Vũ trụ rộng lớn và đầy bí ẩn vốn là 1 đề tài không còn quá xa lạ đối với dòng phim khoa học viễn tưởng. Đã có quá nhiều bom tấn lớn khai thác chủ đề này, ví dụ như Interstellar, Gravity, Ad Astra hay Armageddon và không có lý do gì để các nhà làm phim phải ngừng lại trong các dự án sci-fi tương lai.
Thông thường, đội ngũ sản xuất sẽ phải nghiên cứu và tìm hiểu khá kĩ về 1 khía cạnh nhất định trong vũ trụ mà họ muốn đưa vào tác phẩm của mình. Sau đó, với tài năng của các nhà biên kịch, họ sẽ “thêm mắm thêm muối”, biến tấu để tạo ra những câu chuyện hấp dẫn nhất và đậm chất điện ảnh.
Tuy nhiên, vì vũ trụ vẫn còn là 1 ẩn số quá lớn đối với ngành khoa học thế giới, nên đôi khi những bom tấn sci-fi mắc phải sai lầm trong việc khai thác đề tài này cũng là điều không thể tránh khỏi. Và dưới đây là những nhầm lẫn cơ bản và phổ biến nhất mà không ít dự án, kể cả những bộ phim lớn, đã gặp phải.
Du hành siêu tốc trong vũ trụ
Một trong những cảnh phim yêu thích nhất của fan hâm mộ sci-fi là khi những con tàu vũ trụ hầm hố bỗng chốc “tăng ga”, di chuyển với tốc độ kinh hồn, chạm đến mức vận tốc ánh sáng, bẻ cong không gian và đi 1 quãng đường không tưởng. Toàn bộ quá trình này chỉ diễn ra trong 1 thời gian rất ngắn, cứ như thể là họ biết sử dụng phép dịch chuyển tức thời trong Bảy Viên Ngọc Rồng vậy.
Tuy nhiên, đội ngũ nghiên cứu tại Popular Mechanics đã chỉ ra rằng trong thực tế, có rất ít khả năng con người, hoặc công nghệ của hiện tại và tương lai, có thể thực hiện được điều này. Bởi khi đạt đến vận tốc quá lớn như vậy, cả con tàu không gian và những người ngồi trên đó đều sẽ bị nghiền nát ngay lập tức.
Điều này đồng nghĩa với việc những pha “tốc biến” thần sầu trong Interstellar hay Ad Astra có lẽ sẽ mãi mãi chỉ là ý tưởng trên màn ảnh lớn mà thôi. Series đình đám Star Wars cũng không ngoại lệ.
Bên cạnh vấn đề về tốc độ, trang web space.com cũng chỉ ra rằng không gian vũ trụ chứa đầy rẫy những tia bức xạ nguy hiểm chết người hoặc gây ra nhiều căn bệnh quái ác, bao gồm cả ung thư.
Đúng là các vật liệu sản xuất sử dụng trong ngành hàng không hiện tại đã có thể hạn chế khả năng phơi nhiễm của con người, nhưng chúng cũng không thể loại bỏ hoàn toàn những bức xạ này. Ngoài xa, bức xạ cũng trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi các du hành dành quá nhiều thời gian bên ngoài không gian hoặc bước vào giấc ngủ đông (cryosleep).
Hố đen vũ trụ
Hố đen đã trở thành 1 yếu tố quá quen thuộc của các bộ phim sci-fi trong nhiều thập kỷ trở lại đây dù vẫn còn khá nhiều tranh cãi xoay quanh độ chính xác của chúng. Bản reboot Star Trek năm 2009 đã mang đến cho khán giả hình ảnh hố đen dưới dạng 1 cơn cuồng phong sáng rực (nhờ có công nghệ CGI).
Phi hành đoàn Enterprise đã thoát khỏi “lực hấp dẫn” của hố đen này bằng cách giải phóng rồi kích nổ lõi đẩy của họ. Tuy nhiên, có 1 vấn đề là rõ ràng xung quanh họ không có bầu khí quyển phù hợp để tạo ra sóng xung kích, và cũng không có vật liệu rắn để tạo ra lực nén, một vụ nổ như vậy sẽ chẳng có tác dụng gì cả.
Ngoài ra, đội ngũ nghiên cứu tại Scientific American đã chỉ ra rằng 1 khi đã tiếp cận với hố đen ở khoảng cách gần như vậy, sẽ không có bất cứ 1 phương pháp nào có thể giúp chúng ta thoát ra được cả.
Bộ phim ăn khách Interstellar của đạo diễn Christopher Nolan, ra mắt vào năm 2014, đã tiến hành nghiên cứu rất cẩn thận cấu trúc của hố đen. Nhờ đó, bộ phim này đã đưa ra những dự đoán khá chính xác về hình dạng trung của hiện tượng vũ trụ kì bí này - điều mà đến tận năm 2019 mới được giới khoa học xác nhận.
Tuy nhiên, ngay cả với những kết quả mới thu thập được, họ vẫn chưa thể thống nhất về điều gì sẽ xảy ra khi 1 cá nhân không may bước vào bên trong hố đen. Đội ngũ tại astronomy.com cho rằng cơ thể chúng ta sẽ trở nên “mềm như bún” và bị kéo dài ra nếu lâm vào tình cảnh đó.
Trọng lực
Môi trường trọng lực thấp, hoặc không trọng lực lại là một lực hấp dẫn rất lớn đối với những khán giả yêu thích khoa học viễn tưởng. Thế nhưng, bản thân môi trường này hiện cũng đang gây ra rất nhiều tranh cãi.
Bộ phim Armageddon (1998) của đạo diễn Michael Bay đã áp dụng một cách tiếp cận phi khoa học đầy táo bạo đối với luật hấp dẫn: Hạ cánh hai tàu vũ trụ xuống một tiểu hành tinh có kích thước như bang Texas (Hoa Kỳ). Theo Phys.org , hành tinh này không thể tạo ra đủ trọng lực để giữ chúng trên bề mặt của nó.
Giống như Interstellar, bộ phim Gravity (2013) của Alfonso Cuarón đã tiếp cận vấn đề 1 cách cẩn thận và có cơ sở thực tiễn hơn, nhưng cuối cùng nó vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Trong cảnh phim Trung úy Matt Kowalski (George Clooney) và Tiến sĩ Ryan Stone (Sandra Bullock) được kết nối với nhau bằng dây tether, rơi tự do từ ngoài không gian về phía Trái Đất, họ đã níu được vào trạm vũ trụ ISS trong 1 tình thế khá bấp bênh.
Cuối cùng, Kowalski quyết định hi sinh, tháo đầu dây của mình để cứu mạng Stone đầy kịch tính. Thế nhưng, các nhà vật lý thiên văn nổi tiếng như Neil deGrasse Tyson đã lập luận rằng hành động này là không cần thiết, và Stone có thể cứu cả 2 chỉ bằng một cái giật nhẹ đầu dây buộc của mình và kéo Kowalski gần lại.
Âm thanh trong vũ trụ
Âm thanh trong vũ trụ (điển hình là tiếng nổ hay tiếng phóng tia laser) chính là 1 cạm bẫy ngọt ngào mà các nhà sản xuất có thể mắc phải khi đưa vào tác phẩm sci-fi của mình. Physicscentral.com cho biết không gian bên ngoài Trái Đất là môi trường không thể render được âm thanh, do đó chúng ta khó có thể nghe được gì (bạn có thể xem thí nghiệm của họ tại đây ).
Nói 1 cách đơn giản: Nếu sóng âm không có môi trường hạt để truyền qua thì sẽ không thể phát ra bất cứ âm thanh nào cả. Thế nhưng, điều này dường như đã bị bỏ quên hoàn toàn trong các bộ phim khoa học viễn tưởng để tạo ra hiệu ứng điện ảnh tốt nhất.
Một lần nữa, Armageddon đã khiến giới khoa học “ngã ngửa” khi 2 con tàu vũ trụ hạ cánh xuống 1 tiểu hành tinh, khán giả có thể nghe thấy tiếng đất đá rung chuyển, như 1 tiếng gầm bí ẩn trong khoảng không vũ trụ vậy. Các tác phẩm khác như Starship Troopers mang đến nhiều âm thanh sống động hơn trong vũ trụ, như tiếng phóng tia plasma ì xèo, hay tiếng các con tàu bị nổ thực sự ồn ào và chấn động. Điều tương tự cũng xảy ra đối với các bộ phim của franchise Star Wars.
Trang phục vũ trụ
1 nhà thiết kế trang phục không gian của NASA đã chia sẻ với syfy.com rằng trong thực tế, những bộ đồ vũ trụ khá cồng kềnh, to lớn, không thực sự đẹp mắt, và phải cần đến 2 người mới có thể giúp phi hành gia mặc được chỉnh tề.
Nguyên nhân là do những bộ trang phục này cần có đủ chất lượng và khả năng để bảo vệ con người khỏi những biến đổi nhiệt độ khắc nghiệt và lượng bức xạ chết người. Vì vậy, nó đòi hỏi rất nhiều thời gian, nghiên cứu và thử nghiệm trước khi được đưa vào ứng dụng thực tế và hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra.
Còn trong thế giới khoa học viễn tưởng, trang phục du hành vũ trụ thường được thiết kế phi thực tế, đặc biệt là về khía cạnh độ bền và độ tiện lợi. Rất khó để 1 phi hành gia có thể mặc bộ đồ cồng kềnh này 1 cách đơn giản như mặc áo len, giống như cách mà Mark Watney (Matt Damon) đã thực hiện nhiều lần trong The Martian.
Spaceanswer.com cũng chỉ ra rằng vì trang phục vũ trụ dễ bị rò rỉ và gặp phải vấn đề giảm áp suất, nhiều khả năng Kowalski và Stone trong Gravity sẽ làm rách tả tơi bộ quần áo của họ khi va đập với trạm vũ trụ ISS như vậy.
Những vụ nổ tàu trong vũ trụ
Các bộ phim sci-fi về vũ trụ thường nổi tiếng với những cảnh phim đấu trận vô cùng hoành tráng trong vũ trụ, với những vụ nổ quy mô lớn cực kỳ ấn tượng.
Tuy nhiên trong thực tế, hiện tượng này gần như không thể xảy ra. Scienceabc.com cho biết vì ngoài không gian thường không chứa, hoặc chứa rất ít oxy, nên các vụ nổ sẽ “lãng xẹt” hơn nhiều so với bầu khí quyển của Trái Đất.
Đúng là các con tàu vũ trụ thường được nạp đầy oxy lỏng cũng như nhiều chất oxy hóa khác, tạo điều kiện cho những vụ nổ đậm chất điện ảnh, nhưng chừng ấy là chưa đủ để biến chúng trở nên rực rỡ và lung linh như vậy. Những pha bùng cháy dữ dội, kinh hoàng của Death Star trong Star Wars hay hàng loạt các con tàu khổng lồ trong Star Trek có lẽ sẽ mãi mãi chỉ xảy ra trong vương quốc viễn tưởng mà thôi.
Theo ScreenRant