Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều tại nghị định số 146 và nghị định 75 nhằm điều chỉnh quyền lợi của người tham gia BHYT phù hợp với các quy định mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi mở rộng phạm vi và mức hưởng BHYT cho người tham gia. Cụ thể, quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho nhiều nhóm đối tượng, bao gồm những người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh có tỉ lệ suy giảm khả năng lao động cao, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nặng, và trẻ em dưới 6 tuổi.
Đáng chú ý, dự thảo mở rộng phạm vi bao phủ 100% chi phí tại các cơ sở y tế cấp cơ sở, không chỉ giới hạn ở tuyến xã như quy định hiện hành. Theo đó bao gồm các trạm y tế xã, phường, thị trấn; trạm xá; phòng y tế của các cơ quan, đơn vị; phòng khám y học gia đình; và một số cơ sở khám chữa bệnh ngoại trú trong quân đội và công an.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất thanh toán 100% chi phí cho các trường hợp có chi phí điều trị thấp hơn 15% mức lương cơ sở cho một lần khám chữa bệnh. Người tham gia BHYT liên tục 5 năm trở lên và có tổng chi phí đồng chi trả trong năm vượt quá 6 tháng lương cơ sở sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh, không phân biệt tuyến điều trị.
Đề xuất sửa đổi này nếu được thông qua, sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân khi khám chữa bệnh.
Theo BHXH Việt Nam, trong 15 năm qua, quỹ BHYT đã chi trả gần 1 triệu tỉ đồng cho khám chữa bệnh BHYT. Năm 2023, số chi khám chữa bệnh BHYT từ quỹ BHYT khoảng 123 ngàn tỉ đồng, gấp 8 lần so với năm 2009. Mức chi khám chữa bệnh BHYT bình quân cho nhóm hưu trí là 6,3 triệu đồng/người; nhóm bảo trợ xã hội là 5 triệu đồng/người.
Thống kê đến hết năm 2023, quỹ BHYT kết dư hơn 40.000 tỉ đồng. Trong đó, riêng 3 năm 2020-2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượt khám giảm mạnh và thiếu thuốc, vật tư nên chi trả giảm, quỹ BHYT kết dư trên 33.000 tỉ đồng.