Phản bác lời khai của cấp trên
Trước đó, trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Ngọc Hai nhiều lần thừa nhận trách nhiệm để xảy ra sai phạm.
Ông Hai cho biết, sau khi giao đất cho doanh nghiệp và nhận được phản ánh của người dân, ông đề nghị bị cáo Nguyễn Văn Phong (khi đó là Giám đốc Sở Tài chính, sau này làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh) tiến hành rà soát. Song nhận thấy cấp dưới báo cáo là phù hợp nên tin tưởng, không kiểm tra lại.
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai
Trong khi, ông Nguyễn Văn Phong lại cho rằng lời khai của ông Nguyễn Ngọc Hai không đúng.
Theo ông Phong, thời điểm chỉ đạo, ông Hai chỉ yêu cầu kiểm tra về tình hình giao đất chứ không yêu cầu kiểm tra về giá đất. Vì thế, ông Phong đã báo cáo rằng việc giao đất cho doanh nghiệp là phù hợp. Sau khi báo cáo, ông Hai không phản hồi hay chỉ đạo gì thêm nên ông Phong “ngầm hiểu” rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bị cáo Phong lập luận rằng, lẽ ra nhiệm vụ kiểm tra, rà soát việc giao đất là trách nhiệm, thẩm quyền của Sở TN&MT chứ không phải Sở Tài chính nhưng vì cấp trên yêu cầu ông phải thực hiện.
Đối với nội dung Viện KSND Tối cao truy tố, cựu Giám đốc Sở Tài chính thắc mắc khung hình phạt áp dụng quá cao.
Trong cáo trạng thể hiện năm 2017, UBND tỉnh Bình Thuận giao 3 lô đất 92.600m2 (thuộc phường Phú Hài, TP Phan Thiết) cho Công ty Tân Việt Phát. Khi giao đất, tỉnh không áp dụng mức giá năm 2017 mà lại áp giá năm 2013, dẫn tới chênh lệch và thiệt hại 45,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cáo trạng xác định, khi có phản ánh của người dân cho rằng tỉnh giao đất cho doanh nghiệp với giá rẻ, ông Hai chỉ đạo ông Nguyễn Văn Phong, kiểm tra, rà soát nhưng ông Phong không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, không chỉ đạo bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát, đối chiếu quy định về việc xác định giá khu đất, mà chỉ làm báo cáo, khẳng định việc giao đất là phù hợp, dẫn tới UBND tỉnh không có biện pháp thu hồi khu đất kịp thời, gây thiệt hại.
Đại diện UBND tỉnh nói “lô đất toàn mồ mả”
Liên quan đến vụ án, cơ quan tố tụng xác định nguyên đơn dân sự là UBND tỉnh Bình Thuận. Có mặt tại phiên tòa, ông Trần Nguyên Lộc, Giám đốc Sở TN&MT và ông Trần Hồng Hà, Phó chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai (được cử làm đại diện UBND tỉnh Bình Thuận) bày tỏ mong muốn thu hồi tài sản thiệt hại trong vụ án để nộp ngân sách. Đồng thời, các vị này thay mặt UBND tỉnh xin tòa cho các bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, bởi họ cho rằng đây là những cựu lãnh đạo có công đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
“Thực tiễn khu đất thời đó là nghĩa địa, nhiều hố sau khi di dời hài cốt, không mỹ quan lắm. Các nhà đầu tư họ không quan tâm, dính yếu tố tâm linh nên rất khó đấu giá. Khi đó áp lực thu ngân sách tỉnh rất lớn, các bị cáo vì mục đích chung của tỉnh, chắc chắn không có động cơ vụ lợi”, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận nói.
Còn người đại diện cho Công ty Tân Việt Phát cho hay đã đề xuất mong muốn khắc phục thiệt hại vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố. Tại phiên toà, doanh nghiệp tiếp tục giữ nguyên quan điểm này.
Theo người đại diện của Công ty Tân Việt Phát, doanh nghiệp này biết UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức đấu giá khu đất và gặp khó khăn vướng mắc, do khu vực nhiều mồ mả. Năm 2017, Công ty Tân Việt Phát đề nghị tỉnh giao đất theo hình thức không qua đấu giá, chứ không đề cập về giá giao đất.
“Mối quan hệ giữa công ty và các bị cáo nguyên là lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành tỉnh Bình Thuận thế nào?”, chủ tọa hỏi. Đại diện của doanh nghiệp khẳng định, Công ty Tân Việt Phát không tiếp xúc cá nhân với các bị cáo và “không đưa lợi nhuận cho họ”.
Trong vụ án, Viện Kiểm sát cho rằng, sau khi được giao đất, Công ty Tân Việt Phát đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích 92.000m2. Doanh nghiệp này phân thành 500 lô đất, diện tích mỗi thửa 100 - 2.000m2 và được tỉnh cấp 500 sổ đỏ. Công ty chuyển nhượng 475 lô, giá 6 - 7,3 triệu đồng/m2, thu tổng cộng 499 tỷ đồng.