Rừng Amazon bí ẩn - khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới - hiện đang có đến 500 bộ tộc lớn nhỏ. Nhưng người Waorani cũng thuộc trong số đó. Họ sống ôn hòa trong một khu làng nhỏ, dựa vào tự nhiên và chẳng quan tâm đến thế sự bên ngoài.
Nhưng khi ngôi nhà của họ bị đe dọa, tất nhiên họ sẽ có phản ứng. Nhắc đến chuyện tự vệ của các thổ dân, nhiều người sẽ nghĩ đến những cuộc đụng độ với cung nỏ, giáo mác...
Có điều, kẻ đe dọa đến họ là một công ty khai thác dầu mỏ có quy mô cực lớn, nên mọi hành động liên quan đến vũ lực chỉ khiến câu chuyện trở nên tệ hơn.
Thay vào đó, bằng sự giấy tờ pháp lý cùng sự trợ giúp của luật sư, người Waorani đã có pha "lật kèo" thành công, ngăn chặn những con người từ xã hội hiện đại tàn phá khu rừng của họ, và tạo ra một câu chuyện đầy cảm hứng dành cho cộng đồng bảo vệ môi trường trên thế giới.
Tại sao công ty dầu mỏ lại muốn khu rừng này?
Với người Waorani, đời sống của họ phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên: cây cối, động vật, đất trồng, và nguồn nước sạch. Họ cần thực vật làm thuốc, động vật và nước để ăn, và đất trồng để tạo ra cây lương thực. Ngoài ra, văn hóa tâm linh của họ gắn liền với khu rừng. Nói cách khác đối với họ, khu rừng chính là mạng sống.
Nhưng công ty dầu mỏ thì muốn gì ở Amazon?
Hóa ra, khu rừng này cũng có chứa một nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, trong đó có dầu mỏ.
Nhìn thấy cơ hội khai thác không thể tốt hơn, đã có một số công ty đứng ra đấu thầu để mua lấy đất rừng từ chính phủ Ecuador. Xét cho cùng, một mỏ dầu luôn là nguồn lợi rất lớn trong thời buổi hiện nay.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu công ty dầu mỏ có được đất rừng?
Khoảng đất ấy không miễn phí, nên dĩ nhiên bất kỳ ai mua nó phải tìm cách thu lại số tiền đã bỏ ra. Những khoảng rừng chắc chắn sẽ bị chặt bỏ không thương tiếc, nhằm lấy chỗ xây giếng dầu.
Những hành động như vậy sẽ đe dọa đến sự tồn tại của người Waorani. Họ sẽ phải tìm một mái nhà mới, mà điều này thì chẳng ai mong muốn.
Đó là chưa kể thiên nhiên sẽ nhanh chóng bị tàn phá, nhiều loài động thực vật rơi vào cảnh tuyệt chủng. Nghiêm trọng hơn, nguồn nước họ đang dùng, bầu không khí họ đang thở cũng nhanh chóng bị ô nhiễm trầm trọng.
Hay nói cách khác, những người thực sự phải trả giá cho thương vụ này là các thổ dân sinh sống trong rừng Amazon.
Cuộc chiến cam go chưa từng có tại tòa án
Thương vụ này có một vấn đề, đó là để nó được phép diễn ra thì chính phủ phải nhận được sự đồng ý của các thổ dân - cụ thể ở đây là người Waorani vì họ đang sinh sống ở đó.
Một số người đại diện được cử đến làng thương thuyết, nhưng dường như không hiệu quả. Theo một số thông tin từ truyền thông nước sở tại, cuộc thương thuyết diễn ra theo cái cách rất khó hiểu, và dường như không công bằng với người Waorani.
Bởi vậy, người Waorani quyết định thu thập giấy tờ pháp lý, cầm theo... giáo mác đến tòa án để kiện lại chính phủ Ecuador. Đó là một trận chiến không hề dễ dàng. Dù có đủ tư cách công dân để đến được tòa án, nhưng các vấn đề liên quan đến thổ dân vẫn phải nhận sự phân biệt đối xử không nhỏ.
Theo như truyền thống, người Waorani yêu cầu phiên tòa diễn ra trong lãnh thổ của họ, để các trưởng tộc có thể tham dự. Nhưng tòa án chỉ mở một phiên tòa chiếu lệ, diễn ra rất nhanh chóng, thậm chí không có nổi người phiên dịch và đưa ra phán quyết không nhận được sự đồng tình của các già làng.
Phẫn nộ vì bị phân biệt đối xử (và cũng vì không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra), phụ nữ trong làng đã đứng lên biểu tình, gây nhiễu loạn phiên xử bằng những bài hát truyền thống của làng. May mắn là áp lực ấy đủ để tòa án hoãn lại phiên tòa, cho đến khi người phiên dịch xuất hiện.
Và họ đã chiến thắng!
Chiến thắng rực rỡ - nguồn cảm hứng đi vào lịch sử
Trước khi được tuyên bố thắng kiện, người Waorani đã nhận được sự ủng hộ bất ngờ từ công chúng. Đó là nhờ công của một số tổ chức phi lợi nhuận và sự ra mặt của những nhân vật nổi tiếng - như Leonardo DiCaprio.
Người Waorani thắng kiện, đó là thời điểm họ viết nên lịch sử. Chiến thắng của họ không chỉ giúp cho ngôi nhà của mình được an toàn, mà còn gây ảnh hưởng đến những phiên đấu giá cho 16 khu đất chứa mỏ dầu khác - chiếm đến hơn 28.000km2. Giờ đây, cộng đồng bảo vệ môi trường có thể sử dụng chính thắng lợi này để chiếm ưu thế trong các cuộc đấu tranh pháp lý tiếp theo.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ bán rừng cho các công ty dầu mỏ đâu!" - Nemonte Nenquimo, chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận CONCONAWEP cho biết.
Tham khảo: BS, VT.co