Những vị 'thầy nghìn người'

Lê Tiên Long |

Trong số các vị “thầy nghìn người” được sử sách đời sau ghi chép rõ ràng sự trạng, phải kể đến vị trạng nguyên khai khoa thời Lê sơ là Nguyễn Trực.

Nước ta trọng nghề giáo, thường tôn vinh những nhà giáo có thành tích đào tạo kẻ sĩ, nhân tài, như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lương Đắc Bằng... Ngoài ra, còn có những nhà giáo được mệnh danh là “thầy nghìn người” nữa.

Xếp cạnh các vị danh sư nói trên, phải kể đến thầy Trần Ích Phát, người đào tạo ra 3 vị trạng nguyên và trên 70 vị đại khoa. Tuy nhiên sử sách ghi lại về ông không nhiều, chỉ sách “Đại Nam nhất thống chí”, phần nhân vật đất Hải Dương cho biết Trần Ích Phát sống vào thời Lê sơ (thế kỷ 15 - 16). Ông xuất thân từ một gia đình nông dân ở làng Triều Dương (Chí Linh, Hải Dương), dòng tộc chưa ai có ai trải qua khoa cử.

Trần Ích Phát chỉ thi đỗ giải nguyên kỳ thi Hương vào niên hiệu Thái Hòa, thời vua Lê Nhân Tông và không đỗ thi Hội hai khoa Mậu Thìn (1448) và năm Nhâm Thân (1452), nhưng sự nghiệp đào tạo của ông lại vô cùng thành công với 74 học trò thi đỗ đại khoa (từ tiến sĩ trở lên), trong đó có 3 trạng nguyên, 4 Bảng nhãn, 6 Thám hoa. Ngoài ra còn có 10 Hoàng giáp và 51 tiến sĩ.

Theo ghi chép đương thời thì các vị trạng nguyện Vũ Kiệt, Trần Sùng Dĩnh, Nguyễn Huân đều là học trò của Trần Ích Phát, đều thành danh ở lứa tuổi 21 - 23. Ngoài ra còn có Nguyễn Huân giành bảng nhãn năm 21 tuổi, Đinh Lưu Kim giành thám hoa năm 18 tuổi, Thân Cảnh Vân đỗ thám hoa năm 25 tuổi…

Nguyễn Trực

Trong số các vị “thầy nghìn người” được sử sách đời sau ghi chép rõ ràng sự trạng, phải kể đến vị trạng nguyên khai khoa thời Lê sơ là Nguyễn Trực. Ông là người xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội, đỗ đệ nhất tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất (1442), niên hiệu Đại Bảo thời vua Lê Thái Tông, khi đó ông 26 tuổi. Sau khi lần lượt trải qua các chức vụ trực học sĩ viện Hàn lâm, kiêm võ kỵ úy; An phủ sứ Nam Sách, rồi quay về triều giữ chức thị giảng, kiêm Ngự tiền học sinh, rồi thăng Trung thư thị lang ở sảnh Trung thư.

Theo sách “Nhân vật chí” trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, năm Diên Ninh thứ 2 (1445), khi nhà có tang, Nguyễn Trực xin về làng cư tang. “Bấy giờ học trò các nơi theo học kể hàng nghìn người”, sách viết.

Khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi, Nguyễn Trực nhờ tài văn chương càng được vua tin yêu. Năm đầu niên hiệu Quang Thuận (1460), ông được bổ làm Tuyên phụng đại phu, coi việc ba quán. Tuy nhiên, ông mấy lần xin về quê dạy học tại ngôi nhà tranh ở chân núi Phật Tích (Quốc Oai, Hà Nội ngày nay), nhưng vua không cho.

Năm Hồng Đức thứ 4 (1473), ông lại được thăng làm gia hạnh đại phu, thừa chỉ viện Hàn lâm, kiêm Tế tửu Quốc tử giám, phụ trách việc đào tạo nhân tài cho cả nước, nhưng chỉ mới nhậm chức thì qua đời, thọ 57 tuổi.

Phan Huy Chú bình luận: “Ông đỗ đầu đại khoa ra làm quan mà coi rẻ công danh, thường có ý muốn chóng về. Đại học sĩ Thân Nhân Trung có khen ông là: “Lấy văn chương được các triều tri ngộ mà khiêm tốn kính cẩn giữ vẹn sau trước”, thực là lời phê bình xác đáng”.

Về tài năng của Nguyễn Trực, sách “Nhân vật chí” còn cho biết: “Ông vâng mệnh đi sứ Trung Quốc, gặp khoa thi, ông là bồi thần cũng xin thi, nhà Minh lại cho đỗ trạng, nên đời bấy giờ gọi là “lưỡng quốc trạng nguyên””. Tuy nhiên xét trong chính sử không ghi việc này, nên coi như đây là giai thoại.

Nguyễn Đình Trụ

Cũng như Nguyễn Trực, thời Lê trung hưng có một vị danh sĩ được sách “Lịch triều tạp kỷ” của Ngô Cao Lãng chép rằng: “Bấy giờ có Hiệu thảo Nguyễn Đình Trụ bị biếm trích đã lâu, sống nhàn tản, mở trường dạy học. Học trò có hàng nghìn người, nhiều kẻ hậu tiến được thành đạt. Đình Trụ được các học giả đương thời đều coi là một công phái thầy học”.

Nguyễn Đình Trụ người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội, ông sinh khoảng năm 1626, mất năm 1703. Ông đậu tiến sĩ khoa Bính Thân niên hiệu Thịnh Đức (năm 1656) dưới thời vua Lê Thần Tông.

Khi vào thi ứng chế đỗ đầu, sau làm quan đến Lại khoa cấp sự trung. Sau này bị giáng làm hiệu thảo viện Hàn lâm vào tháng 7 năm Giáp Tuất (1694) do bộ Lại lúc đó bị triều đình cho là tuyển người bừa bãi, khiến chức vụ của ông bị xem xét lại.

Theo sách “Nhân vật chí” của Phan Huy Chú, trong số hàng nghìn người học trò của Nguyễn Đình Trụ, số đỗ đại khoa có hơn 70 người. “Ông là bậc khuôn mẫu trong làng nho, người ta gọi là bậc tôn sư. Năm 77 tuổi, ông mất”, Phan Huy Chú viết.

Vũ Thạnh

Một vị danh sư dạy dỗ hàng nghìn học trò khác ở thời Lê trung hưng là Thám hoa Vũ Thạnh. Ông quê làng Đan Luân huyện Đường An (nay là huyện Bình Giang) tỉnh Hải Dương, lên du học ở kinh thành Thăng Long và từng thi đỗ giải nguyên. Năm 22 tuổi, ông đỗ Thám hoa Đình nguyên khoa Ất Sửu, năm Chính Hòa thứ 6 (1485).

Phan Huy Chú mô tả: “Học vấn của ông rộng rãi. Làm văn, ông cốt tao nhã lưu loát, ông ra sức sửa chữa thói quen viết văn thời bấy giờ. Vì từ thời trung hưng về sau, văn chương ngày càng hèn kém, thô bỉ. Văn ông làm ra thì chuyên về thay đổi lối cũ, đổi lối quê kệch vụng về thành trôi chảy, đổi cũ rích thành ra thanh nhã mới mẻ. Thời bấy giờ xô nhau hướng theo, thể văn từ đấy thay đổi”.

Những vị 'thầy nghìn người'- Ảnh 2.

GS.TS Vũ Minh Giang trình bày tham luận tại hội thảo khoa học 'Thám hoa Vũ Thạnh - Con người và sự nghiệp' năm 2018. Ảnh: INT.

Vũ Thạnh làm quan trải các chức Thiêm đô ngự sử, bồi tụng, thường ở trong phủ chúa giúp các việc trong ngoài. Nhưng vì ông đem việc các hoạn quan hay xin xỏ, cầu cạnh trong việc kiện tụng tâu lên, triều đình buộc tội gièm pha nên bãi chức của ông. Theo “Lịch triều tạp kỷ” thì lúc đó ông đang giữ chức nội tán.

Ông về mở trường dạy học ở làng Hào Nam (nay thuộc phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội), học trò theo học cũng đến có hàng nghìn, đỗ đại khoa cũng đến hơn 70 người. Ngô Cao Lãng bổ sung thêm rằng: “Học trò của ông, về sau phần nhiều trở thành những bầy tôi có danh tiếng”.

Trường “tư thục” của ông chỉ cách Văn Miếu, Quốc Tử Giám một làng, nhưng số lượng học sinh thì đông không kể xiết. Theo một số tài liệu để lại, thời đó Hào Nam còn liền sát với hồ Bảy Mẫu. Mỗi khi đến ngày giảng tập, nhà học không đủ chứa hết, học trò phải mượn thuyền nan cập vào bên hồ nghe giảng.

Học trò của ông làm quan nhiều đến nỗi, một lần nhà ông có giỗ, các học trò làm quan tại triều đều về họp ở nhà ông. Chợt khi ấy, chúa Trịnh đòi các quan vào hầu, mà không có một người nào chực hầu cả. Chúa hỏi kẻ lại phòng mới thưa thực là các quan về lễ giỗ nhà ông thầy ở Hào Nam. Chúa cũng cho đợi đến hôm sau, xong việc mới triệu các quan vào hầu.

Sau một thời gian dạy học, Vũ Thạnh lại được chúa Trịnh triệu vào triều, bổ đến chức Tự khanh. Khi ông mất, được truy tặng là tham chính.

Phan Huy Chú nhận xét: “Cái danh dự về nho sư thì ông Vũ Thạnh cũng được khen ngang với ông Nguyễn Đình Trụ ở Nguyệt Áng”.

Ngoài các vị kể trên, có ông Vũ Công Trấn, người huyện Thanh Oai, Hà Nội, đỗ đồng tiến sĩ khoa Giáp Thìn đời vua Lê Dụ Tông (1724), sau lại thi đứng thứ nhì kỳ thi Đông các.

Ông làm quan đến chức tả thị lang bộ Binh, sau khi đã về hưu còn được chúa Trịnh triệu ra làm việc tiếp. Sách “Nhân vật chí” cho biết: “Lúc thôi quan về nhàn rỗi, ông thích dạy học. Học trò theo học rất nhiều, người thành danh cũng lắm”. Lúc mất, ông được tặng chức thượng thư, tước quận công.

Hoặc ông Vũ Công Đạo, người huyện Đường An (Bình Giang, Hải Dương), đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1659), cũng được sử sách ghi nhận về việc dạy dỗ được nhiều anh tài. Ông chính là thầy học của Thám hoa Vũ Thạnh, bảng nhãn Phạm Quang Trạch và Hội nguyên Nguyễn Danh Dự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại