Những trải nghiệm “nhớ đời” khi đi quẩy sự kiện chào năm mới

DƯƠNG DƯƠNG |

Đi countdown thì vui đấy nhưng những sự việc rắc rối xung quanh đã khiến một vài dân văn phòng có sự lựa chọn khác với số đông.

Tết âm lịch, hầu hết mọi người đều trở về quây quần bên gia đình từ khá sớm. Nhưng còn Tết dương lịch, với một số người sẽ dành thời gian cho các hoạt động vui chơi, giải trí, tụ tập bạn bè.

Trong số đó, sự kiện countdown, đếm ngược chào năm mới ở các thành phố lớn luôn chật kín người tham gia. Thực ra, chen chúc hàng giờ đồng hồ trong đám đông cũng chẳng dễ thở gì, thế nhưng, vì sao người ta vẫn chọn ra đường. Cùng nghe một vài trải nghiệm cũng như quan điểm của mọi người từ 2 đầu cầu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhé.

Cái gì cũng có thể mất

Từ thời còn học đại học, Thùy Anh và nhóm bạn thân đã có thông lệ đón năm mới dương lịch cùng nhau. Được biết, để có được chỗ đứng nhìn rõ sân khấu nhất, cô và các bạn đã xuất phát từ 4 giờ chiều.

“Lần đầu tiên mình đi countdown, trong nhóm có 5 người bạn thì 2 đứa mất ví, 1 đứa mất điện thoại”.

“Năm sau khá hơn, không ai bị mất đồ giá trị nữa nhưng có đứa cầm áo khoác trên tay mà rơi lúc nào không hay, cộng thêm 2 đứa bị lạc trong đám đông”.

“Năm sau nữa, vì đi sớm về muộn nên bị tính thành 3 ca gửi xe, tụi mình để xe từ 4 giờ chiều hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau, tổng mất 150.000đ/xe”.

“Giờ thì bọn mình có kinh nghiệm hơn rồi, không mang ví, điện thoại đeo ở cổ và còn chia nhau sắm sẵn đồ ăn, đồ uống nhẹ nhàng để tiện đứng mấy tiếng đồng hồ. Được cái nhóm bạn thân của mình đều thích âm nhạc, thích đi các sự kiện sôi động nên không lo lắng quá nhiều”, Thùy Anh nói.

Nhiều người mất điện thoại, mất ví, mất cả giày dép khi đi countdown. Ảnh: Hoàng Dung.

“Mình quẩy sung xong đến lúc quay ra xem pháo hoa mới thấy túi quần bị rách, một bên giày thì mất lúc nào không hay”, Nguyễn Minh chia sẻ.

Hoàng Dung cũng thường xuyên góp mặt trong sự kiện countdown tại Hà Nội vào các năm. “Có một năm, em không định đi vì đang làm ở Thái Nguyên, nhưng xem trên mạng thấy mọi người chia sẻ chương trình có nhiều ca sĩ nổi tiếng, lại thêm các bạn rủ rê nên lại đi. Em đi từ 17h mà tận 20h mới nhích tới được quảng trường, may vẫn kịp ngắm pháo hoa lúc 0h. Mọi người đẩy nhau ghê lắm, có anh còn bảo giờ mà muốn thoát nhanh nhất thì còn mỗi cách là nhảy xuống hồ, bơi sang bờ bên kia”, cô nói.

Đi một lần và không có lần hai

“Mình cứ nghĩ chỉ cần đi sớm, nhận chỗ đẹp, được nhìn các ca sĩ ở cự ly gần là có sức quẩy banh nóc. Nhưng kết quả là vừa khản cổ vì hét, đau tay vì giơ lên quẩy bị mọi người chen mãi mới thả xuống được, lại vừa đau chân bởi bị nhiều người dẫm phải. Thậm chí, mình còn chứng kiến bạn nữ đứng bên cạnh phải nhờ hỗ trợ y tế”, Minh Phương nhớ lại ký ức đi countdown.

“Mình nhoi nhoi lên để lấy không khí, nhưng lại bị đẩy đi, người không chạm đất. Mình từng thề không có lần sau nhưng vẫn đi được 2 lần”, Hà Giang kể.

Minh Thúy nói: “Một lần trải qua “cực hình” mang tên xếp hàng đi vệ sinh là đã quá đủ, tôi hãi tới già. Chưa hết, trước sự kiện countdown, quanh bờ hồ đã được trồng hoa đẹp lắm, thế mà sáng hôm sau thì chỉ còn những cành hoa bị dập nát”.

Những trải nghiệm “nhớ đời” khi đi quẩy sự kiện chào năm mới - Ảnh 3.

Khắp mọi nẻo đường đều tắc cứng, có người đi sự kiện từ 5 giờ chiều nhưng tận 3 giờ sáng hôm sau vẫn chưa về tới nhà. Ảnh minh họa: @vietnamlocaladventures, Nguyễn Thị Xim.

Nhiều người đi làm không còn mặn mà countdown

Tiến Hùng vốn là một người không ngại các sự kiện cộng đồng, nhiều năm liền đều lên phố tham gia sự kiện đếm ngược chào đón năm mới. Tuy nhiên, khoảng 2 năm gần đây, nhóm bạn của anh đã “thay đổi”.

“Chúng tôi vẫn lên trung tâm thành phố sớm lắm, nhưng không chen chân ở bên ngoài nữa mà đặt quán ăn, quán cafe ở trên cao, hoặc có view nhìn ra sân khấu. Ngồi trong đây vừa ăn uống, vừa trò chuyện, ngắm pháo hoa xong rồi ra về, đơn giản vậy thôi. Coi như là một buổi tụ tập để chúng mình có thể hỏi han và chia sẻ về cuộc sống của nhau trong năm vừa qua”, Hùng nói.

Những trải nghiệm “nhớ đời” khi đi quẩy sự kiện chào năm mới - Ảnh 4.
  

Nhiều dân văn phòng đã từ bỏ thông lệ đi countdown và chuyển sang tụ tập ăn cùng bạn bè, đồng nghiệp. Ảnh: Nguyễn Tiến Hùng, NguyenBa PhuongAnh.

Trong khi đó, Bảo Ngọc và nhóm đồng nghiệp thân thiết thường tụ tập ăn lẩu tại nhà, sau đó tự thưởng cho nhau một chuyến “phượt đêm” Hà Nội. “Khi mọi người đã đổ hết về các địa điểm tổ chức ca nhạc thì đường phố các khu khác rất quang, chúng mình tranh thủ đi qua lăng Bác, chụp hình ở cổng Hoàng Thành Thăng Long, đi chợ hoa. Gần sát giờ đếm ngược đón năm mới, mình sẽ chạy xe lên cầu Long Biên, đếm ngược và chiêm ngưỡng màn pháo hoa. Tuy chỉ được ngắm pháo hoa từ xa nhưng sau đó, mình có thể về nhà dễ dàng mà chẳng phải chen lấn xô đẩy như các bạn ở bờ hồ”, Ngọc nói.

Nguyễn Mai Hoa đồng tình: “Từ năm ngoái là mình đã từ bỏ đi countdown rồi, nhà có 2 vợ chồng, mình hẹn thêm mấy đứa bạn thân tới ăn bữa cơm, xem trực tiếp trên tivi thôi. Nhưng mà mình vẫn nhớ như in kỷ niệm đi chơi cùng người yêu (hiện giờ là chồng) ở sự kiện countdown năm ngoái, 2 đứa rõ là nắm tay nhau nhưng đến lúc chen ra khỏi đám đông thì chẳng biết mình vừa nắm tay ai khác và mỗi người ở một đầu đường”.

Một vài địa điểm trên cao ở Hà Nội mở xuyên lễ để bạn tận hưởng khoảnh khắc chuyển giao năm cũ - năm mới mà không cần bon chen:

- O2O Bar & Lounge, số 11 Hàng Chĩnh, Hoàn Kiếm.

- Cafe AROJ - tầng 7, số 9 Tống Duy Tân, Hoàn Kiếm.

- Serein Cafe & Lounge, 16 tập thể ga Long Biên, Trần Nhật Duật, Ba Đình.

- Top of Hanoi, tầng 67, Tòa nhà Lotte, 54 Liễu Giai, Ba Đình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại