Vụ phó Kinh tế, sau 17 tháng vào cơ quan này. Nhưng cũng chỉ 32 ngày sau, ông Hoàng được chuyển về giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ theo công văn "xin người" của chính quyền thành phố.
Ngay sau khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ kiểm tra, báo cáo quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, chuyển công tác đối với Vụ phó Kinh tế Vũ Minh Hoàng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, triển khai quyết định kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ cấp vụ.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm đối với các cá nhân là Lãnh đạo và nguyên Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trong vụ tuyển dụng, bổ nhiệm Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối với ông Vũ Minh Hoàng.
Một Sở có 44/46 người là lãnh đạo
Báo cáo trước Quốc hội chiều 16/11/2016, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã tiến hành thanh tra công vụ Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Hải Dương.
Qua thanh tra nhận thấy cơ quan này có 46 biên chế, trong đó có 44 cán bộ lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên, "sự thật đúng như báo chí đã nêu”.
Trên cơ sở đối chiếu quy định hiện hành, Sở Lao động Hải Dương thừa 8 nhân sự cấp phó phòng. Sau khi các cơ quan chức năng vào làm việc, có một trường hợp chuyển công tác về vị trí cũ và 7 người xin rút, không tiếp tục nhiệm vụ phó phòng.
Bộ Nội vụ đã đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Sở Lao động thực hiện đúng quy định về chức danh cán bộ cấp phòng, cụ thể Sở này có 9 phòng thì mỗi phòng không quá 3 lãnh đạo gồm trưởng và phó phòng.
Đồng thời, khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, Sở phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đúng quy trình; xử lý nghiêm những người tham mưu, đề nghị bổ nhiệm cán bộ quá số lượng quy định.
8 Phó Giám đốc trong một Sở
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa có tới 8 phó giám đốc, trong khi quy định của Chính phủ là lãnh đạo các sở ngành cấp tỉnh, thành không được quá 3 cấp phó.
Một trong những lý do được người có thẩm quyền ở địa phương này đưa ra là việc bổ nhiệm thêm cấp phó xuất phát từ nhu cầu thực tế công việc.
Ngay lập tức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND tỉnh Thanh Hóa rút kinh nghiệm và sắp xếp, bố trí nhân sự Phó giám đốc Sở bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra việc bổ nhiệm Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, báo cáo Thủ tướng; rà soát, báo cáo tổng hợp số lượng cấp phó của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện trên cả nước, kiến nghị giải pháp bảo đảm chấp hành các quy định về số lượng cấp phó.
Cả nhà làm quan huyện
Vào khoảng tháng 10/2016, dư luận tiếp tục xôn xao trước việc nhiều lãnh đạo chủ chốt tại huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế đều là anh em rể của nhau.
Người đứng đầu tỉnh khi trả lời báo chí cho biết, Bí thư Huyện ủy A Lưới Hồ Xuân Trăng là anh cột chèo của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó bí thư, Chủ tịch huyện; Nguyễn Nam Sinh - Phó trưởng Công an huyện; Hồ Thanh Hà - Phó trưởng Phòng Tài chính. Ngoài ra, vợ ông Trăng là bà Lê Thị Thêm cũng đang giữ chức Trưởng Phòng Văn hóa thông tin.
Lãnh đạo tỉnh này cũng cho rằng, trong bộ máy lãnh đạo huyện hiện nay có nhiều người là anh em, quan hệ họ hàng nhưng “việc bổ nhiệm cán bộ là đúng quy trình và quy định” và qua làm việc, những người này vẫn chưa có dấu hiệu sai phạm gì.
Thu hồi quyết định bổ nhiệm Vũ Quang Hải và Vũ Đình Duy
Ngoài trường hợp Trịnh Xuân Thanh như đã đề cập, thì việc đề bạt, bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải (con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng) cũng đặt ra nhiều câu hỏi.
Sau khi làm rõ, ngày 28/12 vừa qua, Ban cán sự đảng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương thu hồi hồi Quyết định bổ nhiệm Kiểm soát viên kiêm nhiệm tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; Quyết định bổ nhiệm Hàm Phó Vụ trưởng; Quyết định đồng ý điều động ông Vũ Quang Hải đến nhận công tác tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) và đề cử tham gia Hội đồng quản trị SABECO.
Ông Vũ Quatrường hợp ông Vũ Đình Duy - nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex), thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), theo như phát ngôn của người có chức trách trong Vinachem, việc bổ nhiệm do trực tiếp Bộ trưởng Bộ Công Thương lúc đó là ông Vũ Huy Hoàng quyết định - chỉ một ngày trước ông Vũ Huy Hoàng rời vị trí.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cũng cho biết, ông Vũ Đình Duy đã xuất cảnh từ ngày 22/10 và chưa nhập cảnh trở lại./.