Đó là vào dịp cách đây vài tháng, loạt bài về Xâm hại tình dục trẻ em tôi vừa hoàn thành và đăng trên Trí thức trẻ.
Những nạn nhân mà tôi đã gặp đều bị xâm hại tình dục lúc còn nhỏ. Những câu chuyện của họ đều nghẹn đắng.
Tôi nhớ nhất câu chuyện của một phụ nữ sống ở một tỉnh nhỏ miền Bắc. Cô kể từng bị cha ruột hãm hại lúc mới 12 tuổi, liên tục suốt 6 năm, khi cô đã lớn và hiểu được hành vi đó có nghĩa là gì. Và đủ sức lực để kháng cự.
Cô đã mách mẹ như cách níu vào cái phao gần nhất. Nhưng mẹ cô, thay vì bảo vệ con, lại mắng chửi và bắt cô câm lặng.
Bằng cách nào đó, cha cô bị đi tù vài năm. Trở ra, ông về sống với gia đình như cũ.
Nhìn bên ngoài, dường như với sự trừng phạt của pháp luật, với phép màu lãng quên của thời gian và với sự tha thứ vĩ đại của lòng người, gia đình cô đã chữa được vết thương kinh khủng nọ.
Nhưng không.
Cô kể: "Lúc nào mẹ em và các anh chị cũng mắng chửi em vì tội đã làm cho cha em vào tù. Họ khinh rẻ em, nói em là con đĩ lẳng lơ mồi chài cả cha mình, làm cho mẹ mất chồng".
Cô tìm cách thoát ra bằng cách đi lấy chồng.
Nhưng trong một thành phố nhỏ xíu, những tai tiếng loại này khủng khiếp lắm. Nó như một đám mây đen lúc nào cũng sẵn sàng chụp lấy cô.
Những ánh mắt, lời thì thầm sau lưng của hàng xóm khiến người chồng đầu tiên của cô không chịu nổi. Họ ly hôn.
Ít năm sau, cô gặp một người khác yêu thương cô thành thật. Họ chuyển về sống ở nhà chồng.
Được ít lâu, chồng cô, do công việc của một quân nhân, lại biền biệt xa nhà hàng năm trời. Nhà chồng tuy thương con trai nên cũng không ghét bỏ con dâu ra mặt, nhưng khi không có con trai ở nhà, họ cảm thấy không an toàn.
Những câu bóng gió, sự nhạt nhẽo... Cô mang đứa con còn nhỏ quay lại về nhà mẹ.
Tôi hỏi, vì sao em không ở riêng?
- Mẹ em không cho chúng em sống riêng chị ạ. Mẹ em bảo nếu em ra ngoài sống riêng người ta sẽ càng dị nghị.
Mẹ con cô tiếp tục sống trong cảnh bị ghẻ lạnh và khinh rẻ như vậy.
Cho đến lúc cô kể chuyện với tôi, đã vài chục năm trôi qua từ lúc cô là đứa bé tuổi bị xâm hại. Đã qua hai cuộc hôn nhân, đã làm mẹ của một đứa bé con. Đã trải qua quá nhiều mất mát và cả hạnh phúc.
"Nhưng suốt mấy chục năm rồi em chưa khi nào có giấc ngủ ngon chị ơi. Trước khi gặp chồng em bây giờ, em tự tử ba lần rồi mà không chết".
Tôi ngồi thừ ra, mắt vẫn dán chặt vào những dòng chữ trên màn hình nhưng trong đầu trống rỗng.
Những ngón tay tôi vô thức gõ vài chữ an ủi rồi lại xóa.
Tôi có thể an ủi gì cho người phụ nữ trẻ ấy?
Những lời an ủi của tôi có thể làm mẹ cô thôi không còn nghĩ chính con gái mình đã dụ dỗ chính cha đẻ của nó, đã "cướp" chồng của mình?
Có thể làm những xì xào của hàng xóm quanh cô thôi không còn vo ve nữa?
Có thể làm anh chị cô thấu hiểu những vết thương sâu hoắm của đứa em gái bé bỏng đã bị biến thành nô lệ tình dục ngay trong gia đình mình?
Có thể trả cho cô vị trí của một cô con dâu bình thường như muôn cô con dâu khác, trong ánh mắt của cha mẹ chồng?
Không, những lời nói của tôi không thể làm được điều đó.
Không ai có thể thấu hiểu được những đau thương đi suốt cuộc đời của một nạn nhân bị xâm hại tình dục.
Trong một lần lên vùng rừng núi đi tìm những đứa trẻ bị xâm hại để xin mang chúng về mái ấm Nhịp cầu hạnh phúc nuôi nấng, chúng tôi đã có những cuộc nói chuyện kỳ lạ, những quyết định kỳ lạ.
Đó là khi đứa trẻ sinh sống sâu trong một vùng heo hút hẻo lánh, nhưng vẫn sống với gia đình sau tai nạn đó, chúng tôi thống nhất không đến đưa nó về mái ấm nữa.
Vì ở đó, việc đứa bé bị hãm hiếp chỉ là một thông tin rất nhỏ trong mối quan tâm thường nhật. Gia đình và hàng xóm coi việc đó như một tai nạn, như ngã xe, như bị chó cắn.
Đứa bé có thể thản nhiên sinh con và gia đình sẽ giúp nó nuôi con. Khi nó lớn lên nữa, một chàng trai nào đó sẽ lấy nó làm vợ. Tai nạn đã qua chỉ là một sự cố, rồi nó sẽ quên đi và nhạt hẳn. Vì một vết thương nếu được chăm sóc đúng cách, hoặc, cứ bỏ kệ nó cũng được, nó có thể tự lành.
Nhưng trong một môi trường khác, có quá nhiều tò mò, vết thương đó sẽ liên tục chảy máu.
Chúng tôi đã ngay lập tức đưa một bé gái khác về mái ấm Nhịp cầu hạnh phúc, mặc dù bé đang sống với cả mẹ và ông bà ngoại, tình cảm gia đình không hề thiếu thốn.
Vì hàng xóm quanh đấy đã kéo đến như trẩy hội khi biết có những người ở xa đến tận quả đồi hoang vắng này để thăm bé.
Họ lũ lượt kéo vào nhà, ngồi xung quanh, ngắm nhìn bé chòng chọc, cố đụng chạm vào bé như để khẳng định tin đồn là thật, cân đo bé bằng mắt, bô bô nhận xét trước mặt bé là bé gầy quá nhưng cũng xinh, thảo nào và thằng kia to như con gấu. Thô bạo hơn nữa, họ yêu cầu bé kể lại chuyện bị hãm hiếp như thế nào, và phải kể tỉ mỉ mọi chi tiết.
Họ sẽ chăm chú lắng nghe, gật gù hoặc ồ lên với từng chi tiết, phẫn nộ mắng chửi và lau nước mắt. Sau khi thỏa mãn sự tò mò, họ xoa đầu đứa bé, để lại ít tiền, nói nó thôi ráng nghe con, thoải mái ra về, khỏe nhẹ vì đã thể hiện lòng tốt, và nóng lòng mang câu chuyện vừa nghe được đi kể cho những lòng tốt đang háo hức khác.
Trong vài chục trường hợp mà tôi biết, nhất là tại các vùng dân cư đông đúc, hầu như nạn nhân đều không thể tiếp tục sống tại nhà được nữa. Hàng xóm xì xào, bạn trong trường nhòm ngó. Đôi khi chúng sẽ là nạn nhân của những vụ tấn công tiếp theo, vì những kẻ ấu dâm chưa lộ mặt nghĩ rằng đến lượt hắn, hắn cũng có thể thử một lần.
Tôi không thể quên ánh mắt sợ hãi của một cô bé lên 8 tuổi bị cha ruột hãm hiếp suốt một năm trời. Mặc dù xung quanh bé không ai nhắc lại điều này và chính bé, không hỏi ai, một mình tự đi đến công an tố cáo tội ác.
Ai cũng thán phục sự hiểu biết và dũng cảm của cô bé. Nhưng khi tôi quàng tay ôm lấy con, bé nép sát vào lòng tôi mà cứ vô thức nhìn nhớn nhác ra chung quanh.
Bé sợ, bạn ơi, giữa thanh thiên bạch nhật, nép trong vòng tay của một người bảo vệ mà bé vẫn run rẩy không ngừng. Bé nghĩ người cha ấy vẫn bất thình lình có thể xuất hiện ngay đây để tiếp tục hãm hại.
Tôi trào nước mắt.
Bạn đã từng khép những ngón tay quanh một chú chim sẻ nhỏ rơi từ ổ của nó xuống, nghe nó vùng vẫy trong lòng bàn tay mình và trái tim nhỏ xíu của nó đập điên cuồng như muốn vỡ?
Bạn yêu thương và muốn che chở nó, nhưng bạn chẳng thể làm gì ngay lập tức để trái tim đó đập nhẹ nhàng trở lại. Đôi khi, trước những nỗi đau đớn như thế của con trẻ, người lớn chúng ta thấy mình bất lực.
Con số 1.000 trường hợp xâm hại tình dục trẻ em mỗi năm, tương đương với trung bình mỗi ngày 3 trẻ em bị xâm hại tình dục được đưa ra tại hội nghị quốc gia về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội lần thứ 3 vào cuối tháng 11 vừa qua, vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Phần đau đớn nhất không diễn ra tại phiên tòa. Do Việt Nam chưa có cơ chế tư vấn tâm lý cho những nạn nhân bị xâm hại tình dục, nên sau khi kẻ thủ ác vào tù, cuộc chiến của những nạn nhân vẫn diễn ra âm thầm và khốc liệt.
Nghiên cứu của UNICEF, Bộ Công an và Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đưa ra cảnh báo có những nạn nhân bị xâm hại tình dục không được chăm sóc tinh thần sẽ gặp nguy cơ cao trở thành gái mại dâm hoặc kẻ bạo lực, hoặc tiếp tục đi xâm hại tình dục người khác.
Họ rất khó đứng lên vì mặc cảm bản thân đã làm điều nhơ nhuốc, có tội, mất hoàn toàn giá trị.
Những chấn thương đó sẽ không thể chữa lành nếu họ chứng kiến một kẻ đã từng bị kết tội xâm hại tình dục nhưng chưa hề hối lỗi đã lại hoan hỉ, nhơn nhơn sống cuộc đời hào nhoáng giữa sự tung hô của cộng đồng, như chưa từng có điều ác đã xảy ra.