Người dưới 18 tuổi không được vào vũ trường
Điều này được quy định tại Nghị định số 54/2019 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, có hiệu lực từ ngày 1-9-2019.
Theo đó, doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ vũ trường không được cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi, không được hoạt động từ 02 giờ sáng đến 08 giờ sáng.
Trường hợp có chương trình biểu diễn nghệ thuật phải thực hiện theo quy định của pháp luật về biểu diễn nghệ thuật.
Ngoài ra, phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80 m2 trở lên, không kể công trình phụ, không được đặt chốt cửa bên trong phòng vũ trường hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ).
Địa điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa từ 200 m trở lên.
Đặc biệt, Nghị định quy định: Doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke không được hoạt động từ 0 giờ sáng đến 08 giờ sáng và phải bảo đảm hình ảnh phù hợp lời bài hát thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Xả rác xuống công trình thủy lợi có thể bị phạt đến 30 triệu
Nghị định 65/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều có hiệu lực thi hành từ ngày 9-9-2019.
Theo đó, hành vi khoan, đào, khai thác khoáng sản trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng.
Mức phạt này cũng được áp dụng với các hành vi như đổ chất thải, rác thải, tổ chức các hoạt động du lịch, thể thao trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, khai thác nước trái phép từ công trình thủy lợi.
Hành vi khai thác đất, đá, cát, sỏi, vật liệu xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tới 50 triệu đồng.
Tự ý dỡ bỏ hoặc lấp công trình thủy lợi, lập bến bãi, tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện trái phép với mục đích kinh doanh trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đến 50 triệu đồng.
Với hành vi nổ mìn và các hoạt động gây nổ khác trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt có thể lên tới 100 triệu đồng.
Điều chỉnh mức trợ cấp với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ
Thông tư 106/2019 của Bộ Quốc phòng (hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc) quy định: Từ ngày 1-7-2019, mức trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ được điều chỉnh tăng thêm 7,19% trên mức trợ cấp hàng tháng của tháng 6-2019.
Mức trợ cấp điều chỉnh được tính theo công thức: Mức trợ cấp hàng tháng được hưởng từ ngày 01-7-2019 = Mức trợ cấp hàng tháng được hưởng tại thời điểm tháng 6-2019 X 1,0719.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8-9-2019.
Sử dụng xe công sai mục đích có thể bị phạt tới 20 triệu
Nghị định 63/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước có hiệu lực từ ngày 1-9-2019.
Theo đó, hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích (sử dụng tài sản công không đúng với mục đích, công năng sử dụng của tài sản được đầu tư, trang bị, mua sắm; sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp làm nhà ở hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân; sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh không có tiêu chuẩn; sử dụng xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao, sử dụng xe ô tô vào mục đích cá nhân; sử dụng máy móc, thiết bị, tài sản khác vào mục đích cá nhân) bị phạt tiền như sau:
Phạt từ 1 triệu đến 5 triệu đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 100 triệu đồng/01 đơn vị tài sản (sau đây gọi chung là tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng).
Phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có nguyên giá theo sổ kế toán từ 100 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản (sau đây gọi chung là tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên).
Phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.
Trưởng phòng Giáo dục phải có ít nhất 5 năm trong ngành
Thông tư 10/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng GD&ĐT thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố có hiệu lực từ ngày 30-9-2019.
Theo quy định tại thông tư này, trưởng phòng, phó trưởng phòng Giáo dục phải có thời gian công tác trong ngành giáo dục ít nhất 05 năm, phải tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Ngoài ra, trưởng phòng, phó trưởng phòng Giáo dục phải có chứng chỉ chương trình bồi dưỡng trưởng phòng, phó trưởng phòng GD&ĐT theo quy định, có năng lực dự báo, tư duy chiến lược, định hướng phát triển và tổng kết thực tiễn; năng lực quản lý sự thay đổi, năng lực xử lý thông tin và truyền thông…