Thịt đỏ
Theo Elizabeth Volkmann, bác sĩ chuyên khoa về xương khớp tại Đại học California, Los Angeles, Mỹ, tất cả các nguồn protein của động vật thường chứa nhiều purin, có thể dẫn tới bệnh gout. Một nghiên cứu trên tờ New England Journal of Medicine (NEJM) cho thấy những người ăn thịt đỏ hai lần một tuần hoặc nhiều hơn có thể được chẩn đoán mắc bệnh gout cao hơn 50% so với những người ăn thịt đỏ ít hơn mỗi tháng một lần. Thịt đỏ cũng chứa chất béo bão hòa, có liên quan đến bệnh gout.
Do đó, người mắc bệnh gút hoặc người có nguy cơ mắc bệnh này nên hạn chế tối đa ăn thịt đỏ để phòng tránh cơn gút cấp gây đau đớn, có khi kéo dài nhiều ngày. Thịt đỏ bao gồm thịt bê, thịt bò, thịt cừu, thịt lợn, thịt xông khói và xúc xích.
Hải sản
Giống như thịt động vật, nhiều loại hải sản có chứa một lượng purin rất dồi dào nên cần tránh ăn hoặc ăn rất ít nếu bạn tiềm ẩn nguy cơ bệnh gút. BS. Volkmann cho biết, động vật có vỏ như tôm và tôm hùm rất giàu purin. Theo nghiên cứu của NEJM, cá ngừ, sò điệp và cá hồi là những loại hải sản cần phải thận trọng khi ăn vì nếu ăn một lần mỗi tuần hoặc nhiều hơn có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh gút.
Soda và nước trái cây
Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, fructose - loại đường có trong trái cây - có liên quan đến sự gia tăng nồng độ acid uric trong cơ thể, đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh gút ở cả nam giới và phụ nữ. Trong khi ăn trái cây dường như không làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút hoặc các cơn bùng phát của bệnh nhưng soda, nước ép trái cây và bất kỳ loại đồ uống có chứa lượng fructose cao đều khiến nguy cơ khởi phát bệnh cao hơn.
Thực phẩm chế biến và đóng gói
Theo nghiên cứu của trường Đại học Y Boston, Mỹ, các thực phẩm chế biến sẵn và đóng gói như tương cà, bánh quy hay bánh quy giòn… đều là những thực phẩm chứa fructose cao và cần thận trọng khi ăn. BS. Volkmann cho biết, các loại carbohydrate tinh chế, bao gồm cả những chất có trong pasta thông thường và nhiều loại bánh mì, cũng có thể làm tăng lượng axit uric trong cơ và lần lượt thúc đẩy cơn đau trong bệnh gout.
Măng tây
Trong khi hầu hết các loại rau là an toàn cho người bệnh gút thì măng tây là một ngoại lệ. BS. Volkmann cho rằng người bệnh gút không phải tránh hoàn toàn măng tây nhưng nên ăn với mức độ vừa phải. Điều này cũng đúng đối với nấm và rau bina vì chúng có chứa một lượng purin cao - ít nhất là theo tiêu chuẩn thực vật.