Theo Forbes, hàng giả là ngành công nghiệp tội phạm lớn nhất thế giới trong năm 2018. Doanh thu hàng giả và hàng lậu tổng cộng lên đến 1.700 tỷ USD mỗi năm, cao hơn cả ma túy hay buôn người, và dự kiến sẽ tăng lên 2.800 tỷ USD vào năm 2022.
Hoạt động kinh doanh hàng giả diễn ra trên khắp thế giới và dường như cũng chẳng trừ một mặt hàng nào. Từ thời trang, mỹ phẩm đến những quả trứng gà hay thậm chí là thuốc chữa bệnh đều có thể được làm nhái, bất chấp nỗ lực của nhiều thương hiệu nổi tiếng và chính phủ các nước.
Lợi nhuận khổng lồ, cầu hàng hóa cao cùng sự phát triển của các ngành internet, thương mại điện tử những năm gần đây càng khiến cho ngành công nghiệp đen tối này bùng nổ. Báo cáo hàng giả năm 2018 ước tính khoản lỗ mà các nhà sản xuất, thương hiệu phải gánh chịu do vấn nạn này đã lên đến 323 tỷ USD trong năm 2017. Riêng các thương hiệu xa xỉ phải chịu tổn thất 30,3 tỷ USD do hàng nhái được buôn bán tràn lan và công khai trên internet.
Mọi mặt hàng đều có thể làm giả.
Nếu như việc tiêu thụ thực phẩm như trứng gà, sữa bột hay thuốc chữa bệnh giả nằm ngoài mong muốn của người tiêu dùng thì những mặt hàng thời trang lại trái ngược. Nhu cầu sở hữu những thiết kế từ các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Dior, Nike,… ngày càng gia tăng nhưng giá cả đắt đỏ ngoài khả năng chi trả của hàng chính hãng đã khiến một bộ phận lớn người tiêu dùng tìm đến hàng nhái có mẫu mã gần như y hệt, với mức giá rẻ hơn cả chục lần.
Báo cáo hàng giả trên Instagram năm 2018 đã phân tích ngẫu nhiên 669.662 bài đăng có chứa các hashstag của những thương hiệu xa xỉ nổi tiếng (như #louisvuitton, #lv, #gucci) và thống kê những nhãn hiệu được đề cập nhiều nhất liên quan đến mua bán hàng fake.
Những thương hiệu liên quan đến mua bán hàng giả được đề cập nhiều nhất trên Instagram.
Bên cạnh đó, báo cáo này cũng chỉ ra những quốc gia là địa bàn hoạt động mua bán hàng giả sôi động nhất thế giới:
Những quốc gia có hoạt động mua bán hàng giả nhiều nhất trên Instagram
Trung Quốc vẫn là thánh địa số một của hàng giả, nơi sản xuất hầu hết các sản phẩm giả mạo trên thế giới, chiếm 43% các hoạt động liên quan trên Instagram. Theo sau với tỷ lệ cao không kém là Nga, 30%. Việt Nam, nơi các phương tiện truyền thông xã hội và thương mại điện tử đang bùng nổ, vấn nạn hàng giả, hàng nhái cũng đang trở thành vấn đề gây nhức nhối. Tuy nhiên, thật may mắn khi chúng ta chưa bị liệt vào "danh sách đen" này.
Tại Trung Quốc, văn hóa hàng giả, hàng nhái không còn là điều lạ lẫm. Quốc gia này là nơi sản xuất đến 80% số hàng giả trên toàn cầu, không chỉ phục vụ cho nhu cầu vật chất ngày càng lớn của người dân trong nước mà còn cho người tiêu dùng khắp thế giới. Đơn cử như người dân Hoa Kỳ, dù biết là hàng giả nhưng vẫn tiêu thụ 60 – 80% các sản phẩm này.
"Văn hóa hàng giả" đã không còn xa lạ với người Trung Quốc...
Còn ở Nga, cụm từ "văn hóa hàng giả" thậm chí còn có từ thời Liên xô vẫn còn cai trị. Thị trường chợ đen này được sinh ra trong bối cảnh chiến tranh lạnh giữa phương Tây và Liên Xô, làm cho hàng hóa phương Tây tại Nga bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, hàng hóa của Mỹ, châu Á và châu Âu có thể đến Nga, nhưng thuế nhập khẩu cao khiến nhiều mặt hàng vẫn nằm ngoài tầm với của người dân có thu nhập chỉ ở mức trung bình. Điều này là điều kiện để hàng fake tiếp tục hoành hành.
... và cả người Nga
Các nước khác có mặt trong danh sách với tỷ lệ thấp hơn đáng kể là Malaysia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine.