Nhưng đó chưa phải là tất cả. Bộ xương của chúng ta còn thường xuyên tự…"đập đi xây lại" cho phù hợp với hoạt động thường ngày, và quá trình này diễn ra ở cấp độ tế bào, gọi là quá trình "remodelling" – dịch nôm na là "tái tổ chức".
Dưới đây là một số sự thật thú vị khác về bộ xương người, theo tổng hợp từ trang ScienceAlert.
1. Không phải ai cũng có 206 xương
Sách giáo khoa dạy chúng ta rằng bộ xương người có 206 xương. Nhưng trẻ sơ sinh khi ra đời có đến hơn 300 xương, cấu thành từ sụn, sau đó dần dần khoáng hóa trong vài năm đầu đời, và một số xương sẽ ghép lại với nhau để còn lại con số 206 nói trên.
Một số người lại sinh ra với một vài xương phụ, như cặp xương sườn số 13 hoặc một ngón tay dư. Một số người thậm chí còn phát sinh thêm xương trong suốt cuộc đời.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy "fabella", một miếng xương nhỏ hình hạt đậu nằm ở sau đầu gối, đang ngày một lớn hơn vì chế độ dinh dưỡng của con người được cải thiện, và bản thân chúng ta thì ngày một nặng hơn.
2. Bộ xương người liên tục thay đổi chiều cao
Tốc độ thay đổi chiều cao diễn ra nhanh nhất trong năm đầu tiên khi con người vừa sinh ra, và chúng ta đạt được chiều cao như người trưởng thành ở giai đoạn từ giữa đến cuối tuổi teen. Nhưng ngay cả khi bộ xương đã ngừng phát triển, chiều cao của chúng ta vẫn có thể thay đổi.
Ở các khớp (nơi hai xương gặp nhau), có một lớp sụn bọc các xương. Sụn là một lớp mô mềm cấu tạo từ nước, collagen, proteoglycan và tế bào.
Trong ngày, sụn, đặc biệt là sụn nằm trong xương sống, bị đè nén bởi trọng lực. Có nghĩa là ban ngày, bạn sẽ thấp hơn một chút. Khi đi ngủ, sụn sẽ trở lại kích cỡ ban đầu của nó.
Trong không gian không có trọng lực, do đó các phi hành gia có thể sẽ cao lên đến 3% sau một thời gian sống trong môi trường này.
Và không chỉ sụn – ngay cả xương cũng ngắn đi trong quá trình va chạm. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng quá trình va chạm khi chạy bộ sẽ khiến "tibia" – xương chày (hay xương ống chân) – tạm thời bị ngắn đi 1mm.
3. Mọi xương đều gắn kết với nhau, trừ một cái
Xương hông kết nối với xương đùi, điều đó ai cũng biết. Nhưng không phải mọi xương trong bộ xương người đều kết nối với nhau. Ngoại lệ duy nhất chính là xương móng.
Vị trí xương móng
Xương móng, có hình chữ U, nằm ở gốc lưỡi và được giữ cố định bởi các cơ và dây chẳng ở gốc hộp sọ và xương hàm ở phía trên. Xương này cho phép con người (và các tổ tiên người Neanderthal của chúng ta) nói chuyện, thở, và nuốt.
Xương móng rất hiếm khi bị gãy. Nếu quá trình khám nghiệm tử thi phát hiện ra dấu vết nứt gãy, chỉ có 2 nguyên nhân: nạn nhân bị bóp cổ hoặc treo cổ.
4. Tủy xương không đơn thuần chỉ để lấp đầy khoảng trống
Những loại xương dài, như xương đùi, bên trong chứa đầy tủy cấu tạo từ các tế bào chất béo, tế bào máu, và tế bào miễn dịch.
Ở trẻ em, tủy xương có màu đỏ, phản ánh vai trò của nó trong việc tạo nên các tế bào máu. Ở người trưởng thành, tủy xương có màu vàng và chứa 10% tổng lượng mỡ trong cơ thể.
Từ lâu người ta đã nghĩ rằng các tế bào chất béo trong tủy xương chỉ ở đó để lấp đầy khoảng trống mà thôi, nhưng các nhà khoa học ngày nay đã khám phá ra rằng chất béo bên trong xương có các chức năng trao đổi chất và nội tiết quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể người.
5. Các xương nhỏ nhất nằm trong tai
Các xương nhỏ nhất trong cơ thể người là xương búa (malleus), xương đe (anvil), và xương bàn đạp (stapes). Các xương này được gọi chung là "ossicles" – tiếng Latin của "những mẩu xương tí hon", và vai trò của chúng là truyền tải rung động âm thanh từ không khí vào chất dịch ở tai trong.
Chúng không chỉ là các xương nhỏ nhất trong cơ thể mà còn là các xương duy nhất không tái tổ chức sau 1 tuổi. Một sự thay đổi nhỏ trong hình dạng của các xương này có thể ảnh hưởng đến thị giác của chúng ta.
Các xương nhỏ này còn quan trọng trong các hoạt động khảo cổ và pháp y. Bởi chúng hình thành khi chúng ta còn ở trong tử cung, kết quả phân tích đồng vị có thể cho chúng ta biết thông tin liên quan chế độ ăn uống và sức khỏe của người mẹ trong các bộ xương người chưa rõ lai lịch.
6. Xương khiến bạn bị stress
Trong cơ thể người, hệ thần kinh giao cảm là cơ chế mà cơ thể chúng ta dựa vào đó để sẵn sàng đối phó với các tình huống căng thẳng. Nó thường được gọi là "phản ứng chiến-hay-chạy" (phản ứng chống stress) và có mối liên hệ với việc tiết ra hormone adrenaline khi rơi vào một tình huống stress.
Nhưng gần đây, các nhà nghiên cứu đã xác định được osteocalcin, một hormone tiết ra bởi các tế bào hình thành xương, đóng một vai trò quan trọng trong phản ứng chống stress này.
Những chú chuột được nhân giống không có khả năng sản xuất osteocalcin sẽ không có phản ứng chiến-hay-chạy trong các tình huống căng thẳng so với những chú chuột thông thường.
Các nhà khoa học còn tìm hiểu về mức độ osteocalcin trong con người, và họ thấy rằng mức độ chất này trong máu và nước tiểu tăng lên sau khi người tham gia nghiên cứu gặp stress. Chưa hết, họ chỉ ra rằng osteocalcin đã "tắt" đi cơ chế nghỉ ngơi-và-tiêu hóa đối giao cảm, vốn là cơ chế cho phép kích hoạt phản ứng chiến-hay-chạy.
Quả là thú vị! Từ trước đến nay, chúng ta chỉ biết rằng chức năng vật lý của xương là nhằm bảo vệ cơ thể con người – ví dụ, xương sườn bảo vệ những cơ quan quan trọng nhất của chúng ta – nhưng hóa ra, xương còn có vai trò sinh lý trong việc giữ cho chúng ta được an toàn nữa.