Binh sĩ Mỹ điều khiển xe tăng M1 Abrams tham gia cuộc tập trận do NATO dẫn đầu tại Oppdal, Na Uy ngày 1/8/2018. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ New York Times, các lãnh đạo châu Âu nhấn mạnh rằng cách duy nhất để dòng vũ khí hạng nặng của châu lục này tới Ukraine là Mỹ gửi xe tăng của chính Mỹ cho Kiev. Quyết định của ông Biden, dù miễn cưỡng, đã mở đường cho xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất đến Ukraine sau hai hoặc ba tháng nữa. Mặc dù không rõ liệu xe tăng có tạo ra khác biệt quyết định cho Ukraine hay không, nhưng đây là động thái mới nhất trong một loạt hành động leo thang mà dần dần đã khiến Mỹ và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến gần hơn đến xung đột trực tiếp với Nga.
Các quan chức châu Âu và Mỹ thừa nhận rằng ba tháng trước, không thể tưởng tượng nổi Tổng thống Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và các nhà lãnh đạo châu Âu khác lại đóng góp vũ khí hạng nặng như vậy cho Ukraine. Nhưng dần dần, họ cho rằng tình hình đã thay đổi.
Hơn nữa, phương Tây muốn chứng minh với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng châu Âu không rạn nứt trong mùa đông và NATO vẫn cam kết hỗ trợ Ukraine.
Tổng thống Biden nói tại Nhà Trắng: “Ông Putin cho rằng quyết tâm của châu Âu và Mỹ sẽ suy yếu. Những chiếc xe tăng này là bằng chứng rõ ràng hơn về cam kết bền bỉ, không lay chuyển của chúng ta đối với Ukraine và sự tin tưởng của chúng ta vào kỹ năng của các lực lượng Ukraine”.
Chỉ mới tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin đã bác bỏ ý tưởng gửi xe tăng Abrams vì xe tăng Abrams là một thiết bị rất phức tạp và là những hệ thống mà Ukraine không sửa chữa nổi.
Nhưng khi cam kết viện trợ xe tăng cho Ukraine, ông Biden đã có thể tạo lớp bảo vệ chính trị để Thủ tướng Đức Scholz gửi xe tăng Leopard vào đầu mùa xuân. Quyết định của Đức đã mở đường cho Tây Ban Nha, Ba Lan và Phần Lan đi theo, còn Na Uy có khả năng sẽ công bố một khoản đóng góp tương tự.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden không muốn bị coi là bị đồng minh thân cận nhất buộc phải đưa ra quyết định. Ông coi vấn đề này là giữ gìn sự thống nhất. Ông Biden nói: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng tất cả chúng ta đều ở bên nhau”.
Tổng thống Biden thường nói rằng ông có hai mục tiêu: giải phóng Ukraine và tránh xung đột trực tiếp giữa lực lượng Mỹ và Nga. Càng ngày, hai mục tiêu đó càng căng thẳng. Ngày 25/1, ông Biden nhấn mạnh rằng vũ khí mới sẽ nhằm bảo vệ lãnh thổ Ukraine, không hơn không kém. Ông nói: “Không có mối đe dọa tấn công nào đối với Nga. Nếu quân đội Nga trở về Nga, nơi họ thuộc về, cuộc chiến này sẽ kết thúc ngay hôm nay”.
Tuy nhiên, phía Nga có suy nghĩ khác. Đại sứ Nga tại Mỹ, ông Anatoly Antonov, đã nói về một âm mưu rộng lớn hơn của Mỹ, cho rằng tất cả là cuộc chiến ủy nhiệm của Mỹ nhằm vào Nga.
Cả ông Biden và ông Scholz đều lo lắng về hình ảnh chiến tranh ủy nhiệm. Ông Biden lo leo thang, còn ông Scholz lo phản ứng của các nước châu Âu khi thấy xe tăng Đức trên chiến trường dù đã 8 thập kỷ trôi qua từ Thế chiến II.
Sau cuộc điện đàm vào tuần trước với ông Scholz, ông Biden bắt đầu thay đổi dần. Ông yêu cầu Lầu Năm Góc gạt sang một bên nhiều ý kiến phản đối nói rằng xe tăng Abrams không phù hợp với nhu cầu của Ukraine và quá khó vận hành, bảo trì.
Đó là một chiến thắng của tính toán chính trị với các mối lo ngại về hậu cần. Mỹ không muốn đau đầu về vấn đề này khi mà những chiếc xe tăng Leopard của Đức ở gần đó có thể đến Ukraine nhanh hơn và hoạt động hiệu quả hơn Abrams. Ngoài ra, một số quốc gia châu Âu sẵn sàng gửi xe tăng Leopard của Đức nếu Đức đồng ý.
Trong các cuộc họp cấp cao của chính quyền Mỹ, ông Austin và Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã trình bày quan điểm của Lầu Năm Góc. Sau đó, các quan chức an ninh quốc gia của Nhà Trắng đã nhắc lại một cách nghiêm túc các quan điểm quân sự về lý do tại sao Abrams không phù hợp, còn xe tăng châu Âu thì có.
Nhưng nhiệm vụ của ông Austin và Tướng Milley là đưa ra lời khuyên quân sự tốt nhất cho Tổng thống Biden. Trong trường hợp này, lời khuyên là không gửi xe tăng có thể xung đột với nhu cầu duy trì sự thống nhất giữa các đồng minh. Các chính phủ châu Âu không muốn làm điều gì khiêu khích Nga trước khi Mỹ làm điều đó.
Ông Peter Juul, một nhà phân tích an ninh quốc gia, cho biết: “Dù muốn hay không, điều đó có nghĩa Mỹ vẫn là chất keo gắn kết NATO và châu Âu lại với nhau”.
Tuần trước đó, ông Scholz đã nói rõ rằng ông sẽ không đồng ý gửi xe tăng Leopard cho đến khi Mỹ đồng ý gửi Abrams. Các quan chức Mỹ lúc đầu nghĩ rằng ông Scholz có thể bị thuyết phục theo cách khác và hy vọng rằng cam kết của Anh gửi xe tăng Challenger 2 sẽ khiến Đức làm điều tương tự.
Xe tăng Leopard 2 A7 của quân đội Đức tham gia một buổi huấn luyện ở Munster ngày 13/10/2017. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, các quan chức Đức đã nói rõ với ông Austin và Tướng Milley là họ sẽ không gửi xe tăng dù Anh đã thực hiện.
Sau khi Đức không đồng ý triển khai xe tăng tới Ukraine, các phương tiện truyền thông đã chỉ ra rằng sự chia rẽ này là vết nứt lớn nhất trong tinh thần thống nhất của NATO kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine.
Sau một năm nhấn mạnh về sự đoàn kết của NATO, các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nhận ra rằng đã đến lúc chính trị phải vượt qua sự phản đối của Lầu Năm Góc.
Chính Bộ trưởng Quốc phòng Austin đã đi đến kết luận đó sau khi Đức từ chối gửi xe tăng trong cuộc họp ngày 20/1, nói rằng ông không thấy có ý nghĩa gì khi mạo hiểm gây ra rạn nứt trong NATO hoặc rạn nứt với Đức về vấn đề này.
Đến ngày 23/1, các quan chức cho biết cả ông Austin và Tướng Milley đều sẵn sàng gửi xe tăng Mỹ đến Ukraine. Ông Austin đã gọi cho Tổng thống Biden ngày hôm đó để đề nghị gửi xe tăng Abrams.
Trong khi một số nhà lập pháp nói Mỹ cần gửi ít nhất một chiếc xe tăng Abrams để mở đường cho những chiếc Leopard của Đức, thì các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc cho rằng điều đó là vô nghĩa. Một quan chức cho biết nếu Mỹ gửi hệ thống xe tăng tiên tiến nhất, thì nên gửi cả một tiểu đoàn có sức mạnh chiến đấu.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết một tiểu đoàn Ukraine có 31 xe tăng, vì vậy đó là số lượng mà Mỹ đã đồng ý gửi.