Trong những năm gần đây, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Iran đã sản xuất một loạt các loại máy bay không người lái (UAV) tấn công cảm tử, những vũ khí được đánh giá sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về nghệ thuật chiến tranh ở Trung Đông, khu vực bất ổn nhất trên thế giới hiện nay.
Sự phổ biến của máy bay không người lái vũ trang tại Trung Đông trong thập kỷ qua là tín hiệu đáng báo động. Một số lượng đáng kể UAV do Trung Quốc sản xuất đã được Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Iraq và Jordan nhập khẩu để sử dụng trong chiến đấu.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Iran cũng tự thiết kế và sản xuất các UAV cảm tử của riêng họ và đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phát triển những phương tiện chiến đấu ngày càng tinh vi hơn bao giờ hết.
Thổ Nhĩ Kỳ
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch mua khoảng 500 UAV tấn công cảm tử Kargu-2. Với trọng lượng 15 pound (6,8 kg), loại UAV đa năng này được thiết kế để chúng có thể hoạt động theo bầy đàn khoảng 20 chiếc.
Kargu-2 có khả năng trốn tránh hoặc xâm nhập hệ thống phòng thủ đối phương để phóng đi các đầu đầu đạn nặng khoảng 3 pound (1,3 kg) tấn công mục tiêu.
Dòng UAV này có thể mang theo 3 loại đầu đạn khác nhau, mỗi loại được thiết kế để gây sát thương tối đa lên từng mục tiêu cụ thể.
Nhờ kích thước nhỏ gọn, Kargu-2 có thể hoạt động độc lập, nghĩa là chúng có thể tự tìm kiếm và tiêu diệt mục tiêu bằng thuật toán máy tính thay vì dựa hoàn toàn vào hướng dẫn của kỹ sư vận hành.
Khi định vị được mục tiêu, các UAV này có thể tăng tốc lên đến 140 km/h để tung ra đòn đánh cuối cùng.
Giám đốc điều hành của Tập đoàn Defense Technologies and Trade Inc.(STM), đơn vị chế tạo Kargu-2 tuyên bố, Kargu-2 thậm chí còn có cả công nghệ nhận dạng khuôn mặt, nghĩa là chúng có thể tìm kiếm và xác định các mục tiêu là con người và sau đó ra tay ám sát.
Công nghệ này đã tỏ ra rất hữu ích với Thổ Nhĩ Kỳ khi Ankara tiến hành các chiến dịch ám sát đối thủ là những thành viên cấp cao của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bằng các cuộc không kích chính xác trong 2 năm qua.
STM cũng cho biết, Kargu-2 được thiết kế đặc biệt cho các nhiệm vụ chống khủng bố và chiến tranh phi đối xứng. Việc sử dụng UAV cho các cuộc tấn công bầy đàn cũng có thể mang lại cho Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ một khả năng mới “làm thay đổi cuộc chơi”.
UAV Kargu-2
Israel
Israel cũng đã phát triển một loại máy bay không người lái tương tự có tên gọi “FireFly”, được thiết kế để sử dụng trong các cuộc cận chiến ở môi trường đô thị.
FireFly có đầu đạn nhỏ hơn nhiều so với Kargu-2, nặng chỉ 400 gram. Nó có khả năng gây sát thương với các đối thủ được chỉ định, chẳng hạn như quân nổi dậy sử dụng súng bắn tỉa, để yểm trợ cho nhân viên vận hành khi chiến đấu.
Khi FireFly định vị được mục tiêu, nó có thể tăng tốc độ tối đa hơn 64 km/h để thực hiện đòn tấn công cuối cùng. Dòng UAV này có thể sớm được trang bị trên xe chiến đấu bộ binh.
Ngoài ra, Israel cũng đã sở hữu một số máy bay không người lái tấn công cảm tử tương tự, chẳng hạn như Hero-30 của Uvision. Hero-30 có thể đạt tốc độ tối đa hơn 160 km/h và mang đầu đạn nặng 3 kg tấn công mục tiêu.
Một số loại UAV cảm tử có kích thước lớn hơn của Israel thường được thiết kế cho các cuộc tấn công chống phản xạ, tức là phá hủy các radar của kẻ thù để chế áp hệ thống phòng không đối phương. IAI Harpy và IAI Harop (hay Harpy 2) được thiết kế chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ này.
UAV Harop của Tập đoàn IAI Israel tại Triển lãm Paris Air Show 2013
Iran
Iran cũng đã vận hành một loạt UAV tấn công cảm từ và từng cung cấp cho một số chủ thể phi nhà nước trong khu vực.
Các UAV Ra'ad 85 của Iran được cho là có tầm hoạt động khoảng 128 km và đạt tốc độ tối đa 400 km/h.
Không giống như Kargu-2 hay Hero-30, Ra Raad 85 được thiết kế để tấn công các mục tiêu lớn hơn với độ chính xác cao. Tehran đã trình diễn các khả năng của UAV do nước này chế tạo trong các cuộc tập trận quân sự vào tháng 12/2016.
Ba tháng trước đó, Hải quân Iran cũng đã tiết lộ một máy bay không người lái khác mà giới chức Tehran tuyên bố nó có thể mang theo một lượng lớn chất nổ cho các nhiệm vụ chiến đấu, lao vào và phá hủy mục tiêu, cho dù đó là một tàu chiến hay trung tâm chỉ huy trên bờ.
UAV Qasef-1 của Houthi
Dòng UAV Ababil của Iran cũng có thể được sử dụng như những phương tiện tấn công cảm tử, đặc biệt là biến thể hiện đại nhất Ababil-3, mặc dù chức năng chính của chúng là trinh sát.
Tháng 9/2019, các UAV và tên lửa hành trình đã được Iran sử dụng để tấn công phá hủy các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia sau khi tìm cách trốn tránh được mạng lưới phòng thủ trên không của Riyadh. Cuộc tấn công đã chứng tỏ tính hiệu quả và mối đe dọa tiềm ẩn đến từ UAV sát thủ này.
Tehran còn cung cấp những UAV như vậy cho các chủ thể phi nhà nước trong khu vực, chẳng hạn như phong trào vũ trang Houthi ở Yemen hay Hezbollah ở Lebanon, giúp các lực lượng này có được những lợi thế nhất định khi đối đầu với các đối thủ có trang bị tốt hơn như Saudi Arabia và Israel.
Houthi từng vận hành UAV Qasef-1, được phát triển dựa trên mẫu Ababil-2 để tấn công các hệ thống tên lửa phòng không MIM-104 Patriot của Saudi Arabia, loại vũ khí được Riyadh trang bị để đánh chặn tên lửa đạn đạo phóng đi từ phía Nam đất nước.
Khi đã loại bỏ được các radar của Patriot, Houthi sau đó có thể tiêu diệt các tài sản của liên minh quân sự Saudi Arabia bằng hàng loạt tên lửa mà không cản trở.
Video giới thiệu UAV Orbiter 4 của Israel