Kính viễn vọng không gian James Webb
Nhờ có Kính viễn vọng không gian James Webb, chúng ta hình dung được hình ảnh những nơi tận cùng của vũ trụ. Kính James Webb là “sự thay thế công nghệ” của Kính viễn vọng không gian Hubble.
Kính James Webb có khối lượng khoảng 6,5 tấn, nhẹ hơn Kính Hubble khoảng một nửa. Nhiện vụ chủ yếu của Kính James Webb là thực hiện các quan sát trong quang phổ cận hồng ngoại, giúp các nhà khoa học nhìn xa hơn trong vũ trụ, tức là nhìn sâu hơn vào quá khứ vũ trụ.
Dự kiến Kính viễn vọng không gian James Webb giúp chúng ta quan sát được các ngôi sao đầu tiên sau Vụ nổ lớn, hiểu rõ hơn các quá trình hình thành thiên hà và các hệ sao.
Dự kiến thời gian khởi động của Kính viễn vọng không gian James Webb: Tháng 4/2021.
Sứ mệnh AIDA - DART và Hera
AIDA là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Asteroid Impact and Deflection Assessment (Đánh giá độ lệch và va chạm thiên thạch). Đây là dự án nghiên cứu của NASA và ESA, bao gồm 2 sứ mệnh.
Mục tiêu của dự án này là kiểm tra trên các mô hình lý thuyết khả năng dùng tàu vũ trụ làm chệch quỹ đạo bay của thiên thạch có nguy cơ va vào Trái đất.
Tàu vũ trụ thứ nhất – DART, sẽ được hướng thẳng tới hệ thiên thạch 65803 Didymos (gồm 2 thiên thạch Didymos A, đường kính 780 m; Didymos B, đường kính 160 m) và va chạm với thiên thạch nhỏ hơn (Didymos B). Hệ thiên thạch Didymos được xem là một trong những đối tượng ở gần Trái đất, có nguy cơ va chạm với hành tinh của chúng ta.
Vài năm sau vụ va chạm của DART với bề mặt Didymos B, tàu vũ trụ thứ hai – Hera, sẽ được phóng về hướng hệ thiên thạch. Nhiệm vụ của Hera là đánh giá và phân tích chính xác hiệu quả của cú va chạm.
Dự kiến thời gian khởi động của DART: 22/7/2021.
Dự kiến thời gian khởi động của Hera: Từ năm 2024 - 2027.
Dự án Artemis
Mục tiêu của dự án Artemis là đưa người quay trở lại Mặt trăng. Nếu tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch, trong khuôn khổ sứ mệnh Artemis 3 (dự kiến khởi động vào năm 2024), một nữ phi hành gia đầu tiên sẽ đặt chân lên Thiên cầu Bạc.
Artemis là một dự án quốc tế, trong đó có sự tham gia của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA) và Cơ quan Vũ trụ Australia (ASA).
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) dẫn dắt toàn bộ chương trình, tuy nhiên nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, thì thành công sẽ mang tính quốc tế. Mục tiêu chủ yếu của sứ mệnh Artemis là chuẩn bị cho sự tồn tại lâu dài của con người trên Mặt trăng. Sự khởi động kinh tế Mặt trăng cũng sẽ là giai đoạn cơ bản trong khai thác các khu vực khác của Hệ Mặt trời, đặc biệt là trong các sứ mệnh có phi hành đoàn lên sao Hỏa.
Artemis không chỉ là dự án đưa người quay trở lại Mặt trăng, mà quy mô của nó lớn hơn nhiều. Chẳng hạn, trong khuôn khổ dự án Artemis, một trạm quỹ đạo tương tự Trạm Vũ trụ quốc tế ISS sẽ được xây dựng trên quỹ đạo Mặt trăng. Tên của nó là Lunar Gateway.
Tuy nhiên, để có Lunar Gateway, chúng ta phải chờ một thời gian. Những module đầu tiên của trạm này sẽ được sản xuất không sớm hơn năm 2026, do đó việc đưa được chúng lên quỹ đạo quanh Mặt trăng còn diễn ra muộn hơn nữa.
Vào năm 2021, sứ mệnh Artemis 1 sẽ được khởi động. Đây là chương trình thử nghiệm tàu vũ trụ Orion không có phi hành đoàn. Trong tương lai, tàu Orion được sử dụng để đưa người lến Mặt trăng.
Sứ mệnh tiếp theo, Artemis 2, sẽ là sứ mệnh có phi hành đoàn. Tuy nhiên, lần này, tàu Orion không đổ bộ xuống Mặt trăng mà bay trên quỹ đạo Mặt trăng.
Năm 2024 là năm đặc biệt quan trọng đối với dự án Artemis, khi sứ mệnh Artemis 3 được khởi động với nhiệm vụ đưa con người quay trở lại Mặt trăng.
Dự kiến, thời gian khởi động dự án Artemis: Năm 2021 (đối với Artemis 1), năm 2023 (đối với Artemis 2) và năm 2024 (đối với Artemis 3).
Drone cánh quạt trên vệ tinh Titan
Dự án Artemis.
Mục tiêu của dự án Dragonfly là đưa thiết bị bay tự động (drone) với hệ thống cánh quạt và 8 động cơ lên Titan – vệ tinh lớn nhất của sao Thổ. Drone này hoạt động nhờ năng lượng hạt nhân.
Thiết bị bay Dragonfly có khả năng nghiên cứu nhiều khu vực trên bề mặt vệ tinh Titan, đồng thời tìm kiếm các quá trình hóa học thể hiện khả năng hình thành các dạng sống rất đơn giản.
Chúng ta không biết liệu các dạng sống phức tạp hơncó thể tồn tại trong những điều kiện cực đoan trên Titan hay không (nhiệt độ bề mặt: - 179 độ C; các hồ không chứa nước mà chứa methane lỏng).
Tại sao Titan lại được các nhà thiên văn học quan tâm nhiều? Về một mặt nào đó, Titan giống với Trái đất thời còn rất non trẻ. Nghiên cứu vệ tinh Titan có thể giúp chúng ta tìm được câu trả lời cho câu hỏi: Sự sống đã hình thành như thế nào?
Dự kiến thời gian khởi động dự án Dragonfly: Tháng 4/2026.