Cách đây vài ngày, Hải quân Mỹ vừa công bố kết quả điều tra vụ máy bay trinh sát E-2C Hawkeye suýt rơi xuống biển khi đáp xuống tàu sân bay USS Eisenhower vì bị đứt dây cáp hãm máy bay.
Chiếc máy bay không bị hãm lại và lao đến cuối đường băng, tưởng chừng đã rơi xuống biển. May mắn thay, chỉ lát sau tổ lái đã điều khiển máy bay vọt lên không trung, thoát chết trong tích tắc.
Quân đội Mỹ đã không ít lần gặp phải sự cố máy bay rơi xuống biển. Những tai nạn như thế này không chỉ xảy ra đối với các máy bay hoạt động trên tàu sân bay của Hải quân Mỹ, mà thậm chí máy bay chiến đấu, ném bom của Không quân Mỹ cũng có thể gặp phải.
Dù không phải lần nào tổ lái cũng may mắn thoát hiểm nhưng có 2 trường hợp rất đặc biệt đối với Không quân Mỹ được ghi nhận dưới đây:
Thoát hiểm ở vận tốc siêu âm
Phải phóng ra và nhảy dù xuống vùng biển lạnh giá của Bắc Đại Tây Dương là điều mà không phi công nào muốn trải qua. Phải thoát hiểm ở vận tốc âm thanh lại càng là một cơn ác mộng.
Tuy nhiên một phi công Mỹ đã cùng lúc hứng chịu 2 tình huống này và vẫn sống sót.
Đêm ngày 18/4/1995, đại úy Brian Udell cùng phi đội 4 chiếc tiêm kích-cường kích F-15E thuộc không quân Mỹ cất cánh để thực hiện một phi vụ diễn tập thường lệ bên trên Đại Tây Dương.
Phi đội sẽ chia thành 2 đội hình, mỗi đội 2 máy bay và thực hành việc nhắm bắn bằng radar. Bài tập này yêu cầu các máy bay lao thẳng về phía nhau, và đến một khoảng cách nhất định sẽ quay ngoặt 180 độ theo hướng ngược lại.
Chiếc F-15E của Udell lúc này đang thực hiện một cú ngoặt như vậy, và các thông số trên màn hình hiển thị trong suốt (HUD) đều cho thấy mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Máy bay đang nghiêng 60 độ, mũi máy bay hướng xuống 10 độ, vận tốc 740 km/h ở độ cao 7.300 m. Nhưng Udell bất ngờ nghe thấy tiếng gió rít.
"Nó giống như âm thanh khi bạn chạy xe rất nhanh trên cao tốc. Nhưng với máy bay này thì bạn chỉ nghe thấy nó ở vận tốc trên 900 km/h", viên phi công cho biết.
Brian Udell thuật lại tình huống khẩn cấp khiến 2 phi công phải phóng ra khỏi máy bay
Cả Udell và đại úy Dennis White - phi công phụ ngồi phía sau - nhận định rằng đang có vấn đề phát sinh. Udell kiểm tra lại máy đo đường chân trời và nó cho biết máy bay đang lao thẳng xuống với vận tốc hơn 1.100 km/h.
Với 2 thiết bị cho ra 2 kết quả khác nhau, Udell thử đẩy lắc cần điều khiển. Trong lúc các thông số trên HUD giữ nguyên thì máy chỉ thị đường chân trời thay đổi. Như vậy HUD đã hỏng và đúng là chiếc máy bay đang lao thẳng xuống mặt biển như một mũi tên.
Lúc này máy bay đã ở độ cao 3.000 m, độ cao tối thiểu để phóng ra an toàn, và vận tốc hơn 1.100 km/h. Udell ra lệnh phóng ghế thoát hiểm.
Nhưng do máy bay đang lao xuống quá nhanh, vào lúc mà phi công phụ White phóng ra thì độ cao chỉ còn 1.500 m. Udell phóng ra sau, lúc này độ cao chỉ còn hơn 900 m, trong lúc vận tốc là gần 1.500 km/h, nhanh hơn vận tốc âm thanh.
Đại úy Brian Udell và chiếc ghế thoát hiểm bị biến dạng của mình.
Toàn bộ cơ thể của Udell hứng chịu tác động cực mạnh của sóng xung kích khi anh phá bức tường âm thanh. Toàn bộ nón bảo hiểm, mặt nạ oxy đều bị xé rách và thổi tung. Kể cả găng tay, đồng hồ và áo phao cứu sinh cũng biến mất. Anh bị trật khớp vai trái, cả 2 chân cùng bị gãy.
Tuy nhiên, mọi việc diễn ra quá nhanh và dữ dội, viên phi công gần như không nhớ và cảm thấy đau đớn gì trong quá trình đó.
May mắn là ngoài áo phao cứu sinh, Udell còn có 1 bè cứu sinh được tự động phóng ra và đang treo lơ lửng bên dưới anh. Sau khi chạm mặt ước, Udell dùng hết sức lực còn lại của mình, và chỉ với cánh tay phải còn lạnh lặn, để leo lên bè.
Nhưng bè cứu sinh này chỉ được thiết kế để tự phồng lên 1 phần, viên phi công phải tự thổi phồng toàn bộ. Udell lúc này tuy đang nổi nhưng vẫn chạm mặt nước và có thể sớm bị mất thân nhiệt. Khi anh đưa ống thổi vào miệng thì phát hiện ra thêm 1 vấn đề nghiêm trọng khác: Gương mặt của anh đã hoàn toàn bị biến dạng.
Sức gió khủng khiếp ở vận tốc siêu âm đã khiến mọi mạch máu trên mặt Udell bị vỡ ra và khiến gương mặt anh sung phồng. Anh phải dùng răng cắn chặt ống thổi và dùng tay bịt chặt quanh miệng để thổi và làm bè cứu sinh phồng lên toàn bộ.
Trong lúc này, 3 chiếc F-15E còn lại, dựa trên tín hiệu cuối cùng từ máy bay của Udell đã gọi cứu hộ của lực lượng tuần duyên. Udell lênh đênh trên biển trong 4 giờ trước khi trực thăng định vị được bè cứu sinh.
Sử dụng một radio nhỏ, Udell dẫn đường cho trực thăng đến vị trí của mình. Phi công phụ Dennis White thiệt mạng ngay sau khi phóng ra dưới tác động khủng khiếp của vận tốc siêu âm.
Trải qua 4 lần phẫu thuật, Udell có thể bắt đầu bước đi 2 tháng sau tai nạn. Anh bay trở lại vào tháng 2/1996, 10 tháng sau tai nạn. Anh giải ngũ vào năm 1999 và trở thành một phi công dân sự.
B-52G rơi tại Ấn Độ Dương
Ngày 2/2/1991, chiếc B-52G cất cánh từ đảo Diego Garcia, nằm giữa Ấn Độ Dương để thực hiện một phi vụ ném bom trong Chiến tranh Vùng Vịnh. Hành trình dài 5.000 km đến Iraq và đợt rải bom từ độ cao lớn trong 90 giây diễn ra đúng như kế hoạch, không gặp bất kì hỏa lực nào từ đối phương.
Tuy nhiên, trên hành trình trở về, chiếc máy bay gặp tai nạn khiến tổ lái phải nhảy dù ngay bên trên Ấn Độ Dương, với chỉ 3 trong số 6 thành viên phi hành đoàn sống sót.
Chiếc B-52G này đã có tuổi đời 35 năm, cao hơn nhiều thành viên trong tổ lái. Nó từng gặp nhiều vấn đề kỹ thuật nhỏ trong quá trình hoạt động, nhưng đây là một điều bình thường với những máy bay có tuổi thọ cao như vậy.
Với tổ lái 6 người thuộc phi đoàn oanh tạc số 97, đây là phi vụ tác chiến thứ 4 của họ. Các thành viên gồm cơ trưởng đại úy Kevin Kent, cơ phó đại úy Jeffrey Love, hoa tiêu Jon Jeffrey Olson và Jorge I. Arteaga, sĩ quan tác chiến điện tử Eric D. Hedeen, và trung sĩ Steven Ellard.
Một chiếc B-52G
Trên đường quay về căn cứ, chiếc B-52G bắt đầu gặp 1 số vấn đề nhỏ, đồng hồ đo nhiên liệu và một máy phát điện bị hỏng. Sau đó, 2 trong số 8 động cơ ngừng hoạt động. Tuy vậy, cả cơ trưởng và cơ phó đều cảm thấy tình hình vẫn trong tầm kiểm soát, cơ phó Love thành công trong việc tái khởi động 1 trong 2 động cơ trên.
Nhưng vào lúc 3.40 rạng sáng ngày 3/2/1991, khi máy bay đang chuẩn bị hạ cánh và kết thúc phi vụ kéo dài 17 tiếng đồng hồ này, bỗng nhiên toàn bộ hệ thống điện ngừng hoạt động. Bên trong buồng lái hoàn toàn tối đen.
Trong lúc cơ trưởng Kent cố gắng kiểm soát chiếc máy bay thì cơ phó Love phải dùng một đèn pin để kiểm tra lại tài liệu hướng dẫn các bước xử lý sự cố. Khi anh vô tình rọi sáng bảng đồng hồ thông tin động cơ, mọi chỉ số đều đang giảm dần, tất cả các động cơ sắp ngừng hoạt động.
Kent và Love thử đẩy cần công suất về phía trước. Tiếng động cơ quen thuộc lại gầm lên một lúc trước khi lịm hẳn. Không gian trong buồng lái trở nên hoàn toàn yên tĩnh.
Lúc này máy bay còn cách đảo Diego Garcia khoảng 25 km. Nó ở độ cao chỉ hơn 600 m và đang tiếp tục rơi xuống rất nhanh.
"Cơ trưởng, chúng ta phải thoát ra ngay" cơ phó Love nói.
"Khoan, đợi 1 chút đã" cơ trưởng Kent đáp lời.
Hoa tiêu Olson, lúc này đang ở khoang bên dưới buồng lái, hét lên qua điện đàm nội bộ: "Thoát ra ngoài thôi!"
Cơ phó Love yêu cầu 1 lần nữa: "Cơ trưởng, chúng ta phải thoát khỏi máy bay ngay!" Sau đó, anh kéo cần phóng ghế thoát hiểm. Anh nhớ rõ giây phút khi cửa sập trên nóc buồng lái bung ra và ánh sáng trăng tràn vào buồng lái, ngay trước khi ghế được phóng ra ngoài.
Kent, Ellard và, Hedeen cũng kịp phóng ra ngoài, nhưng Hedeen thiệt mạng khi va chạm với mặt nước, dù của anh này dường như không kịp mở ra. Olson và Arteaga, những người ở khoang dưới của máy bay, dường như không kịp thoát ra. Thi thể của họ không bao giờ được tìm thất.
Cả 3 người sống sót đều nhớ rằng họ chạm mặt nước gần như ngay sau khi phóng ra ngoài. Cơ trưởng Kent phóng ra khi máy bay ở độ cao chỉ 200 m. Ellard còn kịp thấy chiếc B-52G lướt qua bên dưới khi anh đang lơ lửng trên không.
Từ đài quan sát trên đảo, các kiểm soát viên không lưu có thể thấy rõ quả cầu lửa bùng lên trong bóng đêm. Chiếc B-52G nổ tung khi chạm mặt nước. Cả 3 người sống sót đều đáp xuống mặt nước ngay giữa những mảnh vụn, một dấu hiệu cho thấy họ phóng ra ở độ cao rất thấp.
Love đáp xuống cách một mảnh vỡ đang bốc cháy chỉ khoảng 1m. Anh leo lên bè cứu sinh, đốt một quả pháo sáng và chuẩn bị ném nó xuống mặt nước, nhưng kịp nhận ra mặt nước xung quanh đang bị bao phủ bởi nhiên liệu phản lực. Phi công trên chiếc trực thăng cứu nạn khi vừa đến hiện trường cũng có thể ngửi thấy mùi nhiên liệu nồng nặc bốc lên.
Các thành viên sống sót của tổ lái sau này cho rằng cơ trưởng Kent đã chậm trễ trong việc ra lệnh thoát hiểm, nhưng Kent cho biết mình đã làm đúng theo quy định.