Những yếu tố gây nên bệnh trĩ
Theo TS.BSCC Lê Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Hội Đại trực tràng học Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, bệnh trĩ (dân gian còn gọi là bệnh lòi dom) là bệnh được tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở mô xung quanh hậu môn.
Tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng bệnh trĩ gây ra phiền toái và sự khó chịu âm thầm cho người bệnh.
Bác sĩ Cường cho biết, đến thời điểm hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính gây bệnh và cũng chưa có phương pháp điều trị nào đạt hiệu quả 100%.
Những trường hợp có yếu tố gia đình hoặc gặp điều kiện thuận lợi như chứng táo bón, đứng trong thời gian dài, ngồi lâu ở một tư thế, béo phì, tiêu chảy, bệnh lý đại tràng, mang vác nặng, thai kỳ, ăn uống không hợp lý (ăn quá ít chất xơ và rau xanh, ăn nhiều gia vị cay nóng, ít uống nước, uống quá nhiều bia rượu) và chế độ sinh hoạt không điều độ thì bệnh sẽ nặng dần.
(Ảnh minh họa: KT)
“Trĩ không phải là một bệnh quá nguy hiểm, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị đúng sẽ phát triển lên giai đoạn 3, 4 gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và thậm chí là gây ra những biến chứng nguy hiểm như đau đớn, nhiễm trùng, nứt kẽ hậu môn, sa búi trĩ, hoại tử búi trĩ, thậm chí là ung thư trực tràng”, bác sĩ Cường cảnh báo.
Ở giai đoạn 1 chỉ nứt hậu môn và đại tiện ra máu; sang độ 2 là người bệnh khi đại tiện thì búi trĩ tự lòi ra và co lại được; giai đoạn 3 là búi trĩ sa ra ngoài và tự đẩy vào còn bệnh ở độ 4 là đẩy không vào sau khi đi đại tiện.
Theo khảo sát của Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam, tỷ lệ mắc trĩ chiếm khoảng 45 - 55% dân số.
Trong đó người trẻ (dưới 18 tuổi) mắc bệnh này chiếm tới 3-5% và đang có xu hướng tăng. Điều khiến nhiều bậc cha mẹ không khỏi giật mình, khi những thói quen xấu của con em mình như: trốn trong toilet vừa đại tiện vừa đọc truyện, chơi điện tử hoặc điện thoại; ăn nhiều gia vị cay nóng như bim bim, kim chi, không chịu ăn chất xơ… lại chính là nguyên nhân gây nên căn bệnh tế nhị này.
Bệnh nhân Lê Thị Giang, 18 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội, gần đây kêu đau vùng hậu môn, khiến mỗi lần ngồi học bài rất khó khăn. Giang được mẹ đưa đến Trung tâm Bệnh trĩ Hà Nội số 1 khám thì được kết luận bị trĩ độ 2.
Sau một liệu trình điều trị nội khoa gồm thuốc ngâm, bôi và uống, bệnh của Giang đã được cải thiện nhiều. “Thỉnh thoảng Giang mới bị táo bón nhưng con thường ngồi ít nhất nửa tiếng để đọc truyện hoặc chơi điện thoại… Bác sĩ bảo, đó chính là một trong những thói quen xấu dẫn tới ngày một nhiều bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh trĩ”, chị Nga (mẹ của bệnh nhân Giang) chia sẻ.
Bác sĩ Cường phân tích, việc ngồi lâu ở một tư thế làm cho sự lưu thông máu ở vùng hậu môn, trực tràng không được tốt, dẫn đến hoạt động của cơ thắt hậu môn không được liên tục. Nguy hiểm nhất là việc ngồi lâu khiến cơ hậu môn cứ mở, làm cho mỗi lần đại tiện kéo dài. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc đại tiện không đúng giờ, sẽ làm mất dần phản xạ đại tiện, ảnh hưởng đến nhịp độ và tần suất của đại tiện, dẫn đến hiện tượng táo bón.
“Táo bón lâu ngày khiến việc đi cầu trở nên khó khăn, thường xuyên phải rặn mạnh khi đại tiện, do đó sẽ làm xuất hiện các búi trĩ. Các búi trĩ theo năm tháng sẽ phình to dần, đến khi to quá sẽ sa ra ngoài. Nếu không được phát hiện và điều trị đúng chuyên khoa, dễ để lại những biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Cường nhấn mạnh.
Một số cha mẹ không nắm được kiến thức cơ bản về các bệnh lý hậu môn, trực tràng thường gặp, không nắm được các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh trĩ nói riêng và bệnh lý trực tràng nói chung nên không có giải pháp phòng ngừa bệnh cho con.
Tuyệt đối không được điều trị theo truyền miệng hoặc phương pháp dân gian và nghe những thông tin không chính thống trên mạng xã hội. Trong trường hợp nếu phát hiện ra bệnh, nên đi khám và tư vấn chuyên khoa sâu.
Cần phát hiện và điều trị sớm
Bác sĩ Cường cho biết, gần đây Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân trẻ ở giai đoạn 2, 3, trong đó có bệnh nhi mới 5 tuổi. Đặc biệt, 6 tháng gần đây, riêng Trung tâm Bệnh trĩ Hà Nội số 1 đã can thiệp phẫu thuật cho 6 người bệnh tuổi 15-18 ở giai đoạn nặng khi búi trĩ đã sa ra ngoài, gây đại tiện ra máu và đau đớn.
“Việc phát hiện sớm sẽ điều trị nội khoa và nhanh chóng hồi phục ở giới trẻ. Tuy nhiên, ở giai đoạn 3, 4 hoặc có biến chứng và kèm bệnh lý khác hoặc điều trị nội khoa thất bại sẽ phải chỉ định phẫu thuật.
Người bệnh không nên quá lo lắng vì với kỹ thuật hiện nay, việc phẫu thuật thường ít xâm lấn, an toàn, hiệu quả, ít đau, hồi phục nhanh, bảo tồn tối đa cấu trúc và chức năng ống hậu môn, tỷ lệ tái phát thấp”, bác sĩ Cường lưu ý.
Đối với chế độ ăn uống, bác sĩ Cường đưa ra lời khuyên: Nên giảm các chất cay nóng, giảm chất béo và dầu mỡ. Hãy tạo cho mình chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh, ăn nhiều chất xơ.
Việc ăn uống hợp lý, uống nhiều nước không những giúp cho cơ thể đào thải chất cặn bã ra ngoài mà còn giúp cho hệ tiêu hóa tốt. Không nên đi đại tiện quá lâu, cần tạo thói quen đi đại tiện vào 1 khung giờ nhất định trong ngày và vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ.