Ngày 25/11, lực lượng cảnh sát biển Nga đã sử dụng vũ khí để ngăn chặn 3 tàu hải quân Ukraine, gồm 2 tàu pháo và 1 tàu kéo với cáo buộc xâm phạm vùng lãnh hải của nước này ở biển Đen một cách bất hợp pháp. Cáu tàu Ukraine sau đó đã bị Nga bắt giữ và lai kéo về cảng Kerch ở Crimea.
Vụ đụng độ này đã làm dấy lên lo ngại về khả năng leo thang xung đột giữa Nga và Ukraine với sự hậu thuẫn của các quốc gia phương Tây thân Kiev. Viễn cảnh đối đầu trên biển Đen khiến giới quan sát một lần nữa phải đánh giá lại sức mạnh của hải quân Nga, đặc biệt là hạm đội biển Đen - lực lượng chính bảo vệ các vùng biển phía Nam của Moscow.
Hạm đội Biển Đen ra đời năm 1783, là một trong những hạm đội có bề dày lịch sử nhất của Hải quân Nga với nhiệm vụ ban đầu là hỗ trợ các chiến dịch của Moscow chống lại Đế quốc Ottoman.
Trong Thế chiến thứ Hai, Hạm đội biển Đen tham gia đánh trả Phe Trục (Axis Forces) vây hãm Odessa và Sevastopol bằng cách tái tiếp viện lực lượng mặt đất, vận chuyển thủy quân lục chiến Liên Xô hoạt động phía sau giới tuyến quân Đức và sơ tán nhân lực chủ chốt khi các thành phố này thất thủ.
Ngày nay, Hạm đội biển Đen tiếp tục bảo vệ vùng biển phía Nam của Nga và là lực lượng nòng cốt giúp Moscow khuếch trương sức mạnh hải quân ra biển Địa Trung Hải tham gia các chiến dịch đột xuất như cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.
Tàu chiến, trực thăng Hải quân Nga diễn tập đổ bộ ngoài khơi Bán đảo Crimea ngày 9/9/2016. Ảnh: AP
Căn cứ chính của Hạm đội biển Đen nằm ở Sevastopol, trước đây thuộc lãnh thổ Ukraine. Khi Liên Xô tan rã, các quốc gia thuộc khối kế thừa những hệ thống quân sự triển khai trên đất của mình.
Tuy nhiên, thủy thủ Nga ở Sevastopol đã từ chối bàn giao lại các tàu cho Ukraine. Cuối cùng, Kiev và Moscow ký một thỏa thuận, theo đó phần lớn các tàu được bàn giao lại cho Nga và Moscow cũng được quyền sử dụng cảng Sevastopol.
Nhưng đến năm 2014, khi người dân Sevastopol bỏ phiếu đề nghị được sáp nhập vào Nga, Tổng thống Nga đã ký sắc lệnh chính thức sáp nhập Sevastopol vào Liên bang Nga. Do vậy, Sevastopol ngày nay là một thực thể của Liên bang Nga, không chịu sự quản lý nào từ chính quyền Kiev và các tàu chiến hiện nay trên Sevastopol là của Hạm đội biển Đen Nga.
Dưới đây là danh sách những tàu chiến được đánh giá là lực lượng nòng cốt tạo nên sức mạnh Hạm đội biển Đen của Hải quân Nga.
Tuần dương hạm Moskva
Con tàu đô đốc của Hạm đội biển Đen, Hải quân Nga chính là Moskva, chiếc đầu tiên trong số 3 tàu tuần dương lớp Slava được Liên Xô khởi đóng trong những năm 1970. Moskva có lượng choán nước hơn 12.000 tấn, thủy thủ đoàn 480 người và chiều dài là 186 m.
Tuần dương hạm Moskva được phát triển để tiêu diệt các tàu sân bay bằng 16 quả tên lửa P-1000 Vulkan bắn ra từ các ống phóng với chiều dài 11 m lắp đặt ở cả hai bên boong tàu. Các tên lửa nặng 5,3 tấn này có thể bay xa 480 km với vận tốc gấp 2,5 lần vận tốc âm thanh.
Moskva cũng được trang bị các tên lửa S-300F tạo thành chiếc ô phòng thủ khu vực, 2 pháo 130 mm trên khoang cùng rất nhiều tên lửa phòng thủ tầm gần, pháo tự động và ngư lôi chống ngầm.
Tuần dương hạm tên lửa Moskva
Khinh hạm Đô Đốc Grigorovich
Hỏa lực trực tiếp hơn của Hạm đội biển Đen là 3 khinh hạm tên lửa Đô Đốc Grigorivich mới. Với lượng giãn nước 4.000 tấn, các tàu tên lửa này được thiết kế có khả năng tàng hình radar và hồng ngoại. Bên cạnh đó, chúng cũng có thể mang theo các mồi bẫy và hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến.
Hệ thống phóng thẳng đứng 8 ống của Đô Đốc Grigorovich có thể phóng tên lửa hành trình Kalibr hoặc tên lửa chống hạm siêu thanh Oniks động cơ ramjet, có khả năng tấn công các tàu đối phương ở khách cách 640 km.
Ngoài ra, một hệ thống 32 ống phóng thẳng đứng của Đô Đốc Grigorovich cũng có thể phóng các tên lửa Buk tấn công máy bay và tàu cỡ nhỏ trong phạm vị 64 km. Chưa hết, khinh hạm có độ linh hoạt rất cao này còn được trang bị các ngư lôi chống ngầm và hệ thống phóng rocket và có thể chở theo các trực thăng săn ngầm Ka-27PL.
Khinh hạm tên lửa Đô đốc Grigorovich
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Molniya
10 tàu hộ vệ tên lửa lớp Molniya (Tarantul, theo mã định danh của NATO) thuộc biên chế của Lữ đoàn Tên lửa Số 41 tăng cường đáng kể sức mạnh cho Hạm đội biển Đen, Hải quân Nga.
Với chiều dài chỉ bằng 1/3 tàu tuần dương Moskva, 5 tàu hộ vệ lớp Molniya của Lữ đoàn 41 có vẻ như chẳng mấy ấn tượng. Tuy nhiên, mỗi con tàu 500 tấn này được trang bị 8 tên lửa P-270 Moskit có thể bay bám mặt nước tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 273 km với vận tốc gấp 3 lần vận tốc âm thanh.
Ngoài ra, tàu hộ vệ tên lửa lớp Molniya còn được trang bị các hệ thống gây nhiễu radar cực mạnh giúp tránh được các đòn tấn công đầu tiên.
Lữ đoàn 41 cũng được biên chế 2 tàu hộ vệ đệm khí lớp Bora (Dergach) vũ trang tên lửa P-270 có vận tốc 55 hải lý/giờ, 1 tàu hộ vệ Buyan-M với 8 tên lửa hành trình Kalibr và 2 tàu hộ vệ Nanuchka-III thuộc thế hệ cũ hơn, mà một trong số đó (tàu Mirzah) từng đánh chìm tàu tuần tra của Gruzia (Georgia) bằng tên lửa Malakhit năm 2008.
Tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh P-270 Moskit (SS-N-2). Ảnh minh họa: Defence.ru
Tàu ngầm Kilo cải tiến
Nga hiện đang có 6 tàu ngầm Kilo cải tiến (Đề án 636 Varshavyanka) đóng ở Novorossiysk thuộc biên chế của Lữ đoàn Tàu ngầm Số 4. Được nâng cấp từ mẫu thiết kế trong những năm 1980, tàu ngầm Kilo là một trong những lớp tàu ngầm diesel - điện có khả năng tàng hình tốt nhất thế giới hiện nay, bất kể là loại đẩy khí độc lập (AIP) hay chạy pin Lithium Ion.
Các tàu ngầm Kilo có được tính năng này là nhờ thân tàu được phủ lớp sơn có thể hấp thụ và làm chệch hướng sóng sonar chủ động, trong khi với hệ thống máy được cách ly giảm thiểu tối đa âm thanh phát ra ngăn chặn sự phát hiện của sonar thụ động.
Với tầm hoạt động cỡ 12.000 km và độ lặn sâu tối đa 300 m, tàu ngầm Kilo đặc biệt thích hợp cho nhiệm vụ tuần tra tầm ngắn ở những vùng nước nông trên biển Đen.
Loại tàu ngầm diesel - điện này có thể mang theo 18 ngư lôi hạng nặng 533 mm, đồng thời cũng có khả năng phóng các tên lửa hành trình Kalibr trong khi lặn tấn công cả các mục tiêu trên bộ và trên biển cách xa hàng trăm dặm.
Tàu ngầm Kolpino và Veliky Novgorod phóng tên lửa hành trình Kalibr. Ảnh:Sputnik
Năm 2015, Rostov-on-Don đã trở thành tàu ngầm đầu tiên của Hạm đội biển Đen Hải quân Nga, kể từ sau Thế chiến thứ II, phóng tên lửa hành trình tiêu diệt các mục tiêu khủng bố ở Syria. Kilo bộc lộ mối đe dọa đặc biệt nguy hiểm với các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm đối phương, và kể cả các mục tiêu trên mặt đất.
Ngoài những sát thủ nên trên, Hạm đội biển Đen Hải quân Nga còn sở hữu rất nhiều phương tiện hỗ trợ khác. Với các chiến dịch tấn công đổ bộ, lực lượng này có một lữ đoàn thủy quân lục chiến và 7 tàu đổ bộ lớp Alligator và Ropucha.
Với nhiệm vụ săn ngầm và thủy lôi trên biển, Hạm đội biển Đen có 6 tàu hộ vệ chống ngầm lớp Grisha cùng 8 tàu quét thủy lôi. Các đơn vị không quân hải quân sở hữu hàng chục trực thăng chống ngầm, máy bay ném bom Su-24M có khả năng chống hạm và các tiêm kích đa nhiệm Su-30SM.
Các tên lửa chống tàu và chống máy bay đặt trên đất liền cũng đóng góp một phần không nhỏ cho sức mạnh hỏa lực của Nga. Thậm chí các khinh hạm và tàu hộ vệ của hạm đội Caspian neo đậu từ khoảng cách xa 800 km cũng có thể yểm trợ bằng các tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kalibr.
Nói tóm lại, Hạm đội biển Đen Hải quân Nga có thể không sở hữu các tàu chiến cỡ lớn nhưng lực lượng này lại được biên chế rất nhiều phương tiện chiến đấu cỡ nhỏ với khả năng tàng hình ưu việt, là mối đe dọa to lớn đối với các mục tiêu đối thủ từ khoảng cách rất xa.
Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr tấn công các mục tiêu khủng bố ở Syria