Theo dự thảo Luật sau chỉnh lý, tiếp thu, tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân được đề nghị giữ như hiện hành, tức 5%. Giới hạn cho cổ đông là tổ chức (gồm cả số cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cho rằng, mục đích của việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần này nhằm hướng tới việc loại bỏ tình trạng sở hữu chéo, sử dụng tỷ lệ sở hữu cổ phần để thao túng, chi phối hoạt động của các tổ chức tín dụng từ một số cổ đông, nhóm cổ đông lớn.
Tuy nhiên, đại biểu An cho rằng, vấn đề điều chỉnh tỷ lệ sở hữu này không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo mà “chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ”. Đại biểu nhấn mạnh, việc khống chế tỷ lệ không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định, chưa nói đến việc có thể tạo ra rào cản ngăn dòng vốn ngoại tệ chảy vào hệ thống ngân hàng .
Trên thực tế, những trường hợp sai phạm vừa qua cho thấy tỷ lệ sở hữu thực sự của những chủ thể này cao hơn rất nhiều so với quy định thông qua các công ty con, công ty liên kết.
"Khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự như Ngân hàng SCB, bởi sở hữu chéo hay thao túng ngân hàng bản chất rất phức tạp. Nếu nhìn trên giấy tờ, nhiều cổ đông sở hữu thấp hơn tỷ lệ cho phép nhưng vẫn nắm quyền chi phối”, nhấn mạnh điều này, đại biểu đề nghị, bên cạnh việc siết tỷ lệ sở hữu, cần xem xét quy định thật chặt về điều kiện, thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan.
Đồng thời, cổ đông cần có hệ thống giám sát chéo, thiết lập một khung pháp lý cụ thể trong lĩnh vực tài chính để làm rõ cơ cấu sở hữu, chủ sở hữu thực và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm minh với những trường hợp cố ý làm trái.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, những sự cố nghiêm trọng như sự kiện ngân hàng SCB đáng lẽ rất khó xảy ra, xảy ra không tiêu cực như vậy, thiệt hại không lớn như vậy.
Theo ông, với tư cách là Ngân hàng Trung ương của Việt Nam, NHNN nên được trao quyền nhiều hơn, mạnh hơn để có thể phản ứng, xử lý nhanh nhạy, hiệu quả trước sự cố ngân hàng, giảm thiểu thiệt hại và ngăn chặn nguy cơ mất an toàn hệ thống.
Giải trình về vấn đề sở hữu chéo, thao túng, chi phối các tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, đây là vấn đề rất quan trọng, song nếu chỉ dựa vào một biện pháp thì không đủ, mà phải có sự thống nhất xuyên suốt và được tiến hành đồng bộ.
“Quy định mở rộng đối tượng liên quan, có xử lý được hết tình trạng sở hữu chéo không, như vụ SCB vừa qua, dù sở hữu cá nhân chỉ 5% nhưng người ta lại nhờ người này, mượn danh người kia đứng tên?”, theo ông Thanh, việc mở rộng đối tượng liên quan cũng là biện pháp cần thiết để kiểm soát trường hợp này.