Nữ hoàng Ai Cập... không phải là người Ai Cập
Người phụ nữ trị vì Ai Cập lại có xuất thân từ… Hy Lạp
Theo lịch sử Macedonia, Cleopatra là hậu duệ của triều đại Ptolemaic, được khai sinh bởi Ptolemy I, một tướng dưới quyền Alexander Đại Đế. Sau cái chết của Alexander Đại Đế vào năm 323 TCN, Ptolemy I lên nắm quyền và triều đại Ptolemys đã cai trị Ai Cập trong 300 năm. Như vậy, tổ tiên Cleopatra thực ra là người Hy Lạp.
Bà là kết quả của một cuộc hôn nhân cận huyết
Kết hôn cận huyết là một phương thức bảo toàn quyền lực phổ biến ở cả phương Đông và phương Tây
Trong thần thoại Ai Cập, thần Osiris kết hôn với chị gái Isis của mình để duy trì sự thuần khiết của dòng máu hoàng gia. Tuy nhiên, họ là những vị thần nên việc này không thực sự là vấn đề, cho đến khi các vị pharaoh Ai Cập "học tập" phong cách này.
Triều đại Ptolemys xem việc kết hôn cận huyết là một điều hết sức bình thường. Vua Ptolemy XII đã kết hôn với em gái mình và sinh ra Cleopatra. Để tiếp nối "truyền thống gia đình", bà lại kết hôn với hai người em trai trong nhà.
Nữ hoàng có thể không xinh đẹp như đồn đại
Nghĩ tới Nữ hoàng Ai Cập, người ta thường liên tưởng đến một nhan sắc không thể tầm thường
Trong hầu hết các tác phẩm nghệ thuật, Cleopatra được miêu tả là một giai nhân sắc nước hương trời. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng điều này khó có thể xảy ra khi bà mang một huyết thống loạn luân phức tạp đến vậy. Tháng 2 năm 2007, một đồng xu được khai quật có khắc chân dung của Cleopatra đã xác nhận dung nhan của bà trông khá bình thường.
Điều khiến bà lấy được lòng người, không phải là nhan sắc, mà là sự khéo léo, khôn ngoan. Bà thông thạo toán học, y học, giả kim thuật, kinh tế, lịch sử, địa lý và nhiều ngoại ngữ.
Bà liên quan đến cái chết của ba người anh chị em ruột
Cleopatra đã quyến rũ Caesar, mượn tay ông trừ khử những ai cản đường mình
Luật lệ Ai Cập cổ đại cho phép các pharaoh trị vì theo cặp, nghĩa là ngoài một người ngự trên ngai vàng còn cần thêm một người khác giới đồng nhiếp chính.
Cleopatra đã cùng cha là Ptolemy XII cai trị đất nước một thời gian ngắn trước khi ông qua đời vào năm 51 TCN. Theo ý nguyện của ông, Cleopatra nên kết hôn với anh trai của bà là Ptolemy XIII để đồng nhiếp chính. Nhưng hai anh em luôn tìm cách triệt hạ nhau để kiểm soát ngai vàng.
Cleopatra đã cầu cứu sự giúp đỡ của Julius Caesar để triệt hạ người anh của mình. Sau đó, vì ràng buộc của tục lệ đồng nhiếp chính, bà phải kết hôn với người anh trai còn lại. Khi đã sinh được con trai và để đưa con lên làm đồng nhiếp chính, bà đã sát hại cả chồng mình. Năm 41 TCN, bà khử được đối thủ cuối cùng là người chị gái Arsinoe.
Viền mắt đen của nữ hoàng không đơn giản chỉ là để trang điểm
Phong cách kẻ mắt của Cleopatra vẫn rất "thời thượng" ngay ở thời hiện đại
Viền mắt đen và dài tạo nên vẻ đẹp đầy bí hiểm cho nữ hoàng sông Nile vẫn còn là nguồn cảm hứng bất tận cho kĩ thuật làm đẹp hiện đại. Tuy nhiên, viền mắt đen – còn gọi là kohl – không được nữ hoàng sử dụng như một lớp trang điểm.
Thực tế thì bà xem nó như một phương thức bảo vệ mắt. Nhiễm trùng mắt thường xảy ra ở Ai Cập cổ đại vì những hạt không khí từ sông Nile rất dễ bay vào mắt và gây viêm. Vị nữ hoàng thông minh đã nghĩ ra cách bôi một lớp chì quanh mắt để kháng khuẩn.
Bà hoàng của những hương thơm "chết người"
Người ta thậm chí còn gọi bà là phù thủy bởi những hương thơm có thể sai khiến tâm trí người khác
Cleopatra là một bậc thầy trong lĩnh vực điều chế hương liệu. Người ta cho rằng bao nhiêu người đàn ông si mê bà cũng chính là vì mùi hương vô cùng quyến rũ của bà. Một mùi hương đặc biệt sẽ làm đàn ông chìm đắm, đê mê.
Nữ hoàng thậm chí còn sở hữu và điều hành một lò luyện nước hoa bên bờ Biển Chết gần Ein Gedi. Một số công thức nước hoa của Cleopatra được ghi lại trong một cuốn sách có tựa Gynaeciarum Libri. Nhưng không may, nó đã cháy rụi trong thư viện Alexandria.
Bà tự xưng là hiện thân của nữ thần Isis
Isis là một trong những vị thần cổ đại nhất của Ai Cập
Hầu hết các vị vua chúa thời xưa đều tự cho mình là một đấng thần thánh, thậm chí là ông Trời. Cleopatra đã tự xưng mình nữ thần Isis tái sinh trên mặt đất. Không kém cạnh người yêu, Mark Antony cũng tự nhận là hiện thân của thần Osiris. Việc thần thánh hóa bản thân giúp họ lôi kéo được sự tôn thờ, súng bái tối đa từ dân chúng.
Cleopatra không chết do rắn độc cắn
Đây là câu chuyện nổi tiếng nhất được lưu truyền về nữ hoàng
Giai thoại nổi tiếng nhất về Cleopatra lại không xoay quanh cuộc đời bà, mà lại là về cái chết của bà. Theo đó, khi nghe tin bại trận, bà điềm tĩnh viết thư tuyệt mệnh, đưa cho một người lính, và sau đó tự sát bằng một con rắn độc.
Các nhà sử học không chấp nhận giả thuyết này. Sử sách xưa ghi chép lại rằng nữ hoàng đã chết chỉ sau vài phút, nhưng thực tế thì nọc độc của rắn Ai Cập phải mất vài giờ để phát huy tác dụng, thậm chí có trường hợp không đủ để gây chết người. Họ cho rằng có thể bà đã uống thuốc độc, còn câu chuyện về con rắn chỉ được thêu dệt cho thêm phần kịch tính.
Vị pharaoh cuối cùng của Ai Cập
Công lao của Cleopatra vẫn được người dân Ai Cập ghi nhớ
Nhiều người vẫn công nhận rằng những việc mà Cleopatra làm, dù đôi khi hơi tàn nhẫn, đều là vì đất nước của mình.
Bà đã cố duy trì nền độc lập của Ai Cập trước bao nhiêu ý đồ xâm lăng của các đế chế hùng mạnh. Nhưng tiếc thay, giấc mơ đó cũng đã ra đi sau cái chết của bà.
Sau khi thắng trận, Octavian nắm quyền kiểm soát và biến Ai Cập thành một tỉnh của Rome, kết thúc thời đại vàng son của các pharaoh. Người La Mã ra sức bôi nhọ Cleopatra, gọi bà là một ả chuyên giở những trò phù thủy mê hoặc, điều khiển đàn ông để nắm quyền, là "sự xấu hổ của Ai Cập".
Nữ hoàng đã yên nghỉ bên người tình là Mark Antony
Thi hài của họ được cho là đang bị vùi lấp đâu đó dưới một ngôi đền
Cleopatra và Antony có thể đã không chết cùng nhau, nhưng người ta gần như chắc chắn họ được chôn cất bên nhau.
Một vài nhà khảo cổ học nghĩ rằng họ đang bị chôn vùi dưới ngôi đền Taposiris Magna – chốn được cho là nơi an nghỉ của thần Osiris. Cleopatra vốn luôn tự xem mình và Antony là những hiện thân sống của Isis và Osiris, nên ngôi đền này có vẻ là điểm dừng chân lý tưởng dành cho họ.
Nguồn: Grunge