Những tai biến chết người khi tập thể dục

An Quý |

Huyết áp tăng giảm bất thường, thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp, hen suyễn, co thắt phế quản do gắng sức, rối loạn chức năng dây thanh… có thể xuất hiện lúc gắng sức ở cường độ vận động thấp, dẫn tới tai biến, thậm chí tử vong khi gắng sức tập nặng hay thi đấu thể thao.

Các bác sĩ thuộc đơn vị Hô hấp, Dị ứng và Miễn dịch Lâm sàng (Phòng khám BV ĐH Y Dược 1) khuyến cáo, trong nhiều năm qua, các tai biến xảy ra trong lúc vận động đã được cảnh báo ngày càng nhiều, đáng tiếc nhất là những trường hợp đột tử mà trước đó bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện đáng ngờ.

Trong khi đó, hiện nay, nhiều phòng tập thể dục, phòng gym, yoga… xuất hiện như nấm sau mưa. Phần lớn người đến tập chỉ quan tâm giá cả, chất lượng máy móc, thiếu đi những đánh giá chuyên môn về hệ tim mạch, hô hấp, thần kinh cơ và chuyển hóa lúc nghỉ ngơi, bắt đầu vận động nhẹ tới vận động cường độ cao.

Những tai biến chết người khi tập thể dục - Ảnh 1.

Tập luyện thể thao giúp con người khỏe mạnh, sống lâu hơn, nhưng muốn an toàn trong khi vận động phải hiểu rõ giới hạn của bản thân

Những bệnh lý chỉ xuất hiện lúc gắng sức

Một bệnh nhân nam mới 41 tuổi đến khám với lời than phiền “mệt, khó thở khi vận động”. Các bác sĩ đã chỉ định thực hiện nghiệm pháp gắng sức tim mạch - hô hấp để xác định nguyên nhân.

Chỉ sau 2 phút đạp xe tốc độ vừa phải, huyết áp của bệnh nhân tăng lên 131, đến phút thứ tư lên 150 – 160, phút thứ 6 huyết áp tăng 174 và phút thứ 8, huyết áp của bệnh nhân là vọt lên 218.

ThS. BS. Võ Trần Thiên Quân, BVĐH Y Dược 1 cho biết.“Tăng huyết áp ngay ở giai đoạn sớm của tập luyện ở vận động cường độ nhẹ như bệnh nhân này dễ tăng nguy cơ xuất huyết não.

Một trường hợp 37 tuổi khác chúng tôi tiếp nhận lại bị hạ huyết áp khi gắng sức, trong tương lai, khi vận động mạnh, bệnh nhân dễ chóng mặt, khó chịu, dễ ngất và nguy cơ cao bị chấn thương do té ngã,”

Một số ca khác khi sử dụng nghiệm pháp gắng sức tim mạch – hô hấp (Cardiopulmonary Exercise Testing - CPET), các bác sĩ phát hiện một số trường hợp có dấ hiệu thiếu máu cơ tim khi vận động, rối loạn nhịp tim khi vận động, co thắt phế quản khi gắng sức.

BS. Thiên Quân cho biết thêm, một bệnh nhân nam khác mới 26 tuổi thường có cảm giác “ngộp thở” khi ngủ, khi gắng sức. Qua các xét nghiệm như siêu âm tim, đo hô hấp ký và CPET, bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn chức năng dây thanh.

Hay ca bệnh nhi (10 tuổi) từng được chẩn đoán bị hen suyễn và đã được điều trị, với triệu chứng ho khò khè, tuy nhiên sau khi được khám và làm các xét nghiệm đặc biệt, bệnh nhân được chẩn đoán có bất thường ở phế quản.

Điều đáng khuyến cáo hơn nữa, theo các bác sĩ, bệnh nhân phần lớn đều còn rất trẻ, không có bất cứ một triệu chứng cảnh báo bệnh lý trước đó.

Thậm chí, nhiều người đã có những bất thường trên CPET như rối loạn nhịp, thiếu máu cơ tim, tăng huyết áp... nhưng vẫn khăng khăng họ vẫn còn có thể tăng cường độ vận động và chưa cảm thấy mệt nhiều.

Những tử vong đáng tiếc trong vận động và thi đấu

PGS. TS. BS. Lê Thị Tuyết Lan, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, nhiều tai biến khi vận động đã xảy ra không chỉ trong nước mà cả ở những sân vận động nước ngoài. Luis Miguel Lastra (cầu thủ đội bóng Cuidad Jardin, Tây Ban Nha) ngã xuống khi đang luyện tập và đã chết vì bệnh tim.

Còn tại Việt Nam, vận động viên xe đạp địa hình Đỗ Xuân Tâm đã chết ngay trên đường đua vì trụy tim. Hay đội trưởng CLB hạng nhì Quân khu 4, Trần Nam Trung (sinh năm 1974) bất ngờ ngất lịm, đột quỵ. Cầu thủ bóng rổ Diệp Phước Lộc (28 tuổi, đội Sóc Trăng) cũng đã bị đột quỵ vì nhồi máu cơ tim. Mới đây nhất, trên đường chạy HCMC Marathon 2019, chàng trai 23 tuổi Võ Văn Thơm (Bình Thuận) cũng ra đi mãi mãi.

Những tai biến chết người khi tập thể dục - Ảnh 2.

Kiểm tra sức khỏe trước khi tập luyện sẽ bảo vệ bản thân trước những bệnh lý tiềm ẩn như tim mạch, co giãn phế quản, huyết áp bất thường...

PGS. Tuyết Lan khuyến cáo, rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những tai biến này như tâm lý coi thường hay tùy tiện trong việc chọn địa điểm và các phương tiện, giày dép cũng như trang bị tập luyện; điều kiện khí hậu và vệ sinh không phù hợp như sân bãi, dụng cụ thi đấu tập luyện không được vệ sinh sạch sẽ, ánh sáng không đảm bảo (tối hoặc chói sáng), độ ẩm môi trường tập quá cao…

“Đặc biệt, người tập luyện vi phạm các nguyên tắc kiểm tra y học. Đây là nguyên nhân dẫn đến 10% các trường hợp tử vong khi vận động.

Tập luyện, thi đấu thể thao không qua kiểm tra y học, không theo chỉ dẫn của bác sĩ, một trong những khâu còn khá yếu của y học thể thao Việt Nam. Người tập luyện và thi đấu thể thao trong tình trạng thể lực chưa tốt, chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện các động tác khó,” BS. Tuyết Lan cho biết.

Chúng ta dường như còn mù mờ khi không biết rằng mình thuộc nhóm nào khi muốn tập luyện với các đánh giá như: bạn có đang tập luyện thường xuyên không? Bạn có đang mắc bệnh tim mạch, hô hấp, chuyển hóa (đái tháo đường) hay bệnh thận không? Bạn có triệu chứng gợi ý bệnh tim mạch, hô hấp, chuyển hoa, hay thân không?

Theo đó, sẽ có 8 nhóm:

1, Khỏe mạnh, đang tập luyện

2, Đang luyện tập, có triệu chứng bệnh lý

3, Có bệnh lý được kiểm soát, đang luyện tập

4, Có bệnh chưa kiểm soát, đang luyện tập

5, Khỏe mạnh, không luyện tập

6, Không luyện tập, có triệu chứng bệnh lý

7, Có bệnh lý được kiểm soát, không luyện tập

8, Có bệnh lý chưa được kiểm soát, không luyện tập

Theo đó, các bác sĩ khuyến cáo: nhóm 1 có thể tiếp tục tập luyện với cường độ vừa - cao, nhóm 2 tập với cường độ trước đó, nhóm 3 tiếp tục tập luyện với cường độ vừa. Nhóm 4 và nhóm 8 cần xây dựng một chương trình tập luyện theo tư vấn của bác sĩ. Các nhóm còn lại vẫn tập luyện, nhưng với cường độ nhẹ - vừa.

Phát hiện sớm bệnh lý, an tâm tập luyện

Để đảm bảo xây dựng chương trình tập luyện an toàn, tối ưu, phù hợp cho từng người, mỗi cá nhân (đặc biệt những đối tượng có nguy cơ tim mạch, hô hấp, ít tập luyện hay tập luyện thường xuyên với cường độ cao) nên hiểu rõ các giới hạn của bản thân trước khi tập luyện.

Bên cạnh đo điện tim gắng sức, nghiệm pháp gắng sức tim mạch - hô hấp (1,6 triệu đồng/lần đo). giúp các chuyên gia phát hiện sớm bệnh lý thông qua các bước: gắng sức tăng dần, theo dõi trao đổi khí, lưu lượng khí; kết hợp điện tim, huyết áp, độ bão hòa oxy…; triệu chứng của người đo (khó thở, đau ngực…).

Qua đó, bác sĩ có thể đánh giá hệ tim mạch, hô hấp, chuyển hóa và thần kinh - cơ; xây dựng chương trình luyện tập phù hợp.

Những tai biến chết người khi tập thể dục - Ảnh 3.

... Để có những bài vận động phù hợp mang lại hiệu quả, an toàn

BS. Trần Quốc Tài, đơn vị Hô hấp, Dị ứng và Miễn dịch Lâm sàng, ví dụ: “một nhà kinh doanh 35 tuổi với mới tới thành phố 2 tuần và muốn trở thành thành viên của một câu lạc bộ gym. Ông hay đạp xe đường dài trong 4 tháng vừa qua. Trong thời gian gần đây, ông thấy hơi thắt ngực khi gắng sức nhiều”

“Đây là một người đang tập luyện thường xuyên, có triệu chứng gợi ý bệnh lý nhưng mong muốn tập luyện với cường độ cao để giữ gìn vóc dáng. Ông cần đi khám sức khỏe để xác định nguy cơ của bệnh tim mạch, và dựa vào đó để có những chương trình tập luyện thích hợp như có cần theo dõi trong tất cả các buổi tập không, bệnh nhân tập môn thể thao nào như chạy bộ, đạp xe… Khối lượng tập, thời gian tập bao lâu… sẽ được cá thể hóa,” BS. Tài giải thích.

BS. Tài cũng nhấn mạnh, bất cứ một bài tập nào, dù nhẹ hay nặng, cũng cần 3 giai đoạn:

- Khởi động: 5 - 10 phút, co giãn, cử động linh hoạt… làm tần số tim tăng dần tới đích

- Tập luyện: ≥ 20 phút, tối ưu 30 – 45 phút hoạt động hiếu khí liên tục hay không liên tục

- Làm nguội: 5 - 10 phút, tập cường độ thấp và hồi phục từ từ

Các chuyên gia khuyến cáo phải kiểm tra sức khỏe cho người tập luyện và kiểm tra y học cho vận động viên trước khi cho phép hoặc khuyến khích nên tập luyện môn thể thao nào cho phù hợp với từng người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại