1. Vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"liên quan đến việc mua chế phẩm Redoxy 3C, ngày 13/12, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) 8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Theo bản án, để định hướng việc mua chế phẩm Redoxy 3C của Cộng hoà Liên bang Đức thay thế hóa chất đang sử dụng, từ tháng 5/2016, ông Chung đã cử đoàn công tác sang Đức để làm việc, đàm phán, đặt hàng với Hãng Watch Water và quyết định lựa chọn chế phẩm Redoxy 3C.
Thời điểm đó, Nguyễn Trường Giang không phải là cán bộ của UBND TP Hà Nội, nhưng suốt quá trình đi thăm, làm việc, khảo sát, trao đổi, đàm phán với đối tác để sản xuất, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C, Giang được ông Chung cử đi cùng như cán bộ của UBND TP Hà Nội.
Việc này nhằm tạo vị thế cho Giang để sau đó Giang ký độc quyền nhập khẩu chế phẩm Redoxy 3C từ Hãng Watch Water và bán cho UBND TP Hà Nội do chính UBND TP Hà Nội đặt hàng.
Ông Nguyễn Đức Chung.
Thực tế thì Giang là Giám đốc Công ty Arktic- công ty gia đình của ông Nguyễn Đức Chung). Công ty Arktic có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, do Giang nắm 60% cổ phần, một cá nhân khác nắm 40% cổ phần. Tuy nhiên, cả hai người này đều đứng tên sở hữu cổ phần thay bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Nguyễn Đức Chung).
Theo chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung, Công ty Arktic được độc quyền phân phối chế phẩm Redoxy. Từ năm 2016 đến 2019, Công ty Arktic đã ký 15 hợp đồng bán tổng cộng 489 tấn chế phẩm làm sạch nước cho Công ty Thoát nước Hà Nội. Công ty Arktic mua lượng chế phẩm này từ Hãng Watch Water với giá 115 tỷ đồng sau đó bán lại với giá 151 tỷ, hưởng lợi 36,1 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 11/12/2020, ông Nguyễn Đức Chung đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước".
2. Vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" liên quan đến hành vi trục lợi đấu thầu xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan: Ngày 31/12, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) 3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Theo bản án, Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) được xác định đã cùng các bị cáo khác gian lận trong việc lập khống hợp đồng chứng minh khả năng, kinh nghiệm để hợp thức hóa hồ sơ năng lực tham gia dự thầu, thiết lập các công ty "quân xanh" khi tham gia đấu thầu và đã chuyển nhượng thầu trái pháp luật sau khi trúng thầu.
Hành vi vi phạm đấu thầu của các bị cáo đã làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hệ quả, mục đích, yêu cầu gói thầu trên không đạt được (chỉ có 45% tài liệu hồ sơ được đẩy lên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp), gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng.
Gói thầu số hóa năm 2016 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư, và người có thẩm quyền đối với gói thầu là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Nhưng ông Nguyễn Đức Chung lấy danh nghĩa là Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu trái quy định của pháp luật.
Sau khi dừng thầu, ông Chung yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đảm bảo tính tích hợp với hệ thống dùng chung của thành phố (tới thời điểm hiện nay, thành phố Hà Nội chưa hình thành cơ sở hệ thống dữ liệu dùng chung) và cho Công ty Nhật Cường thí điểm số hóa để doanh nghiệp này tham gia đấu thầu và trúng thầu.
Đồng thời, Công ty Minh Hoa do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Nguyễn Đức Chung) làm Giám đốc, ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty Nhật Cường để liên danh Nhật Cường- Đông Kinh hợp thức hóa hồ sơ năng lực để dự thầu và trúng thầu.
3. Vụ gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 2.700 tỷ đồng do "ăn đất vàng" ở TP Hồ Chí Minh: Ngày 29/4, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công thương) 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Theo bản án, Tổng Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (thuộc Bộ Công thương quản lý) được giao cho khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh) có tổng diện tích hơn 6.000 m2 dùng để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hàng năm.
Quá trình thực hiện quyền, với trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Sabeco, ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương, đang bị truy nã) và ông Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương) đã có ý kiến chỉ đạo đối với các cán bộ cấp dưới trong quá trình Sabeco thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco để thành lập liên doanh Sabeco Pearl (sau này là Công ty cổ phần đầu tư Quảng Trường Mê Linh), trong đó Sabeco giữ 26% vốn, số vốn còn lại của các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện Dự án "Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê" trên khu đất hơn 6.000 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Trên cơ sở đề nghị của Sabeco về việc công nhận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án và được nộp tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính, mặc dù không đúng đối tượng cho thuê đất chỉ định, nhưng ông Nguyễn Hữu Tín (khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) cùng với các bị cáo khác là cán bộ, lãnh đạo tại Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đã có các hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai, giao cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, được nộp tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính và thuê đất không đúng đối tượng, không thông qua đấu giá, trái quy định của pháp luật đối với khu đất hơn 6.000 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Ngay sau đó, Bộ Công thương đã chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp của Sabeco tại liên doanh Sabeco Pearl và hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất hơn 6.000 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng có giá trị hơn 3.816 tỷ đồng là tài sản của Nhà nước sang tài sản tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với số tiền hơn 2.700 tỷ đồng.
4. Vụ án Phan Văn Anh Vũ đưa hối lộ: Ngày 6/11, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Phan Văn Anh Vũ 7 năm 6 tháng tù về tội "Đưa hối lộ". Tổng hợp với hình phạt 30 năm tù của các bản án đã có hiệu lực trước đó, bị cáo Vũ phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù.
Theo bản án, giữa năm 2017, Phan Văn Anh Vũ (SN 1975, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng 79 và Công ty cổ phần Bắc Nam 79) bị Cơ quan An ninh điều tra-Bộ Công an điều tra về những sai phạm trong vụ án cố ý làm lộ bí mật Nhà nước và những hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng nhà, đất thuộc công sản tại thành phố Đà Nẵng và một số địa phương.
Do lo sợ bị pháp luật xử lý, Vũ nhờ Hồ Hữu Hòa (SN 1984, trú tại thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, làm nghề phong thuỷ) tiếp cận với ông Nguyễn Duy Linh (SN 1971, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo) để nhờ giúp đỡ và tìm hiểu thông tin.
Sau khi nhờ ông Linh giúp đỡ trong quá trình bị xử lý, Vũ đã bỏ trốn sang Singapore. Việc bỏ trốn xuất phát từ việc ông Linh báo cho Vũ biết nội dung, Vũ có thể bị khởi tố, bắt giam.
Cơ quan tố tụng xác định, Hồ Hữu Hòa có vai trò trung gian trong việc nhận túi quà 5 tỷ đồng từ Phan Văn Anh Vũ để chuyển cho ông Nguyễn Duy Linh.
Ông Linh biết rõ Vũ đang trong quá trình bị cơ quan chức năng xem xét xử lý, biết rõ mục đích của Vũ muốn nhờ giúp đỡ nhưng vẫn nhiều lần trao đổi và nhận tiền của Vũ. Và Vũ đã chuyển 5 tỷ đồng cho Hòa để đưa cho ông Linh. Cụ thể là Hòa đã đưa túi tiền này cho cán bộ cấp dưới của ông Linh, rồi thông qua trợ lý chuyển đến phòng làm việc và ông Linh đã nhận được túi tiền này. Khi biết Vũ sắp bị khởi tố bị can, ông Linh đã báo tin cho Vũ bỏ trốn...
Tại phiên tòa, ông Linh thừa nhận hành vi phạm tội, tự nguyện nộp 5 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Ông Nguyễn Duy Linh bị tuyên phạt 14 năm tù về tội "Nhận hối lộ". Hồ Hữu Hòa bị tuyên phạt 2 năm 7 tháng 25 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội "Môi giới hối lộ".
5. Vụ án "Buôn lậu" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Nhật Cường: Ngày 30/11, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án đối với nhóm bị cáo là nhân viên của ông chủ Nhật Cường từ 3 năm 6 tháng tù đến 14 năm tù. Ngoài hình phạt tù, các bị cáo còn bị tuyên liên đới bồi thường số tiền hơn 220 tỷ đồng.
Theo bản án, từ tháng 1/2014 đến tháng 5/2019, Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) đã trực tiếp và chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên công ty thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép tổng số 2.502 đơn hàng với 255.311 sản phẩm (điện thoại di động các loại nhãn hiệu: iPhone, Blackberry, HTC New One, Samsung Galaxy, YotaPhon; máy tính các loại hiệu Apple iPad, Apple Macbook; các loại máy nghe nhạc hiệu Apple; đồng hồ thông minh…) có tổng giá trị thanh toán hơn 2.927 tỷ đồng của 16 nhà cung cấp tại Hong Kong, Trung Quốc.
Sau đó, Bùi Quang Huy trực tiếp liên hệ, thỏa thuận thuê các đường dây vận chuyển hàng hóa trái phép từ Hong Kong về Việt Nam giao cho Công ty Nhật Cường tiêu thụ. Nhà cung cấp "Công ty Miền Tây" do Ngô Xuân Sử đại diện đã thực hiện hành vi bán trái phép cho Bùi Quang Huy tổng số 606 đơn hàng với 84.403 sản phẩm, tổng trị giá hơn 426 tỷ đồng.
Nhà cung cấp "Anh Hung HP" do Đỗ Văn Hùng đại diện đã thực hiện hành vi bán trái phép cho Bùi Quang Huy tổng số 162 đơn hàng với 13.220 sản phẩm (tổng trị giá hơn 98 tỷ đồng) và thực hiện hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, giúp sức cho Bùi Quang Huy thực hiện hành vi buôn lậu tổng số 52.811 sản phẩm, tổng trị giá hơn 307 tỷ đồng.
Cơ quan công an đang tiếp tục điều tra làm rõ các nhà cung cấp và các đường dây vận chuyển còn lại. Thông qua hệ thống các cửa hàng của Công ty Nhật Cường, Bùi Quang Huy đã tiêu thụ được 254.364 sản phẩm, thu lợi bất chính hơn 221 tỷ đồng.
6. Vụ án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi: Ngày 6/12, TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với 2 cựu Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), kiêm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi 13 năm tù.
Theo bản án, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi). Giai đoạn 1 của dự án dài 65 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), gồm có 8 gói thầu xây lắp chính, trong đó có 7 gói thầu thi công đường và 1 gói thầu chủ yếu thi công cầu.
Dự án khởi công ngày 19/5/2013, đến ngày 1/8/2017 hoàn thành thông xe, đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn I - 65km từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ, ngày 2/9/2018 hoàn thành thông xe, đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn II - 74,2 km từ thành phố Tam Kỳ đến thành phố Quảng Ngãi.
Mặc dù mới đưa vào khai thác, đoạn đường 65km đã xảy ra rất nhiều điểm hỏng biểu hiện trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông.
Kết luận giám định cho thấy, chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với 7/7 gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn I của dự án không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án như: Chiều dày lớp bê tông nhựa VTO/Novachip không đảm bảo quy định, độ rỗng dư, hàm lượng nhựa, hệ số thấm không đạt yêu cầu quy định; lớp bê tông nhựa hạt mịn thiếu chiều dày bình quân, độ rộng dư giao động rất lớn; các lớp bê tông nhựa và đá dăm gia cổ nhựa có hiện tượng bong tróc cốt liệu...
VEC, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan không có phương án, biện pháp chỉ đạo cụ thể để rà soát, kiểm tra, loại bỏ vật liệu không đảm bảo chất lượng, dẫn đến cả 7/7 gói thầu đều sử dụng đá tại các mỏ này làm vật liệu sản xuất các lớp cấp phối đá dăm và bê tông nhựa các loại.
Mặc dù giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo nhưng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã tiến hành nghiệm thu, thanh toán số tiền hơn 811 tỷ đồng cho các đơn vị thi công dự án.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (Phó Tổng Giám đốc VEC, cựu Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) 7 năm tù và bị cáo Lê Quang Hào (Phó Tổng Giám đốc VEC, cựu Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) 6 năm tù cùng về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Các bị cáo liên quan tuỳ theo mức độ phạm tội mà bị tuyên phạt các mức án khác nhau.
7. Vụ án tại Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (TISCO): Ngày 11/11, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên phạt ông Trần Trọng Mừng (cựu Tổng Giám đốc TISCO) 9 năm 6 tháng tù và ông Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam) 6 năm tù cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Về trách nhiệm dân sự, HĐXX phúc thẩm tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho TISCO số tiên 830 tỷ đồng.
Theo bản án, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 do TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam- VNS. Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn KH-CN và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Giá trị hợp đồng trọn gói hơn 160 triệu USD.
Tuy nhiên, các bị cáo đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật, không đạt được hiệu quả của dự án mà còn gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn. Sau hơn 11 tháng khởi công, MCC chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu nhưng đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. MCC còn đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng EPC.
Ông Trần Trọng Mừng không chỉ đạo áp dụng điều khoản để dừng hợp đồng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét hủy đấu thầu, thu hồi tiền tạm ứng mà quyết tâm thực hiện dự án, khiến dự án phải dừng thi công, gây thất thoát, lãng phí trên 830 tỷ đồng.
Ông Mai Văn Tinh có các hành vi sai phạm khiến TISCO không kiểm soát được chi phí đầu tư vào dự án, không ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu về tiến độ, giá trị hợp đồng, làm dự án phải dừng thi công gây thất thoát trên 830 tỷ đồng…
Ông Trần Trọng Mừng và ông Mai Văn Tinh đã chỉ đạo các cá nhân có liên quan thuộc TISCO và VNS tổ chức, thực hiện việc điều chỉnh dự toán chi phí phần C, tham gia ký hợp đồng thầu phụ thực hiện phần C của Hợp đồng EPC số 01 theo hình thức hợp đồng theo đơn giá…, tạo điều kiện để MCC có lý do chối bỏ trách nhiệm thực hiện hợp đồng trên, chấp thuận không có căn cứ Vinaincon làm nhà thầu phụ thực hiện phần C của Hợp đồng EPC số 01 trong khi Vinaincon không đủ năng lực.