Những thách thức lớn đang chờ đợi tân Thủ tướng Iraq

Đình Nam |

Cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Iraq, ông Mustafa Al-Kadhimi sáng nay (7/5) đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng nước này trước Quốc hội.

Đây được xem là bước ngoặt trên chính trường Iraq, kết thúc sự bế tắc chính trị kéo dài hơn 5 tháng qua. Tuy nhiên, con đường phía trước đang chờ Tân Thủ tướng Iraq được dự báo sẽ không hề dễ dàng.

Chưa hết 1 tháng (kể từ ngày 9/4) – theo như Quy định của Hiến pháp, Thủ tướng được chỉ định lần thứ 3 của Iraq Al-Kadhimi đã đề xuất được 1 danh sách thành phần chính phủ mới mà phần lớn các chức vụ quan trọng đều đã được Quốc hội thông qua ngày hôm qua (6/5), như: Bộ trưởng Nội vụ, Tài chính, Quốc phòng, Điện …. Tuy nhiên, vẫn còn 2 vị trí là Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng dầu mỏ vẫn chưa được Quốc hội nhất trí.

Với phần lớn danh sách nội các mới được thông qua, Thủ tướng được chỉ định đã chính thức được Quốc hội phê chuẩn để trở thành Tân Thủ tướng quốc gia Trung Đông này.

Khi nắm quyền điều hành đất nước, ông Al-Kadhimi tuyên bố: “Đây phải là một chính phủ phục vụ người dân, một chính phủ phục vụ bằng hành động chứ không phải bằng lời nói. Tất cả các chính trị gia phải có trách nhiệm ủng hộ chính phủ mới và làm cho chính phủ này hoạt động hiệu qua. Đây sẽ không phải là 1 chính phủ bị cô lập, 1 chính phủ điều hành đất nước sau cánh cửa đóng kín”.

Ngoài ra, Tân Thủ tướng Iraq cũng khẳng định sẽ kiểm soát các nhóm vũ trang tại nước này, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, đề cao vấn đề chủ quyền quốc gia cũng như cho phép người dân biểu tình bày tỏ chứng kiến. Theo ông Al-Kadhimi, chính phủ mới sẽ sớm có câu trả lời cho các cuộc khủng hoảng xã hội, kinh tế và chính trị mà quốc gia này đang phải đối mặt.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, con đường phía trước của Tân thủ tướng Iraq và các thành viên Nội các mới của ông sẽ không hề dễ dàng bởi rất nhiều lý do. Chiến tranh, khủng bố triền miên trong nhiều năm qua đã phá hủy nền kinh tế Iraq. Người dân mất niềm tin vào các chính phủ tiền nhiệm vì phải chịu ảnh hưởng quá lớn từ bên ngoài, nạn tham nhũng, tình trạng thất nghiệp luôn cao. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng giá dầu hiện nay cũng khiến cường quốc dầu mỏ này đang phải chịu “1 phen lao đao”. Cộng với những tác động quá lớn của dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho tỉ lệ người dân Iraq rơi vào mức nghèo tiếp tục gia tăng.

Một số người dân Iraq cho biết:

“Chúng tôi vốn đã khó khăn. Giờ đây, dịch bệnh lại khiến chúng tôi khó khăn hơn nữa. Đặc biệt là với những người không có thu nhập cố định, đối với những người làm việc tự do. Tình hình thực sự tồi tệ”.

“Mọi người không có đồ ăn, không có tiền lương. Nhiều người thất nghiệp, họ sẽ sống như thế nào?”.

Theo Bộ kế hoạch của Iraq, hiện khoảng 20% dân số nước này đang sống trong nghèo đói và dự kiến sẽ tăng lên gần 30% trong năm nay.

Không những thế, về mặt đối ngoại, Iraq nhiều năm qua đã chịu sự tranh giành ảnh hưởng từ Mỹ và Iran – 2 đối thủ kình địch của nhau. Dù vị Tân Thủ tướng Iraq đang được cả 2 quốc gia này hoan nghênh và tuyên bố ủng hộ, nhưng chắc chắn để hài hòa mối quan hệ với cả Mỹ và Iran không phải là 1 câu chuyện đơn giản, đặc biệt là khi căng thẳng giữa 2 quốc gia này còn đang leo thang./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại