“Chạy công chức không dưới 100 triệu”
Đây chính là phát ngôn gây sốc của ông Trần Trọng Dực, người được xét tặng danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú” năm 2015. Mặc dù thực trạng “chạy công chức” đã được nhắc đến nhiều, nhưng kết quả kiểm tra sau đó lại chỉ là “tin đồn”.
Tại buổi làm việc của kỳ họp HĐND Thành phố Hà Nội diễn ra vào cuối năm 2012, ông Trần Trọng Dực, lúc đó còn là Trưởng Ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng “chạy công chức” ở Thủ đô.
Với phát ngôn gây sốc “chạy công chức ở Hà Nội không dưới 100 triệu”, ông Trần Trọng Dực thời điểm đó còn tự tin khẳng định, cá nhân ông hoàn toàn lường trước được hậu quả khi phát biểu như vậy.
Sau đó, Phó Thủ thướng Chính phủ đã hai lần chỉ đạo UBND Hà Nội nghiêm túc kiểm tra và xử lý vụ việc.
UBND thành phố đã giao Giám đốc Sở Nội vụ kiểm tra, rà soát thi tuyển công chức, viên chức tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Kết quả sau đó, các đoàn kiểm tra đều đánh giá UBND các đơn vị được kiểm tra đã “cơ bản thực hiện đúng nội dung, quy định, đúng hướng dẫn”.
Tuy nhiên, đoàn kiểm tra tại UBND huyện Thanh Trì cũng phát hiện một trường hợp sai sót trong tổng hợp điểm xét tuyển của thí sinh dự thi khối mầm non, làm thay đổi kết quả tuyển dụng.
Sở Nội vụ kết luận rằng, qua kiểm tra các quận, huyện, chưa phát hiện có hồ sơ, tài liệu chứng cứ thể hiện việc cán bộ, công chức tham gia công tác tuyển dụng vi phạm quy định hay lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cố ý làm trái hay vụ lợi bất chính.
Và Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng thời điểm đó khẳng định: Thông tin “chạy công chức...” chỉ là tin đồn.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương
“Bôi trơn sổ đỏ”
Thông tin này được đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nêu ra tại phiên chất vấn giữa hai kỳ họp Quốc hội vào năm 2014.
Thời điểm đó, ông Cương nói rằng, người dân phản ánh tình trạng khá phổ biến về tiêu cực, tham nhũng, bôi trơn trong việc cấp sổ đỏ, nhất là tại các khu chung cư.
Thực tế có nhiều dự án đã hoàn thành và bàn giao cho người dân sử dụng hàng năm mà không nói gì đến sổ đỏ.
Ông Cương nêu dẫn chứng cụ thể: Theo phản ánh của người dân tại khu đô thị Mễ Trì Thượng, phí “bôi trơn” để làm sổ đỏ là 8 triệu đồng/hộ, thu tiền kiểu trao tay, không giấy tờ.
Quy trình làm sổ rất mập mờ vì không làm riêng lẻ từng hộ mà thực hiện một lượt với toàn bộ toà nhà, người nào chấp nhận chi tiền "bôi trơn" thì nhận được sổ, gia đình nào không chịu nộp thì tiếp tục… chờ.
Khi đó, lãnh đạo Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp cận với đại biểu Nguyễn Sỹ Cương xin lại danh sách phản ánh để xử lý.
Sau khi thanh tra vào cuộc, kết luận và đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ, nhưng sau hơn một năm, vụ việc đã có dấu hiệu rơi vào im lặng.
Không dừng lại ở đó, tại một phiên chất vấn của Quốc hội, đại biểu Cương lại tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT về việc này.
Thế nhưng vấn nạn bôi trơn ấy cuối cùng cũng... trơn tuột, bởi tìm ra bằng chứng kết tội về việc này là vô cùng khó khăn.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung
"Công an đứng sau quán bia vỉa hè"
Tại một hội nghị quán triệt triển khai trật tự ATGT, đô thị vừa qua, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã làm dư luận dậy sóng khi công bố thông tin: “Tôi thống kê, hơn 180 quán bia vỉa vè thì có trên 150 quán bia có công an đứng đằng sau”.
Ông Chung dẫn dụ và nhấn mạnh rằng, nguyên nhân để vỉa hè bị lấn chiếm là do “tất cả các ông công an bỏ mà thôi”, và nếu quán triệt thì sẽ “trật tự hết”.
Không dừng lại ở đó, người đứng đầu chính quyền Hà Nội còn hỏi thẳng: “Các bí thư, chủ tịch quận ngồi đây dám cam đoan với tôi, các điểm trông giữ xe dưới phường có người nhà, có bãi đỗ xe của bí thư, chủ tịch không?
Rồi ông Chung trả lời luôn: “Có đấy. Tôi xin nói các đồng chí có cả. Các đồng chí phải quán triệt, về bảo người nhà thôi thì sẽ đỡ đi rất nhiều rồi”.
Thậm chí, Chủ tịch Hà Nội còn cảnh báo, nếu lần này không làm, ông sẽ chỉ rõ chỗ nào của bí thư quận nào, chủ tịch, trưởng phường, kể cả lãnh đạo sở cũng có.
Nói rồi ông quay sang hỏi Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm: Các điểm bãi đỗ xe xung quanh bến xe Mỹ Đình có những ai, người nhà nhà ai ở đấy, quê ở đâu?
“Các đồng chí cứ nêu xem có phải ở Bắc Ninh không? Ai quê Bắc Ninh thì tra ngược ra. Tôi không tiện nói rõ, nhưng phải có cách làm đúng mới có phương pháp đúng được.
Lần này, chúng ta làm cương quyết, bền vững, nhưng không ồn ào”, ông Chung tuyên bố.