Những thầy giáo chơi vơi nghiệp trọng tài

HOÀI ĐAN |

Trọng tài dù chỉ là “nghề part-time” với nhiều người, thế nhưng, đó lại là nghề có nhiều áp lực và nguy hiểm. Và với những người làm thầy giáo thì nghiệp trọng tài còn đánh đổi cả danh dự và trách nhiệm từ sân cỏ lên giảng đường.

Từ sự cố Phùng Đình Dũng

Cựu trọng tài FIFA Phùng Đình Dũng là giảng viên Khoa Giáo dục thể chất của ĐHQG Hà Nội. Đấy là nghề chính của người từng có nhiều kinh nghiệm trong sự nghiệp cầm còi. Trọng tài Dũng cũng từng là người được dân trong nghề đánh giá cao và là một trong số những trọng tài FIFA ở những mùa giải trước đây.

Năm 2016, trọng tài Phùng Đình Dũng mắc sai lầm nghiêm trọng khi không công nhận bàn thắng của đội Khánh Hoà trong trận đấu với Quảng Nam ở vòng 18 V.League vì cho rằng đội chủ nhà chơi thiếu fair-play. 

Ông Dũng sau đó không được VPF mời làm nhiệm vụ đến hết mùa giải. Trọng tài Dũng cũng bị Ban trọng tài VFF “giáng cấp” bằng việc đưa xuống bắt ở giải hạng Nhất 2017. Đó cũng là mùa giải cuối cùng trọng tài Dũng trước khi hết tuổi theo nghiệp trọng tài. Tuy nhiên, vì áp lực quá lớn từ dư luận và báo chí, ông Dũng đã bỏ nghề luôn và chuyên tâm về mặt giảng dạy.

Nghề chính của ông Dũng là thầy giáo dạy môn GDTC, vì vậy những thông tin từ báo chí, dư luận đã ảnh hưởng không nhỏ đến bản thân ông cũng như gia đình ông. 

Việc thường xuyên giảng dạy cho các trường đại học thuộc ĐHQG Hà Nội, ông Dũng phải đối mặt với hàng nghìn sinh viên, trong đó số lượng CĐV của bóng đá cũng không nhỏ. Thế nên, bên cạnh danh dự với nghề trọng tài thì danh dự với nghề thầy giáo còn nhiều hơn cả.

Trưởng ban Trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi đã nhiều lần thuyết phục ông Dũng quay lại cầm còi cho hết mùa giải 2017, bởi một trọng tài ở cấp độ FIFA có nhiều kinh nghiệm như ông Dũng không có nhiều. Tuy nhiên, cho đến giờ Dũng vẫn chưa có ý định quay lại với bóng đá. 

Cựu trọng tài Phùng Đình Dũng vẫn có thể theo nghiệp trọng tài trong vai trò giám sát. Thế nhưng, được biết ông Dũng vẫn chưa theo học lớp giám sát để quay lại sân cỏ.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Mùi thì: “Nghề trọng tài luôn bạc, cả mùa làm tốt không sao chỉ một trận đấu thôi có thể mất nghiệp vì áp lực dư luận. Cứ nhìn cách các trọng tài bị kỷ luật đã bỏ luôn nghề là đủ hiểu. Các trọng tài theo nghề này không chỉ chịu trách nhiệm danh dự với gia đình mà còn cả cơ quan nơi họ làm việc.

Có trọng tài vì mắc sai sót lỗi nhận định, bị báo chí và dư luận nói nhiều quá mà ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, có người vì thế mà không được kết nạp Đảng, không được bổ nhiệm. Hơn hết chính gia đình, vợ con họ cũng nhận được không ít lời gièm pha. 

Thế nên nghề trọng tài dù không phải nghề nghiệp chính nhưng lại có ảnh hưởng đến cuộc sống và quá nhiều thứ. Và đó là nghề nghiệp đặc trưng cần nhận được sự chia sẻ”.

Với cựu trọng tài Phùng Đình Dũng, trên cương vị một thầy giáo, nhiều người sẽ cảm nhận được cái khó của ông. Bởi lẽ, đôi khi danh dự bản thân và gia đình khiến những đam mê nghề nghiệp có thể phải gác lại vĩnh viễn.

Đến chuyện “băng ghi âm” của thầy giáo Hiền

Những ngày qua, dư luận đang xôn xao chuyện đoạn băng ghi âm dài gần 7 phút ghi lại cuộc họp của Ban Kiểm tra VFF, trong đó ông Trần Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch HĐQT VPF đã có những lời lẽ xúc phạm, đe doạ ông Dương Văn Hiền – Phó Ban trọng tài VFF. Đây là điều đã khiến dư luận rất bức xúc.

Chia sẻ với Lao Động, ông Dương Văn Hiền giãi bày rằng ông có ghi âm nhưng không lan truyền ra bên ngoài. Thế nhưng, câu chuyện khiến người ta ngao ngán nằm ở lý do mà ông bất đắc dĩ phải ghi âm lại cuộc họp. 

Ông nói rằng “Tại cuộc họp hôm 8.5 giữa VFF, VPF và Ban trọng tài, về việc VPF gửi công văn cho Ban trọng tài của VFF đề nghị ngưng mời tôi làm giám sát trận đấu, ngừng hợp tác với hai trọng tài Nguyễn Trọng Thư và Nguyễn Văn Kiên, VFF đứng ra tổ chức cuộc họp giữa các bên. Anh Tú (Chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú – PV) có xin lỗi tôi trong cuộc họp. 

Các anh Thường trực VFF nói rằng tất cả thống nhất các cá nhân không cung cấp thông tin cho báo chí, thông tin chính thống sẽ được thông báo chính thức trên website của VFF ngay sau cuộc họp.

Nhưng cuối cùng không thấy thông báo chính thức nào trên website. Còn sau đó, anh Tú nói với báo chí là anh ấy “việc gì phải xin lỗi tôi”. (Thông tin ban đầu có 1-2 tờ báo đưa tin anh Tú xin lỗi, nhưng sau đó những thông tin sau lại phản hồi ngược lại). 

Lúc đó mọi người nói bịa chuyện, tôi cũng không có bằng chứng gì để thanh minh nên đành chịu. Thế nên ở cuộc họp hôm 15.5 do Ban kiểm tra VFF, tôi sợ họ ra ngoài lại nói khác, tôi phải có bằng chứng để khi cần thanh minh mới dùng đến. Tôi sẽ chỉ dùng đoạn ghi âm của mình khi cần trình lên lãnh đạo cơ quan và làm tư liệu bảo vệ bản thân”.

Ông Hiền cũng chia sẻ rằng: “Gia đình tôi biết chuyện khuyên tôi nên xin nghỉ để tránh những rắc rối. Bố mẹ tôi muốn tôi quay lại trường để dạy học chứ không muốn theo nghiệp này vì những vấn đề có thể nguy hiểm đến bản thân. 

Tuy nhiên, nếu tôi xin lui ở thời điểm này thì sẽ có nhiều ý kiến đánh giá không hay về bản thân. Thế nên tôi sẽ quyết tâm đến cùng để làm rõ mọi chuyện. Sau đó tôi cũng sẵn sàng làm đơn xin nghỉ mà không vướng bận gì”.

Ông Dương Văn Hiền hiện tại đang là giảng viên của Trường Đại học KHXHNV TPHCM. Trong những ngày qua, trước sự việc đang gây xôn xao dư luận liên quan đến bản thân, ông Hiền chia sẻ cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ những sinh viên của mình. 

Câu chuyện đang dường như đi quá xa sau những lùm xùm từ thượng tầng VFF khiến bản thân ông Hiền đang muốn nghỉ vì quá mệt mỏi với những cuộc “đấu đá”. Và với danh dự của một thầy giáo, ông Hiền cũng cho biết đang gặp rất nhiều áp lực khi phải đối diện với những chuyện lùm xùm.

Hiện tại, ông Hiền cũng là một trong những ứng viên vào ban chấp hành VFF khoá VIII và là một trong những cái tên thay thế Trưởng Ban trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi. Tuy nhiên, trước nhiều vấn đề đang xảy ra, chính bản thân ông Hiền cũng đang chơi vơi với nghiệp trọng tài.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại