Câu chuyện cung đường huyền thoại Mã Pì Lèng bỗng mọc một khách sạn 7 tầng đang được dư luận đặc biệt quan tâm, bình luận, nổi bật nhất là bài chia sẻ trên trang cá nhân của nhà báo Trần Đăng Tuấn. Nhà báo cho rằng việc xây dựng những công trình như thế này sẽ phá vỡ cảnh quan của đèo - vốn là báu vật thiên nhiên hàng đầu của Việt Nam.
"Tôi kêu gọi bạn.
Bạn lên Mã Pì Lèng là để thấy nước mình có những nơi đẹp đến kỳ ảo.
Nhưng nếu bạn vào dùng dịch vụ của quán - Hotel này, là bạn góp một phần để đẩy gần cái ngày sẽ không còn cảnh quan Mã Pì Lèng để thưởng ngoạn nữa. Vì một cái kiếm được tiền sẽ mọc lên những cái khác, rất nhanh thôi! Con cháu bạn sẽ thấy những cái răng sâu Bêtông lổn nhổn dọc bờ dốc hùng vĩ này.
Tôi và bạn không có quyền làm gì với cái răng Bêtông. Những người có quyền xoá bỏ nó thì đang ậm ờ. Nhưng đây là điều ta có quyền:
Nếu bạn thực sự yêu Mã Pì Lèng, bạn hãy Không cho những kẻ phá hoại Mã Pì Lèng một cơ hội kiếm tiền nào!", nhà báo Trần Đăng Tuấn viết.
Ý kiến này nhanh chóng được dân mạng ủng hộ.
"Cái khách sạn quá mất thẩm mĩ. Tôi hi vọng chính quyền địa phương phá dỡ công trình này để gìn giữ cảnh quan cho những thế hệ về sau. Ủng hộ khai thác du lịch nhưng phải đi theo hướng bền vững!", tài khoản Đức Thịnh bình luận.
"Cái đẹp nhất của con đèo là vì nó hoàn toàn tự nhiên. Bây giờ lại mọc lên một cái khách sạn, không hiểu họ nghĩ gì. Có một cái mọc lên là sẽ có thêm nhiều cái khác, ủng hộ anh Tuấn để không còn một khách sạn vô duyên nào xuất hiện nữa", một người khác bày tỏ.
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, thì cũng có những người tỏ ra nghi ngại về câu chuyện khai thác du lịch. Và nhà báo Trần Đăng Tuấn cũng trực tiếp chia sẻ quan điểm của bản thân trên trang cá nhân.
"Trong status trước tôi đưa ra ý kiến không ủng hộ mà tẩy chay việc xây quán và nhà nghỉ phá vỡ cảnh quan của đèo Mã Pì Lèng, một báu vật thiên nhiên hàng đầu của Việt Nam.
Một số bình luận có đưa ra ý như sau:
- Quán xá cũng cần để phục vụ khách du lịch ăn nghỉ (Có người viết: "Lỡ độ đường người đi du lịch ăn nghỉ ở đâu?")
- Những cơ sở quán xá đó tạo công ăn việc làm cho người dân nghèo ở Mã Pì Lèng.
- Khăng khăng giữ cảnh quan nguyên sơ thì làm sao phát triển được kinh tế ở vùng dân nghèo ở đèo này...
Tôi xin trao đổi về việc đó:
Mã Pì Lèng là đèo nằm trên khoảng cách 20 km nối hai trung tâm phố thị Đồng Văn và Mèo Vạc. Hai thị trấn này, đặc biệt là Mèo Vạc, đang phát triển rất nhanh do có lượng lớn khách du lịch, mà Mã Pì Lèng chính là nam châm hút người ta đến.
Người đi Mã Pì Lèng không phải lo lỡ độ đường. Không phải theo năm, mà theo từng tháng hai thị trấn này lại biến đổi do xuất hiện các cơ sở ăn nghỉ cho khách du lịch.
Với tốc độ phát triển hiện nay, Đồng Văn và Mèo Vạc đang rất mau chóng trở thành hai trung tâm du lịch và dịch vụ khác. Sẽ có việc làm cho cả vạn người, từ đơn giản đến phức tạp, trong mọi loại hình: Xây dựng, phục vụ nơi nghỉ, ẩm thực, văn hóa, sự kiện, hướng dẫn du lịch, bán hàng, sản xuất buôn bán sản vật địa phuương...
Chuỗi giá trị từ con đèo báu vật này rất phong phú mà ta chưa kể hết được. Cơ hội lớn và lâu dài cho con em từ các bản ở Mã Pì Lèng và các vùng xung quanh nữa. Cái quý là cơ hội đa ngành nghề và tiếp cận phát triển.
Ngay chân đèo phía Mèo Vạc đang hình thành khu "Làng Mông" kiến trúc gần với truyền thống, thu hút dòng tiền của bất cứ ai muốn đầu tư. Mã Pì Lèng như cái đòn gánh mà hai bên thúng đựng hoa lợi là hai thị trấn Đồng Văn, Mèo Vạc.
Mặt khác khách du lịch đến nhiều thì không cần rời bản vào hai thị trấn trên cũng có thể thu lợi. Có thể làm dịch vụ thuyền trên sông Nho Quế ( hiện đang có), homestay ngay dưới các bản (như bản Lác Mai Châu)
Nhưng những cơ hội trên chỉ lâu bền NẾU Mã Pì Lèng giữ được sự hấp dẫn vốn có. Nếu nó bị băm nát bởi các cơ sở kiểu Panorama, mà chỉ cần xuất hiện chục cái nhà kiểu đó thôi, sự hấp dẫn của Mã Pì Lèng còn phân nửa, thì cái mất rất nhiều. Bởi khác với nhiều con đèo khác cũng rất đẹp, Mã Pì Lèng có tầm nhìn bao quát vô cùng lý tưởng và hoàn chỉnh.Như một bức tranh không nên để mực rây vào.
Những cái nhà kiểu Panorama khi xuất hiện sẽ phá vỡ tầm nhìn quý báu ấy. Nếu đi trên đường đèo một bên là vách, bên kia là nhà lổn nhổn che lấp Nho Quế bên dưới, Mã Pì Lèng chỉ là chỗ núi non đi ngang qua như bao chỗ khác.
Một khi Mã Pì Lèng bị giảm sức lôi cuốn, Đồng Văn và Mèo Vạc sẽ bị mất mát rất nhiều. Vì như tôi nói, với khoảng cách 20 km người ta không thực sự mê cảnh đèo hoang sơ thì sẽ không có lý do gì lưu lại mà họ đi tiếp.
Thiệt hại nhiều hơn là Mèo Vạc. Bởi Đồng Văn còn nối với Lũng Cú và Nhà Vương nên khách sẽ lưu lại. Còn sang đến Mèo Vạc thì chưa có gì xung quanh đã nổi tiếng để ở lại thăm thú, ngoài chính thị trấn Mèo Vạc.
Những cơ sở dịch vụ kiểu Panorama nếu có chỉ cho người dân bản địa vài suất lao công dọn phòng. Nếu giữ gìn Mã Pì Lèng thì mới có hai trung tâm đô thị du lịch dịch vụ lớn nhanh với cơ hội cho cả vạn người trẻ ở rất nhiều ngành nghề, trong đó có những thế hệ trẻ ở các bản làng của Mã Pì Lèng.
Nếu một cái Panorama được tồn tại, không lý gì lại không có hàng chục hàng trăm cái như thế mọc lên. Tin tôi đi, mất Mã Pì Lèng lộng lẫy như xưa nay, Mèo Vạc sẽ không có cơ phát triển như nhịp điệu hiện nay nữa.
Tôi không có tâm thế của kẻ qua đường bảo phải để nguyên sơ cho tôi đã mắt nhìn còn kệ người ta ở đó sống nghèo. Tôi nhìn nhận việc giữ cảnh quan Mã Pì Lèng cả từ góc độ thay đổi cuộc sống các thế hệ bây giờ và sau này của người dân nơi đó.
Và với hiểu biết, cảm quan hạn hẹp của mình, tôi vẫn chắc tin rằng phải giữ cảnh quan Mã Pì Lèng thì mới giữ được cơ hội thay đổi cảnh sống của những người dân sống nơi đây. Tất nhiên còn cần giúp họ nắm bắt cơ hội đó...".