Trong xã hội ngày nay, tỷ lệ ly hôn ngày càng cao và có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Dưới đây là 9 thói quen xấu có khả năng đẩy cuộc hôn nhân của bạn đến bờ vực tan vỡ.
1. "Nghiện" một thứ gì đó ngoài người bạn đời của mình
Dù bạn "nghiện" bất cứ thứ gì như: mạng xã hội, thức ăn, rượu, ma túy, mua sắm hay cờ bạc thì đều có thể là tác nhân khiến cuộc hôn nhân của bạn đổ vỡ.
Lisa Bahar, một nhà tâm lý học về hôn nhân và gia đình ở Newport Beach, California cho biết: "Chứng nghiện này sẽ nhanh chóng trở thành "người thứ ba" xen vào cuộc hôn nhân của bạn. Việc phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội hay thiết bị điện tử thông minh làm giảm chất lượng mối quan hệ vợ chồng.
Bạn hãy thử làm điều này: Để điện thoại ở nhà trong lần hai người ra ngoài ăn tối sắp tới và bạn sẽ thấy cuộc trò chuyện của vợ chồng thú vị hơn rất nhiều. Điện thoại rất hấp dẫn nhưng đừng để nó dụ dỗ khiến bạn bỏ quên mối quan hệ với người bạn đời. Nếu bạn không thể kiểm soát điện thoại, hãy tắt nguồn để có thể tập trung vào một cuộc thảo luận quan trọng trong gia đình hay một buổi tâm sự lãng mạn giữa hai vợ chồng."
2. Chuyện ân ái không còn mặn nồng
Nếu bạn và người bạn đời của mình đang gặp phải vấn đề khi viện mọi lý do để lảng tránh việc thân mật giữa hai vợ chồng thì chắc chắn một điều hôn nhân của bạn đang gặp rắc rối lớn đấy.
Gretchen Rubin, tác giả của cuốn sách bán chạy nhất, Dự án hạnh phúc (Harper Paperbacks), rất đề cao yếu tố lãng mạn trong cuộc hôn nhân bằng cách tập trung vào sự tích cực của người bạn đời.
"Hãy thử tập trung vào tất cả những điều bạn yêu thích ở chồng mình. Quyết định nói "có" thường xuyên hơn thay vì nói "không" khi anh ấy đề cập đến vấn đề quan hệ tình dục."
Theo một nghiên cứu năm 2013 về nam giới và phụ nữ trong độ tuổi 20-49 được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Não bộ tại Đại học Y khoa. Vienna: Một cái ôm kéo dài 10 giây trở lên làm giảm huyết áp và giải phóng hormone oxytocin và làm giảm hormone gây căng thẳng,
Tình dục không chỉ tốt cho cảm xúc mà còn giúp duy trì sự bền vững của hôn nhân. Quan hệ tình dục thường xuyên với bạn đời giúp cải thiện sự tự tin của cả hai. Khi "yêu", cả hai bạn đặt niềm tin vào nhau và điều đó giúp gia tăng sự thân mật. Sự sẻ chia và thấu hiểu trong "chuyện ấy" tạo ra mong muốn gần gũi và gắn bó với bạn đời, dẫn đến sự hài lòng trong mối quan hệ. Do vậy, thiếu vắng chúng sẽ khiến hôn nhân trở nên nguội lạnh.
3. Cuộc trò chuyện hàng ngày dần trở thành những "cuộc khẩu chiến"
Mọi cuộc thảo luận bỗng dưng biến thành một cuộc chiến vì bạn cảm thấy quan điểm của mình không được người ấy lắng nghe. Cả hai bạn bắt đầu khơi gợi lại những lỗi lầm trong quá khứ của nhau để săm soi, trách móc.
Thông thường, sau nhiều năm chung sống với người bạn đời, chúng ta ngừng tích cực lắng nghe và bắt đầu đưa ra các giả định như người ấy đã thay đổi, người ấy chẳng còn tôn trọng mình nữa… Các giả định này có rất nhiều điểm không chính xác bởi chúng hình thành dựa trên cảm xúc và góc nhìn chủ quan một phía.
Do đó, không tích cực lắng nghe có thể khiến cuộc hôn nhân của bạn dần đi vào bế tắc. Hai bạn đang mong muốn suy nghĩ của mình được đối phương lắng nghe nhưng không ai chịu hiểu cho nhau để hướng tới một giải pháp có hiệu quả.
Hãy nỗ lực để thực hiện kỹ năng lắng nghe tích cực bằng cách thể hiện sự tôn trọng thông điệp mà người nói đưa ra. Bạn cần thu thập thông tin trong quá trình nghe, tránh phản ứng bằng những câu nói gây ảnh hưởng đến tinh thần của đối phương và cố gắng tìm ra giải pháp để cả hai đều thỏa mãn.
4. Gây hấn và coi nhau như kẻ thù
John Gottman, tác giả cuốn Tại sao hôn nhân thành công hay thất bại, đã tiến hành nghiên cứu 2.000 cặp vợ chồng kết hôn trong hai thập kỷ. Ông nhận thấy rằng sự khinh thường, chỉ trích và phòng thủ đối với người bạn đời của mình sẽ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến lý hôn.
Ai cũng sẽ có những ngày thật tồi tệ, tưởng chừng như cả thế giới đang chống lại mình và cách xử lý thường thấy là về nhà và trút mọi thứ khó chịu ấy lên người bạn đời của mình. Sai quá sai rồi. Cách xử trí thông minh hơn cả là hãy cùng ngồi lại chia sẻ với người ấy mình rằng bạn đã có một ngày tồi tệ thế nào và bạn muốn được quan tâm, vỗ về hơn bình thường. Đương nhiên, khi ấy chẳng ai lỡ từ chối bạn cả.
5. Mập mờ tài chính
Tiền bạc là cội nguồn của những điều xấu xa, nhưng không có nó thì cuộc sống này lại quá khó khăn. Tuy nhiên, những mâu thuẫn xoay quan vấn đề tài chính là căn nguyên của mọi đổ vỡ trong hôn nhân.
Theo một nghiên cứu được tiến hành trên 4.500 cặp vợ chồng từ Đại học Bang Kansas năm 2013, mâu thuẫn về tiền bạc được dự đoán là yếu tố hàng đầu dẫn đến những cuộc ly hôn. Các cặp vợ chồng có xu hướng sử dụng ngôn từ gay gắt hơn khi tranh cãi về tiền bạc và mất nhiều thời gian hơn để phục hồi sau xung đột.
Cũng theo một cuộc thăm dò của Qũy Quốc gia về giáo dục tài chính năm 2014, "Không chung thủy về tài chính" có thể gây tổn hại tương đương với việc ngoại tình.
Các nhà nghiên cứu khuyến nghị rằng các cặp vợ chồng nên có kế hoạch tài chính rõ ràng và công khai các vấn đề liên quan đến tiền bạc trước khi kết hôn. Đó có thể là số tiền bạn tiết kiệm được, số tiền được bố mẹ cho hoặc số tiền bạn còn phải trả do vay mượn, số tiền bạn phải chu cấp cho gia đình hàng tháng hay mục tiêu, nguyện vọng tài chính bạn mong muốn trong tương lai… tất cả đều phải công khai, rõ ràng để tạo nên sự tin tưởng, thông cảm lẫn nhau giữa hai vợ chồng ngay từ đầu, đây cũng chính là nền tảng cơ bản để vấn đề tiền bạc không chi phối hạnh phúc gia đình của bạn đấy.
6. Để ai đó xen vào cuộc sống hai vợ chồng
Ngay cả khi bạn thân thiết và muốn dành thời gian cho cha mẹ hay anh chị em mình thì hãy biết chừng mực và có mức độ. Bởi vì, khi đã kết hôn, có gia đình riêng là bạn đã chấp nhận cuộc sống mình sẽ thay đổi hoàn toàn, vợ hoặc chồng bạn sẽ là đối tượng được ưu tiên hàng đầu.
Tessina nói: "Một khi bạn kết hôn, bạn và người bạn đời sẽ là một gia đình và từ 2 người xa lạ trở thành người thân của nhau. Hãy trao đổi thẳng thắn với nhau về mức độ ưu tiên dành cho cha mẹ và các thành viên khác của gia đình hai bên."
Có thể bạn sẵn sàng dành tất cả thời gian rảnh cho bạn bè hoặc làm việc nhiều giờ liền. Nhưng nếu bạn đời của bạn muốn bạn dành nhiều thời gian cho anh ấy thì có nghĩa là đã đến lúc bạn nên quan tâm anh ấy nhiều hơn. Bởi hạnh phúc là khi bạn luôn đặt người ấy ở vị trí ưu tiên.
Với con cái cũng vậy, đừng vì quá mải mê với con mà quên mất rằng bạn còn có một người khác cần được quan tâm nữa.
7. Hơn thua với người bạn đời của mình
Trong những trận cãi vã dù vợ hay chồng cũng luôn cố giành phần hơn đồng nghĩa với việc bạn dần đang đẩy cuộc hôn nhân của mình xuống vực thẳm.
Đôi lúc đàn ông có tư tưởng phải cho vợ một bài học, phải cho cô ấy nhận ra sai lầm của mình để sau này mà biết cách đối đãi với chồng. Tuy nhiên trong hôn nhân càng cãi càng sai, càng cãi càng xé chuyện nhỏ thành to. Vốn dĩ chuyện chỉ bé bằng đầu tăm nhưng khi ai cũng muốn giành phần thắng thì mọi chuyện lại đẩy đi quá xa.
Sau mỗi trận cãi nhau giữa vợ chồng thường là sự im lặng. Kẻ chiến thắng thì hả hê và tự nghĩ đối phương đã hiểu chuyện. Kì thực, người ta im lặng vì bất lực hơn là tâm phục khẩu phục, chấp nhận mình sai.
Dù người chiến thắng là ai thì luôn có sự rạn nứt, sự xa cách sau những trận cãi vã. Và việc để sự hơn thua thành thói quen có thể khiến hôn nhân đổ vỡ.
8. Quên những điều nhỏ nhặt nhưng lại rất quan trọng với đối phương
Dù là ai đi nữa, dù chồng bạn có đao to búa lớn gì bên ngoài thì anh ấy vẫn luôn khao khát được trấn an, vỗ về, khẳng định bản thân và gần gũi khi về bên cạnh người bạn đời của mình.
Đôi khi cuộc sống bận rộn, bạn vô tình để lỡ mất cơ hội được ngợi khen anh ấy khi anh ấy vừa vì bạn mà làm một việc mà anh ấy đã từng rất ghét.
Chuyên gia về tình yêu và hôn nhân Charles Schmitz và Elizabeth Schmitz (còn được biết đến như Doctors Schmitz) cho biết, không điều gì có thể khiến bạn cảm thấy gắn kết hơn một cái ôm. Thay vì trao nhau chiếc hôn vội vàng trước khi bạn ra ngoài cả ngày, hãy ôm chặt nhau thêm chút nữa và để cho cảm giác lưu luyến bao quanh hai bạn. "Cái ôm giúp giải phóng oxytocin trong não bộ, khiến cho bạn và đối phương cảm thấy gắn kết thân mật hơn".
Hãy thể hiện lòng biết ơn của bạn đối với những điều nhỏ nhặt nhất như đổ rác hay nấu một bữa ăn ngon. Feuerman cho rằng, "chúng ta thường bắt đầu xem mọi thứ là điều hiển nhiên và suy nghĩ theo kiểu, dù sao thì anh/cô ấy cũng làm thôi, việc gì phải nói lời cảm ơn?". Thế nhưng, nói lời "cảm ơn" lại là điều vô cùng quan trọng trong một mối quan hệ. Đây là cách thức trực tiếp mà đơn giản để biểu đạt sự tôn trọng của bạn dành cho đối phương.
Một cuộc hôn nhân hạnh phúc phải có sự vun đắp từ cả hai phía. Nếu một trong hai người không còn xem trọng mối quan hệ này nữa thì sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình hoàn toàn có thể xảy ra.