Những nhân vật nam được xây dựng phi thực tế
Không ít người bày tỏ sự tiếc nuối khi những nhân vật nam chính trong bộ phim từ ông Phương bố chồng Vân, Thanh, Tùng, đến cả ông bố đẻ được xây dựng thiếu thực tế đến vậy.
Đầu tiên là Thanh, người chồng nhu nhược khiến cuộc sống làm dâu của Vân trở thành địa ngục. Thanh là công tử con nhà khá giả và đến tuổi lấy vợ, anh vẫn được mẹ chăm chút từng miếng ăn giấc ngủ.
Nhưng chăm sóc đến mức lấy vợ rồi mà quần lót mẹ vẫn phải đưa vào tận phòng tắm cho mà không hề xấu hổ thì chắc chỉ có duy nhất Thanh trong phim "Sống chung với mẹ chồng". Tình tiết này khiến các công tử con nhà giàu cũng phải lắc đầu không chấp nhận được.
Hơn thế, mặc dù đã đi làm, có gia đình riêng nhưng tiền lương Thanh làm được Thanh không đưa cho vợ mà đưa cho mẹ cầm. Chính vì sự không độc lập về kinh tế nên đi đâu, làm gì Thanh cũng phải ngửa tay xin tiền mẹ. Với một người có học thức và có công việc ổn định như Thanh thì tình tiết này hơi cường điệu hóa.
Chưa hết, Thanh còn sẵn sàng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ để bảo vệ mẹ, nhưng chưa lần nào quyết liệt bảo vệ vợ trước mặt mẹ khiến cho nhiều người cảm giác Thanh không xứng là chồng. Những gì Vân nói với Thanh, Thanh đều "ậm ừ" nhưng rồi khi gặp mẹ lại bỏ qua. Chính những điều này khiến cho nhân vật Thanh trở thành nhân vật gây ức chế với khán giả.
Cùng giống như Thanh, ông Phương - bố đẻ của Thanh lúc nào cũng nhẹ nhàng, ăn nói có lý có tình lại để cho vợ tác oai tác quái bao nhiêu năm không gọi một tiếng "mẹ" chồng, không về thăm nhà chồng sau mấy chục năm lấy nhau, chỉ đến khi con trai lấy vợ và bị ông Phương giận ra mặt thì bà Phương mới ngúng nguẩy về một tý, như một cuộc dạo chơi.
Rồi khi ông Phương tìm đến nhà trọ của Vân để khuyên nhủ con dâu về nhà, ông này lại dạy con dâu một "kế sinh tồn" ở nhà chồng là "một người nịnh, một người lừa" là đủ sống vui vẻ như họ hàng thân thích.
Nhiều người cho rằng, ông Phương thay đổi tính cách thiếu sự logic. Bởi nếu là một người làm to, lại hiểu chuyện như ông Phương thì ông đã không nhu nhược đến mức để cho vợ mình "lấn lướt" mọi chuyện.
Cảnh trong phim “Sống chung với mẹ chồng”. Ảnh: TL
Phi lý đến mức gây mất niềm tin
Không chỉ nhận được lượng theo dõi kỷ lục, bộ phim truyền hình "Sống chung với mẹ chồng" cũng gây ức chế không nhỏ cho khán giả vì tính cường điệu hóa sự thật với những tình tiết vô lý.
Cụ thể như ở tập 21, một số khán giả tinh ý đã phát hiện ra một chi tiết khá bất ngờ liên quan đến bố ruột của Vân ở quê (do diễn viên Công Lý thủ vai).
Theo đó, bố ruột của Vân được xây dựng hình ảnh là một người đàn ông hiền lành, gia giáo và nghiêm khắc. Tuy nhiên, trong một hoạt cảnh, bất ngờ NSƯT Công Lý để lộ hình xăm bên tay phải.
Đây là chi tiết khiến nhiều người cảm thấy phi lý và đối nghịch với hình tượng nhân vật trong phim. Một số người bình luận, hình xăm phá hỏng sự hiền lành, chất phác của một ông bố nơi thôn quê. Có thể đoàn làm phim và NSƯT Công Lý không ngờ bị “soi” kĩ như vậy.
Rồi ở tập 27, khi Vân đang đi dạo trong chuyến công tác ở một khu resort thì bất ngờ bị trật chân do đôi giày cao gót gãy đế. Đúng lúc đó, Sơn (Việt Anh đóng) tình cờ lái xe ô tô ngang qua chứng kiến cảnh Vân hì hục với đôi giày cao gót và cái chân đau.
Nhận ra Vân chính là cô gái mà mình từng gặp gỡ năm xưa, anh chàng liền dừng xe bên lề đường, chạy đến giúp đỡ Vân nhiệt tình một cách thái quá. Biết Vân bị hỏng giày và đau chân, Sơn bất ngờ lôi từ trong xe ra 1 đôi giày và nhất quyết bắt Vân đi.
Sơn còn cho rằng đôi giày kia rất vừa chân Vân dù cô chưa từng thử mang qua trước đó. Và y như rằng, Vân mang đôi giày vừa khít, vừa đến nỗi khán giả màn ảnh nhỏ phải thốt lên: "Đôi giày ở đâu ra", "Làm sao Sơn biết được Vân bị đau chân mà mang sẵn giày đến", "Chưa từng nói chuyện với nhau lần nào, vậy mà Sơn đã biết cả số đo giày của Vân? Đôi giày thật kỳ diệu".
Một số người cho rằng, đây là tình tiết quá phi lý của Sống chung với mẹ chồng. Dù rất mong đợi Vân - Sơn sớm có cuộc gặp gỡ nhưng chi tiết liên quan đến đôi giày "từ trên trời rơi xuống" khiến người xem không thấy thuyết phục.
Ngoài ra, dù là bộ phim hấp dẫn với các câu chuyện sinh động về quan hệ mẹ chồng nàng dâu nhưng phim cũng mang đến một bức tranh quá u ám, nặng nề về mối quan hệ này, khiến người ta mất niềm tin vào gia đình. Phim dường như đang ngày càng tiêu cực qua việc xây dựng hình ảnh cả 3 người con dâu đều thù ghét và hỗn láo với mẹ chồng.
Trong một xã hội có truyền thống 'kính trên nhường dưới', cách xây dựng này không thích hợp. Theo nhiều khán giả, những tình huống mà phim đề cập đến không hẳn là xung đột điển hình của gia đình hiện đại. Những xung đột, mâu thuẫn, bi kịch… mang tính vụn vặt, bị “thậm xưng hoá”.
Mẹ chồng đã không còn tư cách mẹ chồng, con dâu biến chất kiểu con dâu… Cả 29 tập phim đã phát sóng, khán giả luôn cảm thấy ngột ngạt và mệt mỏi với diễn biến của phim. Diễn biến phim không làm người ta cảm thấy cảm thông với mẹ chồng - nàng dâu mà càng khiến người ta phẫn nộ, ức chế, bức xúc hơn.
Dĩ nhiên, nhà sản xuất đã lựa chọn một đề tài đánh trúng tâm lý số đông khán giả là một thành công lớn bước đầu. Tuy nhiên, việc đẩy cao trào bộ phim bằng một loạt tình huống vô lý để gây ức chế cho khán giả theo dõi liên tục thì dường như đang tạo nội dung tiêu cực hơn là nhân văn mà một tác phẩm điện ảnh cần truyền tải.