Tự tin và trách nhiệm
Ngày đầu tiên của năm mới, Việt Nam sẽ chính thức đảm nhiệm trọng trách lớn, đồng thời là vinh dự làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Hơn nữa, ngay ngày đầu làm thành viên của cơ quan chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh trên toàn cầu của Liên hợp quốc này, Việt Nam đã lập tức đảm đương trọng trách Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc theo thứ tự alphabet tên tiếng Anh của các nước thành viên, trách nhiệm mà mỗi quốc gia thành viên chỉ đảm nhiệm không quá hai lần trong một nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực.
Chủ tịch Hội đồng Bảo an có trách nhiệm triệu tập cuộc họp của hội đồng, chấp thuận nghị trình dự kiến của cuộc họp, chủ trì cuộc họp, đại diện cho hội đồng trước Liên hợp quốc.
Cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an bất cứ lúc nào cũng có thể đưa những đề xuất, sáng kiến, nhằm tìm kiếm biện pháp hóa giải xung đột giữa các bên, ngăn ngừa, giảm bớt phức tạp, duy trì an ninh trên toàn cầu… và nước Chủ tịch phải dẫn dắt công việc của cơ quan này sao cho hài hòa và hiệu quả.
Với hàng loạt vấn đề liên quan tới hòa bình và an ninh, hàng loạt điểm nóng xung đột hiện nay với những lợi ích đan xen, giằng xéo giữa các quốc gia… khối lượng công việc mà Hội đồng Bảo an phải xem xét, xử lý là rất lớn và khẩn trương.
Trách nhiệm nặng nề là vậy, song chúng ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng để hoàn thành tốt trọng trách mà các thành viên Liên hợp quốc kỳ vọng khi bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an với số phiếu cao kỷ lục 192/193 hồi tháng 6 vừa qua.
Cho dù chỉ có 6 tháng để chuẩn bị cho việc làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhưng với nỗ lực khẩn trương và cao nhất của mình, Việt Nam tự tin chính thức đảm nhận nhiệm vụ này cũng như cương vị Chủ tịch của hội đồng từ ngày 1-1-2020.
Kiên trì đường lối hòa bình
Chỉ trong thời gian khá ngắn vừa qua, Việt Nam đã hoàn tất việc chuẩn bị các công việc, ưu tiên của mình khi làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Chúng ta cũng đã công bố 7 ưu tiên chính trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 bao gồm: ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình tranh chấp và thúc đẩy thực hiện Chương VI của Hiến chương; cải cách phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an, tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực theo Chương VII của Hiến chương; bảo vệ thường dân, các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang; phụ nữ, hòa bình và an ninh, trẻ em trong xung đột vũ trang; giải quyết hậu quả xung đột, nhất là xử lý vật liệu nổ/bom mìn còn sót lại, phục vụ tái thiết và phát triển kinh tế xã hội; các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh.
Tình hình thế giới đang có những biến động nhanh, phức tạp và khó lường, trong khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - nơi xem xét và đưa ra các quyết định về các vấn đề liên quan tới hòa bình, an ninh, xung đột… cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống - lại đan xen lợi ích, ảnh hưởng, tiếng nói của các cường quốc hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, chúng ta tin sẽ hoàn thành trọng trách của mình bởi không chỉ đã có nhiệm kỳ đầu tiên 2008-2009 thành công, mà quan trọng hơn hết là chúng ta luôn kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa. Đây là nền tảng để Việt Nam đưa ra quan điểm, lập trường về các vấn đề lớn của cộng đồng quốc tế, nhất là các vấn đề trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an.
Chúng ta hoàn toàn tự tin và đã sẵn sàng làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như cương vị Chủ tịch của cơ quan này từ ngày đầu tiên của năm mới 2020.
Việt Nam cử lính mũ nồi xanh tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc triển khai Bệnh viện Dã chiến cấp 2 tại Nam Sudan
Trong suốt nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc 2008-2009, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thực chất, tích cực, để lại những dấu ấn; thể hiện vai trò tích cực và xây dựng tại các cuộc họp, trong tham vấn và xem xét các quyết định trên nhiều vấn đề liên quan đến xung đột tại các khu vực, tái thiết hậu xung đột, khủng bố quốc tế, kiểm điểm các biện pháp trừng phạt, các hoạt động gìn giữ hòa bình và nâng cao tính minh bạch của Hội đồng bảo an.
Việt Nam đã đưa ra sáng kiến về việc tham vấn với các thành viên Liên hợp quốc để xây dựng Báo cáo hàng năm của Hội đồng Bảo an thực chất, toàn diện hơn. Sáng kiến này được các nước đánh giá cao và tiếp tục áp dụng thực hiện trong những năm sau đó. Việt Nam cũng đã có một vai trò rất quan trọng trong Hội đồng bảo an, đặc biệt là trong việc ủng hộ Nghị quyết 1889 của Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Đây là một nghị quyết có tính chất lịch sử của tổ chức lớn nhất hành tinh này.