Giữa trưa, tranh thủ lúc thủy triều vừa rút, từng tốp người ở vùng bãi ngang ven biển huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) lại cầm đồ nghề ra bãi biển để cào ngao kiếm thêm thu nhập.
Người dân địa phương cho biết nghề bới cát tìm ngao phụ thuộc vào thủy triều lên xuống. Khi thủy triều rút, ngao biển sẽ ẩn dưới lớp cát khoảng 5-10 cm và có một lỗ nhỏ trên mặt cát, phải để ý kỹ mới nhận ra.
Dụng cụ để cào ngao là chiếc môi, liềm cũ... để dễ dàng đào bới làm cát mỏng mềm trên bãi biển.
"Nghề này muốn đi sớm cho đỡ nắng cũng không được mà cứ phải chờ thủy triều lên xuống. Ở biển giờ chủ yếu họ nuôi nhiều nên thay vì đào tìm ngao tự nhiên, tôi đi đào ngao thuê, kiếm mỗi ngày 100.000-150.000 đồng tiền công", bà Nguyễn Thị Châu (80 tuổi, trú xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên", chia sẻ.
Người đi đào ngao thường phải mang ủng, tất chân, tay để tránh bị thương do vỏ hàu sắc nhọn trên các tấm lưới, dưới lớp cát trên bãi biển.
Mỗi người có thể đào được 20-30 kg ngao/ngày. Công việc khá vất vả song chủ yếu được những người phụ nữ lớn tuổi làm.
Lãnh đạo UBND xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, cho biết địa phương có 9 hộ dân nuôi với diện tích gần hơn 10 ha. Năm nay từ đầu mùa một lượng lớn ngao đã chết, số còn lại được người nuôi thu hoạch sớm để thu hồi vốn. "Ngao nuôi trên địa bàn đạt sản lượng và chất lượng cao, đây cũng là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân", vị lãnh đạo địa phương chia sẻ.
Một tốp phụ nữ khác lại mang cào giật lùi để bắt ngao dưới lớp cát biển.
Ngoài việc bới cát tìm ngao, những người phụ nữ vùng bãi ngang cho đục hàu và một số loại ốc, nghêu khác trên bãi bồi.
Việc đục hàu cũng phải phù thuộc vào con nước lên, xuống. Cứ sau mỗi lần thu hoạch 3-4 ngày, người dân lại tìm hàu đục.
Bà Nguyễn Thị Lân (64 tuổi, trú xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên), cho biết: "Mỗi ngày tôi có thể đục được 1-2 kg ruột hàu. Hàu sẽ được bán với giá 70.000-90.000 đồng".
Đội nắng cả trưa để đào ngao, đục hàu trên bãi biển song những người phụ nữ vẫn nở nụ cười rạng ngời.
Khi triều cường lên lại cũng là lúc họ mang chiến lợi phẩm trên chiếc xe đạp, xuyên qua bãi bồi ven biển để trở về.