Những tình tiết "khó hiểu" cần làm rõ trong vụ đổ dầu thải gây ô nhiễm nước sạch sông Đà

Hoàng An |

Luật sư phân tích, trong vụ việc này, cơ quan điều tra cần làm rõ hành trình đổ chất thải, động cơ, mục đích và thái độ của các đối tượng liên quan.

Vụ việc đổ trộm dầu thải dẫn đến ô nhiễm nguồn nước Nhà máy nước sạch sông Đà gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng vạn hộ dân Thủ đô Hà Nội. Hơn một tuần trôi qua, cơ quan chức năng vẫn đang đấu tranh lấy lời khai các đối tượng liên quan, diễn biến vụ việc cho thấy có nhiều vấn đề "khó hiểu", cần lời giải đáp.

Những điều cơ quan điều tra cần làm rõ

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) phân tích, trong vụ việc này, cơ quan điều tra phải làm rõ các vấn đề như: Hành trình di chuyển của hai xe ô tô đổ chất thải; mục đích và thái độ của các đối tượng sau khi đổ chất thải để có căn cứ giải quyết vụ án.

Ông nói thêm, thông thường chất thải nguy hại bị đổ trộm ra môi trường là của doanh nghiệp không có hệ thống xử lý, hoặc hệ thống xử lý không đảm bảo tiêu chuẩn, không tuân thủ quy định về thu gom. Vị trí đổ thường ở ngay gần khu vực trụ sở doanh nghiệp.

Vụ việc vừa xảy ra các đối tượng không phải là người của doanh nghiệp có chất thải, mà là người từ địa phương khác lên thu gom chất thải từ Phú Thọ mang về Hưng Yên, rồi lại ngược đường lên Hòa Bình để đổ.

"Các đối tượng vận chuyển đi hàng trăm km sau đó quay lại đổ ở một khu vực nhạy cảm là điều hết sức bất ngờ, khó giải thích", luật sư Cường nói.

Những tình tiết khó hiểu cần làm rõ trong vụ đổ dầu thải gây ô nhiễm nước sạch sông Đà - Ảnh 2.

Đối tượng Lý Đình Vũ.

Ông nêu quan điểm rằng, cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ động cơ mục đích của việc đổ chất thải ở đây là gì? Nếu hành vi gây ô nhiễm môi trường này là một thủ đoạn nguy hiểm, tinh vi thì cần có hình phạt nghiêm khắc.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng phải làm rõ những đối tượng có liên quan, tất cả các đối tượng "chủ mưu, giúp sức, xúi giục" đều sẽ bị xử lý về tội "Gây ô nhiễm môi trường" với vai trò là đồng phạm.

"Theo lời khai của Lý Đình Vũ, hắn được một phụ nữ trên Trang thuê đổ. Nếu trường hợp lời khai này là đúng sự thật thì người phụ nữ tên Trang sẽ là người "chủ mưu" trong vụ án, Trang sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc nhất về tội gây ô nhiễm môi trường.

Theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự thì tội gây ô nhiễm môi trường hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù giam", luật sư phân tích.

Công ty để lọt hoặc bán chất thải phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Đối với Công ty bán hoặc để lọt chất thải, luật sư Đặng Văn Cương cho rằng cần xem xét việc bán như vậy có đúng quy định pháp luật hay không? Hệ thống xử lý chất thải của công ty này được thực hiện như thế nào, để còn xem xét xử lý trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.

Trong trường hợp Công ty biết rõ mục đích sử dụng chất thải đó để gây ô nhiễm nguồn nước, nhưng vẫn cố ý bán thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "gây ô nhiễm môi trường", với vai trò đồng phạm giúp sức.

Còn trường hợp Công ty không biết mục đích sử dụng chất thải đó là để gây ô nhiễm môi trường thì không có cơ sở để xem xét vai trò đồng phạm. Tuy nhiên, vẫn có thể xem xét trách nhiệm của Công ty này đối với việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 18/10, Công an tỉnh Hòa Bình đã tạm giữ hình sự 2 đối tượng Nguyễn Chương Đại (SN 1994, trú tại tỉnh Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (SN 1986, trú tỉnh Lạng Sơn), thủ phạm đổ dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà, đồng thời tạm giữ 2 xe ô tô liên quan vụ án.

Đến ngày 20/10, đối tượng Lý Đình Vũ (SN 1982, trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) ra đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Theo Báo CAND đưa tin, Vũ khai được 1 người phụ nữ tên là Trang ở Phú Thọ thuê đổ chất thải. Sau khi thoả thuận, Lý Đình Vũ quay về Bắc Ninh thuê Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám đi lấy chất thải để đổ.

Ngày 6/10, Đại và Thám lái xe ô tô tải biển kiểm soát 99C-08783 đi từ tỉnh Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà lấy chất thải (bơm vào 10 thùng chứa khoảng 10m3), sau đó di chuyển về Công ty TNHH Cơ khí cao su K90, địa chỉ tại xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên gửi xe.

Đến ngày 8/10, Đại và Thám lái xe tải trên đi đổ thải ở Hoà Bình, tuy nhiên, do trên đường bị hỏng xe nên Đại gọi điện cho Vũ đến. Chính vì vậy, Vũ đã lái xe ô tô BKS 89A-13766 đến nơi xe hỏng.

Sau đó, 3 đối tượng mang xe tải đi sửa rồi chở đến khu vực vắng người ở xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình tiến hành xả chất thải, rồi bỏ trốn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại