Quỳnh Dao sinh năm 1938, là nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng Trung Quốc. Bà được mệnh danh là bà hoàng của dòng tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc, với loạt cuốn sách ăn khách như Song ngoại, Kỷ độ tịch dương hồng, Bên dòng nước, Mùa thu lá bay, Mỏi mắt ngóng trông, Yên vũ mông mông,... Nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim như Hoàn châu cách cách, Dòng sông ly biệt, Một thoáng mộng mơ...
Trái ngược hẳn với sự nghiệp lẫy lừng, cuộc đời của Quỳnh Dao nhiều sóng gió, trắc trở với những cuộc hôn nhân thị phi, gây không ít tranh luận.
3 mối tình đẫm lệ, tiếng xấu ''tiểu tam'' muôn đời
Quỳnh Dao sinh ra và lớn lên trong một gia đình cơ bản, nề nếp. Có bố là giảng viên trường đại học, mẹ học rộng tài cao, xuất thân danh môn quý tộc nên Quỳnh Dao từ nhỏ đã đọc rất nhiều sách và đặc biệt yêu thích văn chương. Bạn bè thường gọi bà là "Lâm Đại Ngọc", nhân vật chính trong tác phẩm kinh điển Hồng Lâu Mộng vì vẻ ngoài u sầu và tâm hồn mộng mơ.
Ban đầu, Quỳnh Dao là một cô học trò hiếu học, luôn chăm chỉ và cố gắng trong công cuộc học hành nhưng một sự kiện đã khiến cuộc đời bà rẽ ngang hoàn toàn. Đó chính là mối tình đầu sâu đậm nhưng đầy ngang trái.
Quỳnh Dao bắt đầu yêu sớm và nhanh chóng có mối tình đầu với thầy giáo Tưởng Nhân, hơn bà 25 tuổi. Thầy giáo trong mắt nữ sĩ là một người đàn ông học vấn uyên bác. Còn người thầy giáo goá vợ lại phải lòng bà bởi vẻ ngoài ngây thơ, thuần khiết lại có tài hiếm có. Cứ thế, hai người bất chấp rào cản để qua lại với nhau.
Vì mải mê yêu đương, bà thi trượt đại học, chuyện hẹn hò bị bại lộ và người thầy phải chuyển công tác. Tình yêu đầu đời của Quỳnh Dao bị cấm đoán, và suýt nữa bà đã có hành động dại dột.
Những ký ức không mấy tốt đẹp này khiến cho nữ văn sĩ khá nặng lòng. Sau này được bà đưa vào cuốn tiểu thuyết mang tên Song Ngoại của mình.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, bà bắt đầu bỏ học và dần chuyên tâm trong việc sáng tác văn học. Năm 20 tuổi, Quỳnh Dao gặp được người đàn ông thứ hai trong cuộc đời. Đó chính là Mã Sâm Khánh, một sinh viên vừa mới tốt nghiệp đại học và xuất thân từ một gia đình nghèo nhưng có đam mê chung là văn chương.
Sau đó, hai người kết hôn và có một đứa con chung dù bố mẹ Quỳnh Dao không ủng hộ mối tình này. Năm thứ 4 sau khi kết hôn, dưới sự ủng hộ của chồng, Quỳnh Dao đã cho ra đời tác phẩm mang tên Song Ngoại . Song, cuộc hôn nhân đầu tiên của Quỳnh Dao sụp đổ khi Song Ngoại ra mắt và thành công rực rỡ.
Mã Sâm Khánh cảm thấy xấu hổ khi câu chuyện tình của vợ và người thầy hơn 25 tuổi được mang ra bàn tán. Ông đã chỉ trích bạn đời ngay trên báo và đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân 5 năm của hai người.
Cha mẹ của Quỳnh Dao cũng không ủng hộ bà vì cho rằng, mối tình này là sai trái và không đáng để tạo thành tiểu thuyết. Năm 1964, Quỳnh Dao ly hôn, mẹ bà cũng tuyên bố đoạn tuyệt quan hệ, khiến bà rơi vào trạng thái tồi tệ.
Sau cuộc hôn nhân đầu tiên thất bại, năm 1964, Quỳnh Dao gặp gỡ Bình Hâm Đào. Lúc này, ông đang là nhà xuất bản sách Song ngoại. Nhờ năng lực và các mối quan hệ, Bình Hâm Đào giúp Quỳnh Dao tiến xa hơn trong sự nghiệp, tiểu thuyết của bà cũng giúp Hoàng Quán tăng lượng phát hành.
Qua quãng thời gian tiếp xúc, cả hai nảy sinh tình cảm nhưng lúc bấy giờ, Bình Hâm Đào đã có vợ con. Hai người sống trong sự đau khổ, dằn vặt.
Quỳnh Dao không yêu cầu Bình Hâm Đào ly dị, mặt khác còn khen vợ của ông dịu dàng, tốt bụng. Vì muốn chấm dứt mọi chuyện, bà đính hôn với người khác, chuẩn bị định cư hải ngoại. Nhưng chính vì thế, Bình Hâm Đào quyết định ly hôn. Vợ của ông cũng muốn buông xuôi.
Năm 1976, Bình Hâm Đào và vợ chia tay trong hòa bình. Năm 1979, sau 16 năm chờ đợi, Quỳnh Dao khi đó 41 tuổi, Bình Hâm Đào 52 tuổi chính thức được ở bên cạnh nhau.
Vào lúc cuối đời, Bình Hâm Đào mắc chứng đãng trí và quên hoàn toàn người vợ mà mình từng sống chết cưới về. Con riêng của ông cũng chưa bao giờ chấp nhận Quỳnh Dao. Lúc này, các con của Bình Hâm Đào với vợ cũ nhận chăm sóc cha và ngăn cấm Quỳnh Dao được gặp ông.
Lâm Uyển Trân - vợ cũ của Bình Hâm Đào từng phát hành cả một cuốn sách để kể lại việc Quỳnh Dao đã làm "tiểu tam" phá hoại hạnh phúc gia đình bà như thế nào. Nữ sĩ bị tố cáo là đã chủ động tiếp cận tổng biên tập, từng đe dọa "bà cả" rằng nên chịu đựng việc chồng có tình nhân bên ngoài. Dù bị chính gia đình ngăn cản, Quỳnh Dao vẫn bất chấp làm "tiểu tam" không danh chính ngôn thuận của Bình Hâm Đào hàng chục năm trời.
Cuối cùng, Quỳnh Dao cũng thoái chí, nản lòng, để ba người con chăm sóc chồng. Bản thân lại sống lủi thủi một mình. Trước khi qua đời vài ngày, Quỳnh Dao đăng bài viết dài trên trang cá nhân thể hiện nỗi nhớ chồng - ông Bình Hâm Đào, trong đó có đoạn: "Hay là vì thời tiết chuyển lạnh, hay là vì phía sau núi có tiếng chim liên tục gọi, nghe như chim đang nói 'chi bằng đi về thôi'. Mấy hôm nay, em thực sự rất nhớ anh".
Tư tưởng lệch lạc, cổ xuý tình yêu sai trái
Bằng trải nghiệm tình yêu, Quỳnh Dao viết ra nhiều cuốn tiểu thuyết tạo được tiếng vang lớn nhưng cũng gây không ít tranh cãi. Trong tác phẩm của bà, các nhân vật nữ của bà đều có số phận bi kịch, chỉ coi trọng tình yêu. Tình yêu có thể thách thức các quy chuẩn đạo đức, có thể vượt qua giai cấp, tuổi tác, quan hệ thầy trò, thậm chí là vượt qua hôn nhân.
Vì là người viết sách, Quỳnh Dao có tư tưởng mộng mơ. Bà không hài lòng với hôn nhân nhàm chán. Những cuốn tiểu thuyết tình cảm của bà thường có sự xuất hiện của "người thứ ba" và nhân vật luôn nhận được sự đồng cảm và bảo bọc của tác giả.
Khán giả có thể thấy sự cổ xúy của Quỳnh Dao trong các tác phẩm của bà như Giấc mộng sau rèm, Tân nguyệt cách cách, Dòng sông ly biệt, Trâm hoa mai... Hầu hết các nữ chính trong tác phẩm của bà đều có tư tưởng làm "tiểu tam", tranh giành tình yêu của người khác. Thậm chí có người còn cam chịu làm vợ bé chỉ vì yêu.
Cũng vì tư tưởng lệch lạc này mà sau Hoàn Châu cách cách và Tân dòng sông ly biệt, các tác phẩm của Quỳnh Dao không còn được yêu thích. Những hành vi nhân danh tình yêu để chen chân vào hôn nhân, tình yêu của người khác không được khán giả ủng hộ. Hơn nữa, sau này vì sự phát triển của thời đại nên khán giả không còn thích các câu chuyện diễm tình của Quỳnh Dao.