1. Thủy quái "lai tạp" của "đại dương hóa thạch" Wyoming
Mặt như cá sấu, cổ như rắn, mình khủng long, có vây lớn như một loài cá quái dị - đó là mô tả về Serpentisuchops pfisterae, một loài thằn lằn đầu rắn hoàn toàn mới được các nhà khoa học Mỹ xác đính sau 27 năm bị "nhốt" trong bảo tàng với một bản phân loại lầm lẫn.
Con thằn lằn đầu rắn kỳ quái ở Mỹ - Ảnh: Scott Persons, Street & Kelley
Nhóm tác giả dẫn đầu bởi tiến sĩ Walter Scott Persons IV từ Trường Đại học Charleston ở South Carolina đã gọi con vật mà mình tái hiện là "con thú kỳ lạ, độc nhất vô nhị, là sự giao thoa giữa 2 loài", ám chỉ khuôn mặt cá sấu của nó.
Theo SciTech Daily, về bản chất nó là một thằn lằn đầu rắn plesiosaurs, sống khoảng 101 đến 66 triệu năm trước, có chiếc cổ dài tới 7 m dù thân hình không lớn lắm.
2. "Frankenstein kỷ Tam Điệp" của Brazil
Theo Sci-News, một chi sau bên phải gần như hoàn chỉnh của một con vật lạ "hóa đá" từ kỷ Tam Điệp đã giúp các nhà khoa học hoàn thiện hồ sơ hóa thạch và xác định một loài mới, trông như hỗn hợp kỳ dị của nhiều loài khác nhau. Nó được đặt tên là Stenoscelida aurantiacus và thuộc họ Proterochampsidae - một họ bò sát lớn đã tuyệt chủng và là loài đặc hữu của Nam Mỹ.
"Frankenstein của kỷ Tam Điệp" - Ảnh: Matheus Fernandes / Universidade Federal de Santa Maria.
Nhóm nghiên cứu dẫ đầu bởi nhà cổ sinh vật học Rodrigo Temp Müller từ Trường ĐH Liên bang Santa Maria (Brazil) đã tái hiện sinh vật này và cho ra bức ảnh về một quái thú mang thân hình đồ sộ như khủng long, đầu giống cá sấu, chân trước và sau giống tay chân một con người lực lưỡng, các bàn chân tương tự khủng long nhưng bàn chân trước lại có 5 ngón như một bàn tay trong một nghiên cứu công bố tháng 11-2021.
3. Địch thủ của T-rex
Vào tháng 7-2022, các nhà khoa học từ Bảo tàng Cổ sinh vật học Ernesto Bachmann và Trường ĐH Quốc gia Río Negro (Argentina) đã công bố về một loài khủng long hoàn toàn mới được đặt tên là Meraxes gigas, nặng hơn 4 tấn, dài 11 m. Nó được xác định từ phần hóa thạch đào được ở Hệ tầng Huincul ở Las Campanas Canyon, tỉnh Neuquén - Argentina.
Meraxes gigas - Ảnh: Carlos Papolio
Meraxes gigas là một quái vật ăn thịt có vẻ ngoài khá giống khủng long bạo chúa T-rex với cặp chân sau khỏe mạnh, 2 chi trước teo nhỏ và chiếc đầu lớn mang bộ răng đáng sợ. Mẫu vật được khai quật 94 triệu tuổi, tức sống vào kỷ Phấn Trắng, cũng là thời kỳ bùng nổ của T-rex. Tuy giống nhau và cùng thuộc một nhóm lớn gọi là khủng long chân thú nhưng nó và T-rex thuộc về 2 nhánh rất khác nhau của cây gia đình khủng long.
4. Chó lai gấu khổng lồ ở Pháp
Đó là con vật được đặt tên Tartarocyon cazanavei, thuộc nhóm Amphicyonid, họ Amphicyonidae, một nhóm độc vật ăn thịt đặc trưng của châu Âu cổ đại. Sinh vật lang thang trên đất Pháp 12 triệu năm trước này mang hình dáng cổ quái như được lai trực tiếp giữa một con chó và một con gấu, nên được gọi theo cách thông tục là chó lai gấu. Nó nặng tới 320 kg và cực kỳ hung mãnh.
Chó lai gấu 12 triệu năm trước ở Pháp - Ảnh: Denny Navarra
Dòng giống đã hoàn toàn tuyệt chủng này được nghiên cứu bởi nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi tiến sĩ Bastien Mennecart, nhà cổ sinh vật học từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Basel (Thụy Sĩ), công bố trực tuyến trên PeerJ vào tháng 6-2022
5. Rái cá săn cá sấu
Nguyên nhân là con rái cá "quái vật"được khai quật ở hệ tầng Shungura và Usno ở Thung lũng Lower Omo - Tây Bắc Ethiopia có thể hình to như một con sư tử, nặng tới 200 kg.
Rái cá quái vật được so sánh kích thước với người hiện đại, vượn người phương Nam và các rái cá hiện đại - Ảnh: Université de Poitiers.
Được đặt lên là Enhydriodon omoensis, quái vật này sống song song với vị tổ tiên nổi tiếng của chúng ta - vượn người Phương Nam - cách đây 3,5 đến 2,5 triệu năm. Đây là một loài mới thuộc giống rái cá Enhydriodon đã tuyệt chủng và là loài rái cá to nhất từng bước đi trên địa cầu. Khi sống bên các dòng sông, nó thậm chí đủ sức săn và ăn thịt cả cá sấu, rùa… nhờ bộ răng khỏe và giống động vật trên cạn hơn là động vật lưỡng cư.