Những phương tiện chiến đấu đổ bộ đường không danh tiếng trên thế giới

TUẤN SƠN |

Nếu xe tăng được coi là “nắm đấm thép” của lục quân, thì các dòng xe chiến đấu đổ bộ đường không cũng có vai trò tương tự trong biên chế của lực đổ bộ đường không các nước. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hỏa lực, khả năng cơ động cho lực lượng dù vốn chỉ được trang bị nhẹ trong các nhiệm vụ đổ bộ.

Với vai trò của mình, xe chiến đấu đổ bộ đường không dù xuất hiện đầu tiên ở Liên Xô, nhưng tới thời điểm hiện tại, chúng đã trở thành trang bị không thể thiếu của lực lượng đổ bộ đường không các nước.

Các dòng xe chiến đấu đổ bộ đường không hiện tại có thiết kế hiện đại và hỏa lực không thua kém so với các phương tiện chiến đấu trên mặt đất và chúng còn có thêm khả năng đặc biệt là có thể “nhảy dù” từ trên không.

Dưới đây là các dòng xe chiến đấu đổ bộ đường không hiện đại đang có trong trang bị quân đội nhiều quốc gia trên thế giới:

Lực lượng Đổ bộ đường không Nga

Theo đánh giá của chuyên gia quân sự Andrey Kotz, không lực lượng dù nào trên thế giới sở hữu các chủng loại xe chiến đấu đổ bộ đường không đa dạng và uy lực như của lực lượng Đổ bộ đường không Nga (VDV).

Tất cả bắt đầu từ sự kiện chiếc BMD-1 đầu tiên được thả dù từ máy bay vận tải An-12 trong một cuộc diễn tập quân sự ở miền Trung Liên Xô ngày 5-1-1973, dòng phương tiện chiến đấu đặc biệt “có một không hai trên thế giới” ở thời điểm đó đã nhanh chóng trở thành “nắm đấm thép” của VDV Liên Xô.

Các tiêu chuẩn về phương tiện chiến đấu tin cậy, hỏa lực mạnh, khả năng cơ động cao, lội nước và đủ nhẹ để có thể thả dù từ trên không của BMD-1 đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các phương tiện chiến đấu đổ bộ đường không của các phương tiện chiến đấu sau này của VDV Liên Xô.

Điều này hoàn toàn phù hợp với đặc thù chiến đấu độc lập sâu trong lòng địch, không có tiếp tế của VDV Liên Xô và Nga sau này. Thậm chí, tới thời điểm hiện tại, Nga vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới có các phương tiện chiến đấu có thể thả dù trực tiếp và chiến đấu ngay sau khi tiếp đất.

Những phương tiện chiến đấu đổ bộ đường không danh tiếng trên thế giới - Ảnh 1.

Phương tiện chiến đấu của VDV Nga được thả dù trực tiếp từ máy bay vận tải quân sự.

“Không một quốc gia nào trên thế giới sở hữu lực lượng thiết giáp đổ bộ đường không đặc biệt như vậy”, chuyên gia A. Kotz đánh giá về các phương tiện chiến đấu đổ bộ đường không hiện có của Nga.

Hiện tại, dòng phương tiện chiến đấu đổ bộ đường không mới BMD-4M được coi là “người kế thừa hoàn hảo” cho các dòng phương tiện BMD-1 và BMD-2 trước đó thời Liên Xô.

Chuyên gia A. Kotz nhận định, phương tiện chiến đấu BMD-4M chỉ nặng 13,6 tấn, nhưng được trang bị pháo chính cỡ 100mm, pháo 30mm đồng trục và súng máy 7,62mm thiết kế dạng mô-đun hóa.

Điểm đặc biệt của BMD-4D so với các dòng phương tiện chiến đấu khác là nó có thể bắn tên lửa chống tăng Bastion qua nòng pháo chính để tiêu diệt chính xác mục tiêu ở khoảng cách tới 5,5km.

BMD-4M có thể chở theo 9 người, nhưng khi thả dù, phương tiện này có thể chỉ gồm 3 thành viên kíp lái để đảm bảo khả năng tác chiến ngay khi tiếp đất. Về cơ bản, BMD-4M có khả năng chiến đấu tương đương với dòng xe chiến đấu bộ binh BMP-3 của lục quân Nga, nhưng được tối giản về giáp và trang bị để giảm trọng lượng phù hợp cho nhiệm vụ đổ bộ đường không.

Ngoài BMD-4M, một dòng phương tiện chiến đấu khác của lực lượng Đổ bộ đường không Nga là pháo tự hành Sprut-SD. Phương tiện chiến đấu nặng 18 tấn này mang theo hỏa lực tương đương một chiếc xe tăng thực sự với pháo 125mm. Hỏa lực này cho phép Sprut-SD có thể tấn công và tiêu diệt cả những phương tiện chiến đấu hạng nặng của đối phương.

Những phương tiện chiến đấu đổ bộ đường không danh tiếng trên thế giới - Ảnh 2.

Xe chiến đấu đổ bộ đường không BMD-4M.

Những phương tiện chiến đấu đổ bộ đường không danh tiếng trên thế giới - Ảnh 3.

Pháo chống tăng tự hành Sprut-SD.

Những phương tiện chiến đấu đổ bộ đường không danh tiếng trên thế giới - Ảnh 4.

Cối tự hành Nona-S.

Những phương tiện chiến đấu đổ bộ đường không danh tiếng trên thế giới - Ảnh 5.

Xe bọc thép chở quân BTR-MDM Rakushka.

Cối tự hành Nona-S cũng là phương tiện đặc biệt, cung cấp hỏa lực bắn thẳng, bắn cầu vồng vào các vị trí của đối phương sau vật cản ở khoảng cách 13km.

VDV Nga cũng sở hữu phương tiện thiết giáp chở quân đặc biệt là BTR-MDM Rakushka. Chúng đáp ứng nhiệm vụ tăng khả năng cơ động của binh sĩ sau khi nhảy dù ở mọi địa hình. Với kết cấu vững chắc làm từ hợp kim nhôm, BTR-MDM Rakushka có thể chở theo 13 binh sĩ và đạt tốc độ cơ động tới 70km/giờ trên đường; dự trữ hành trình khoảng 500km.

Điểm đặc biệt của phương tiện chiến đấu thuộc lực lượng Đổ bộ đường không Nga là chúng có thể được thả dù từ độ cao 4.00 tới 1.500m khi máy bay chuyên chở cơ động với vận tốc 300-350km/giờ. Ngay sau khi tiếp đất, các phương tiện có thể sẵn sàng chiến đấu trong vòng vài phút.

Trung Quốc

Theo chuyên gia A. Kotz, lực lượng dù của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc cũng đang sở hữu một số phương tiện chiến đấu phù hợp để thả dù từ trên không. Tuy nhiên, theo trang bị chính thức, chỉ có một dòng phương tiện chiến đấu duy nhất là ZBD-03, nặng 8 tấn, được đưa vào trang bị từ năm 2003.

Những phương tiện chiến đấu đổ bộ đường không danh tiếng trên thế giới - Ảnh 6.

Xe chiến đấu ZBD-03.

Xe chiến đấu ZBD-03 được trang bị pháo 25mm, được phát triển trên cơ sở pháo tự động M242 Bushmaster của Mỹ, và súng máy đồng trục kép cỡ 7,62mm.

Ngoài ra, phương tiện chiến đấu này cũng được trang bị tên lửa chống tăng HJ-73C. Thiết kế của ZBD-03 có đủ khả năng chống lại đạn bộ binh cỡ nhỏ và mảnh văng, tương tự như các dòng phương tiện chiến đấu của Liên Xô và Nga.

ZBD-03 hoàn toàn phù hợp để thả dù từ máy bay vận tải hạng nặng IL-76MD. Mỗi máy bay có thể chở theo tới 3 chiếc ZBD-03 cùng đầy đủ binh sĩ và kíp chiến đấu.

Theo một số nguồn tin, Trung Quốc đang phát triển biến thể mới của xe ZBD-03 với pháo chính cỡ 100-150mm với khả năng chiến đấu tương đương với pháo tự hành Sprut-SD của Nga.

Mỹ

Là quốc gia tham gia nhiều cuộc xung đột ở nước ngoài, nhưng Quân đội Mỹ lại sở hữu số lượng, chủng loại xe chiến đấu đổ bộ đường không được coi là nghèo nàn và lạc hậu.

Chuyên gia A. Kotz đánh giá: “Lính dù Mỹ tới tận thời điểm hiện tại chỉ được trang bị các dòng xe bọc thép hạng nhẹ Humvee (2,4 tấn), LSV (960kg) và L-ATV (9,6 tấn) cùng lựu pháo M119 cỡ 105mm. Chúng không có khả năng thả dù, mà chỉ được vận chuyển tới chiến trường bằng máy bay vận tải hạng nặng C-17 hoặc C-130”.

Những phương tiện chiến đấu đổ bộ đường không danh tiếng trên thế giới - Ảnh 7.

Kể từ năm 1997, khi xe tăng hạng nhẹ M551 Sheridan bị loại biên, Quân đội Mỹ không sở hữu bất kỳ phương tiện chiến đấu đổ bộ đường không nào đúng nghĩa. Điều này thật trái ngược với thời điểm chiếc Sheridan được đưa vào trang bị cuối những năm 1960 với những giải pháp cách mạng về công nghệ như:

Kết cấu giáp hợp kim nhôm, pháo lớn 152mm có khả năng bắn tên lửa qua nòng Shillelagh. M551 đã có mặt trong mọi cuộc xung đột Quân đội Mỹ góp mặt và thường được vận chuyển bằng máy bay trực thăng.

Hiện tại, Lầu Năm góc đang xem xét phương án sử dụng xe chiến đấu mô-đun Stryker Mobile Gun (SMG) thay thế vai trò yểm trợ hỏa lực của xe tăng Sheridan. Sử dụng khung gầm cơ động bánh hơi của xe chiến đấu Stryker, SMG được trang bị bệ pháo cỡ 105mm được tối giản với trọng lượng toàn tổ hợp khoảng 18 tấn.

Khối lượng trên vẫn là quá nặng đối với phương tiện chiến đấu phù hợp cho nhiệm vụ đổ bộ đường không. Ngoài SMG, Lầu Năm góc còn đang theo đuổi chương trình phát triển xe tăng hạng nhẹ mới dành cho lính dù với tên gọi Griffin.

Những phương tiện chiến đấu đổ bộ đường không danh tiếng trên thế giới - Ảnh 8.

Phương tiện chiến đấu bánh hơi Stryker Mobile Gun.

Những phương tiện chiến đấu đổ bộ đường không danh tiếng trên thế giới - Ảnh 9.

Nguyên mẫu xe tăng hạng nhẹ Griffin.

Đức

Nằm trong số ít quốc gia sở hữu công nghệ và truyền thống chế tạo các phương tiện chiến đấu đổ bộ đường không, Đức hiện có trang bị dòng xe thiết giáp đặc biệt dành cho Lữ đoàn cơ động đường không số 1 là Wiesel Armored Weapons Carrier (WAWC) chỉ nặng có 2,7 tấn.

Những phương tiện chiến đấu đổ bộ đường không danh tiếng trên thế giới - Ảnh 10.

Phương tiện chiến đấu WAWC.

WAWC có đầy đủ khả năng bảo vệ trước đạn bộ binh cỡ nhỏ và mảnh văng và có kích thước chỉ tương đương một xe tải cỡ nhỏ với hỏa lực cơ bản là pháo bắn nhanh MK 20 Rh202 20mm hoặc tên lửa chống tăng TOW.

Khung gầm phương tiện chiến đấu có khả năng cơ động với vận tốc tới 80km/giờ này còn có các biến thể mang súng cối hạng nặng, xe trinh sát, cứu thương chiến trường và pháo phòng không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại