Nghệ sĩ Hán Văn Tình sinh năm 1957 tại Tam Nông, Phú Thọ. Ông bén duyên với nghiệp diễn từ năm 1973 khi bắt đầu theo học trường đào tạo Sân khấu Hà Nội.
Năm 1977, Hán Văn Tình về công tác tại Đoàn Tuồng trung ương, nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam. Tuy nhiên, khán giả biết đến Hán Văn Tình chủ yếu nhờ những vai diễn trên truyền hình, dù chỉ là những vai phụ.
Khi thì ông hóa thân thành lão chủ xóm trọ ki bo, bủn xỉn. Lúc lại vào vai kẻ trộm gà tinh quái, ranh ma. Mỗi nhân vật qua diễn xuất của Hán Văn Tình đều chân thực và để lại ấn tượng sâu sắc.
Nhắc đến sự nghiệp phim ảnh của ông, khán giả được trải qua hết thảy các cung bậc cảm xúc: vừa thương, vừa giận, vừa buồn cười.
Chu Văn Quềnh trong ‘Đất và người’
Có thể nói, đây là vai diễn thành công nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của Hán Văn Tình. Chẳng những được khán giả yêu mến, người ta còn lấy nhân vật này để gọi tên ông.
Không phải là nhân vật chính, nhưng số phận vai diễn của Hán Văn Tình lại xuyên suốt cả bộ phim và được khán giả quan tâm đặc biệt.
Trong ‘Đất và người’, ‘Quềnh’ là anh nông dân nghiện rượu, ‘dày ăn mỏng làm’ và hành động theo quán tính. Sự thiển cận, nông nổi của ‘Quềnh’ trở thành công cụ để những kẻ thủ đoạn, cơ hội trong làng Giếng Chùa sai khiến, lợi dụng.
‘Quềnh’ hay gãi chiếc đầu trọc rồi cười phá lên một cách khoái trá.
Cộc cằn và thô lỗ, nhưng ‘Quềnh’ cũng khát khao hạnh phúc từ khi gặp gỡ và cưu mang mẹ con ‘cô Tho’. Chính những diễn biến sau đó đã cho thấy sự xuất thần trong cách vào vai của Hán Văn Tình.
Ông lột tả chân thực tâm trạng bế tắc cùng cực của người nông dân lạc lối, muốn làm lại cuộc đời nhưng xã hội thối nát thời bấy giờ không cho ai cơ hội.
Khi bộ phim kết thúc, người ta vẫn văng vẳng bên tai nụ cười ha hả khoái trá và châm ngôn sống ‘Không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại’ của ‘Chu Văn Quềnh’.
‘Chủ quán thức ăn chín’ trong ‘Bão qua làng’
Vẫn chủ đề nông thôn thời kỳ đổi mới, ‘Bão qua làng’ là bộ phim đề cập nhiều vấn đề nhức nhối khiến người xem không khỏi suy ngẫm. Trong phim, Hán Văn Tình vào vai lão chủ quán thức ăn chín xấu tính, nhiều chuyện tên ‘Sở’.
Từ khi cái quán của ‘Sở’ được mở ra, chị em phụ nữ trong làng chẳng còn thiết chuyện nấu ăn, nội trợ. Tới bữa, họ ùn ùn kéo đến mua bán qua quýt rồi ‘đẩy đưa’ những chuyện vô thưởng phạt của thiên hạ.
Không chỉ ‘làm hư phụ nữ’, quán thức ăn này còn là cái ‘trạm thông tin’ cho ‘đám đàn bà’ ưa tọc mạch, đưa chuyện.