Trong y học cổ truyền, một số vị thuốc nam có tác dụng hỗ trợ điều trị, cải thiện chức năng gan, chữa viêm gan, vàng da rất tốt. Thuốc có tác dụng tốt và an toàn khi sử dụng trong thời gian dài.
1. Các biểu hiện chức năng gan suy giảm
Các biểu hiện chức năng gan suy giảm (gan bị tổn thương) đôi khi không rõ ràng như: Sốt vừa hoặc nhẹ; đau vùng hạ sườn phải; nước tiểu sẫm màu; mệt mỏi kéo dài do gan không thể chuyển hóa chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể; rối loạn tiêu hóa (chán ăn, buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng, táo bón, hội chứng ruột kích thích ); ngứa; bụng chướng do chất lỏng tích tụ trong ổ bụng; phù mạch…
Bệnh tiếp diễn trong âm thầm, được sản xuất trong mật và xử lý bình thường ở gan. Gan bị viêm khiến bilirubin tích tụ trong máu, thấm vào các mô như da và mắt, khiến chúng có màu vàng (vàng da, vàng mắt)…
Gan bị viêm khiến bilirubin tích tụ trong máu, thấm vào các mô như da và mắt, khiến chúng có màu vàng
2. Những vị thuốc nam cải thiện chức năng gan
2.1 Atisô
Lá atiso có tác dụng làm tăng bài tiết mật, tăng lượng nước tiểu và nồng độ urê trong nước tiểu, giảm nồng độ urê và cholesterol trong máu. Lá atiso còn được dùng làm thuốc thông mật, thông tiểu, điều trị hỗ trợ trong các bệnh viêm gan, suy gan, thận, thấp khớp, phù nề.
Liều dùng hàng ngày 10-20g lá khô, cắt nhỏ, nấu với 400ml, còn 100ml,uống làm 2 lần trong ngày.
2.2 Dành dành
Dành dành là một vị thuốc được dùng từ lâu đời chữa bệnh vàng da. Cao chiết từ quả dành dành làm tăng tiết mật, ức chế sự gia tăng bilirubin trong máu. Dành dành có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm. Ngày dùng 6-12g quả dành dành dưới dạng nước sắc hoặc hoàn tán.
2.3 Đại hoàng
Đại hoàng có tác dụng lợi niệu, làm tăng tiết mật, kháng khuẩn, chữa các chứng vàng da, kém ăn, ăn không tiêu.
Liều dùng 0,5-2g sắc uống dùng chữa kém ăn, ăn không tiêu, viêm gan cấp tính.
Ngày dùng 3–10g sắc uống dùng chữa viêm gan mạn tính, đầy bụng, đại tiện bí.
Chú ý: Phụ nữ có thai, đang cho con bú hoặc người bị sỏi niệu calci oxalat không dùng đại hoàng.
2.4 Hoàng cầm
Hoàng cầm có tác dụng ức chế kháng nguyên bề mặt của virus gây bệnh viêm gan B. Hoàng cầm được dùng điều trị bệnh vàng da.
Ngày uống 6-15g dạng thuốc sắc hoặc bột.
2.5 Nghệ đen
Thân rễ nghệ đen, tên thuốc trong y học cổ truyền là nga truật, chữa đầy bụng, đầy hơi, tích huyết, phù nề, vàng da.
Nghệ đen có tác dụng tăng cường bài tiết mật, chống viêm và kháng khuẩn trên nhiều loài vi khuẩn. Bài thuốc có nghệ đen phối hợp với một số vị thuốc khác được áp dụng điều trị viêm gan do virut.
Liều dùng 3-6g sắc uống.
Nghệ đen, vị thuốc lợi mật, chữa bệnh về gan
2.6 Nhân trần
Trong y học hiện đại, nhân trần đã được áp dụng điều trị cho các bệnh nhân mắc viêm gan do virus cấp tính có thời kỳ tiền vàng da và thời kỳ hoàng đản rõ rệt. Sau một thời gian điều trị, ở các bệnh nhân dùng nhân trần giảm rõ rệt các triệu chứng mệt mỏi, hết đau vùng gan, ăn ngon, điều này giúp cho bệnh nhân chóng hồi phục.
Trong y học cổ truyền, nhân trần được dùng chữa vàng da, sốt nóng, tiểu tiện không thông. Ngày dùng 10-20g, dưới dạng thuốc sắc, sirô hoặc thuốc viên.
3. Các bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh gan
3.1 Chữa vàng da, vàng mắt, sốt
Bài thuốc: Dành dành 5g, hoàng bá 5g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày 1 thang. Hoặc dùng bài: nhân trần 20g, dành dành 12g, đại hoàng 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
3.2 Chữa viêm gan, tắc mật
Bài thuốc: Đại hoàng tẩm rượu sao, tán bột. Ngày uống 2-4 lần, mỗi lần 2g.
Bài thuốc: Bồ bồ 10g; nghệ, dành dành, râu ngô, mỗi vị 5g. Mỗi ngày uống 1 thang, sắc uống.
Hoặc dùng bài: Rau má 4g, núc nác 3g, nhân trần 3g ; nghệ, sài hồ nam, dành dành, nhọ nồi, hậu phác nam (vối rừng), mỗi vị 2g. Nghệ, dành dành, hậu phác tán bột mịn, các vị khác nấu cao đặc với nước. Làm viên hoàn, ngày uống 10g, chia làm 2 lần.
4. Phòng ngừa suy giảm chức năng gan
Thực hiện chế độ ăn uống khoa học và một lối sống lành mạnh: Hạn chế uống rượu bia, hạn chế ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, ăn nhiều trái cây, rau củ quả, các loại rau có màu xanh đậm để cung cấp các vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa.
Xây dựng khung làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, bỏ thói quen xấu như hút thuốc lá, thức khuya, sử dụng thuốc bừa bãi (sử dụng kháng sinh, thuốc giảm đau… trong thời gian dài sẽ tạo ra chất độc cho gan).
Dành thời gian rèn luyện thể lực phù hợp và đều đặn để hỗ trợ cho quá trình thải độc của gan.
Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh mắc phải (nếu có).