Tâm lý của trẻ khi có em là một trong những vấn đề quan trọng, song không phải tất cả các bố mẹ đều quan tâm đúng mực.
Bất cứ ở thời điểm nào trong độ tuổi của trẻ, khi có em chắc chắn là một "bước ngoặt" bởi giờ đây con không còn là số 1, là duy nhất nữa.
Tùy vào từng trẻ, sự thay đổi của trẻ có thể ở nhiều mức độ khác nhau, có trẻ trở nên hoang mang, có trẻ trở nên lầm lì bớt hoạt bát, có trẻ cáu bẳn, và nghiêm trọng hơn, có trẻ rơi vào tình trạng trầm cảm.
Điều này không chỉ ảnh hưởng nhất thời đến tình trạng của trẻ cụ thể như bị sốc, mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của trẻ. Thậm chí, sự ảnh hưởng đó còn là một ký ức không đẹp, theo con đến tận khi trưởng thành.
Bất cứ ở thời điểm nào trong độ tuổi của trẻ, khi có em chắc chắn là một "bước ngoặt" bởi giờ đây con không còn là số 1, là duy nhất nữa. (Ảnh minh họa)
Vậy trước nguy cơ những tình trạng này có thể xảy ra, mẹ cần phải làm gì để kịp thời giúp con thích nghi với việc có em và không bị xáo trộn tâm lý, gây hậu quả đáng tiếc?
Mẹ hãy tham khảo ngay những việc cần đặc biệt lưu ý sau đây:
1. Luôn chuẩn bị tâm thế xảy ra "nội chiến"
Mẹ cần nhớ không bao giờ để trẻ lớn ở lại một mình với em bé. Hãy để con biết những hành động nào được chấp nhận và không được chấp nhận.
Giải thích cho con hiểu mẹ yêu con, con cảm thấy tức giận và buồn bực là chuyện dễ hiểu, nhưng không phải vì thế mà con được phép làm tổn thương em bé.
2. Đưa ra đề nghị khéo léo
Những câu nói kiểu như: 'Về thôi con, đến giờ ngủ trưa của em bé rồi' sẽ vô tình khiến trẻ bị tổn thương vì dường như mẹ chỉ quan tấm đến nhu cầu và lịch trình của em bé.
Thay vào đó, mẹ hãy nói: 'Lúc em ngủ trưa thì mẹ và con có thể cùng nhau đọc sách mới mượn ở thư viện; Sau khi em ngủ dậy, mẹ con mình có thể đi chơi'.
3. Khéo léo để trẻ tham gia vào công việc chăm em nhỏ
Mẹ hãy giúp con hiểu vai trò quan trọng của mình với em ruột, khéo léo lôi kéo sự tham gia của trẻ vào công việc chăm em nhỏ để trẻ thấy mình có ích, không bị bỏ rơi.
Các công việc bao gồm: trông em giúp mẹ, cùng chơi với em, giúp đỡ và bảo vệ em. Cụ thể trẻ có thể lấy tã, quần áo hoặc đồ chơi cho em.
Tuy nhiên mẹ cũng không nên ép buộc hay đẩy trẻ vào vai trò một người trông trẻ chuyên nghiệp nếu trẻ không muốn điều đó, khi trẻ giúp đỡ, mẹ hãy nhớ nói lời cảm ơn và khích lệ trẻ nhiều hơn.
4. Luôn cố gắng dành thời gian cho trẻ
Mặc dù nhà có thêm em bé nhưng mẹ đừng quên dành thật nhiều thời gian cho trẻ mỗi khi có thể.
Chuyện trò, an ủi, động viên và giải thích cho trẻ hiểu sẽ giúp trẻ không còn bỡ ngỡ, không còn cảm giác ghét em nhỏ nữa. Hãy nói cho trẻ hiểu mẹ vẫn yêu thương con trước đây, bây giờ và cả sau này.
5. Chuẩn bị trước một số tình huống
Khi có thêm em bé, mẹ nên chuẩn bị trước cho trẻ trong một vài tình huống chẳng hạn như khi mẹ cho bé bú thì bé lớn cần đồ chơi hoặc sách để bé có thể tự chơi trong yên lặng.
Khi cho em bé bú thì mẹ có thể để trẻ ngồi cạnh mình, kể chuyện cho trẻ nghe cũng là một cách đánh lạc hướng và không gây ồn ào quá mức.
6. Không phạt con
Quát mắng, trách phạt trẻ là hành động chỉ khiến trẻ thêm bức xúc, cảm giác không còn được mẹ yêu thương và chấp nhận nữa.
Điều này có thể dẫn đến một loạt các hành vi sai trái khác của trẻ. Mẹ hãy bình tĩnh lắng nghe và hỏi han trẻ để tìm hiểu và có cách ứng xử phù hợp hơn. Đôi khi thứ trẻ cần chỉ là sự quan tâm,chú ý của mẹ mà thôi.
7. Nhìn nhận thực tế và khắc phục
Có một sự thật là mẹ đừng hy vọng trẻ sẽ nhanh chóng thích em và quý mến em.
Trẻ có thể tỏ thái độ thù địch, ghen ghét ra mặt, thậm chí không thèm quan tâm đến sự có mặt của em bé.
Mẹ hãy kiên nhẫn và cho con thời gian làm quen với thành viên mới và vai trò anh chị của mình trong gia đình, không nên ép buộc trẻ phải yêu em khi trẻ chưa sẵn sàng.