Hãng AP dẫn tin, một số mẫu vật được thu thập gần đây, bao gồm các phân tử hữu cơ, cho thấy rằng miệng núi lửa Jezero có thể từng là một hồ nước hoặc một vùng châu thổ xa xưa cách đây 3,5 tỷ năm.
Tàu thám hiểm Perseverance. Ảnh: CNN
Ông Ken Farley, nhà khoa học tại Viện Công nghệ California ở Pasadena cho biết những tảng đá đang được khảo sát xung quanh khu vực này có rất nhiều phân tử hữu cơ mà chúng tôi từng tìm thấy nhưng với số lượng ít trước đây.
Sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa, bắt đầu trên hành tinh đỏ cách đây 18 tháng bao gồm tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống cổ đại. Tàu thăm dò đã thu thập các mẫu đá và hiện đang giữ 12 mẫu.
Nhiệm vụ này thuộc chương trình "Mars Sample Return" (Thu hồi mẫu vật sao Hỏa) và sẽ đưa bộ sưu tập mẫu lấy được từ sao Hỏa trở về Trái đất vào khoảng năm 2030.
Thám hiểm sâu hơn
Vị trí xung quanh miệng núi lửa Jezero thu thút sự quan tâm đặc biệt đối với các nhà khoa học NASA. Đặc điểm địa chất nơi đây gắn liền với lịch sử sao Hỏa và có nhiều lớp đá trầm tích.
Tàu thám hiểm đã tìm kiếm xung quanh miệng núi lửa và phát hiện những bằng chứng về đá và núi lửa. Như vậy, trong chiến dịch nghiên cứu thứ hai quanh khu vực trong 5 tháng qua, tàu Perserverance phát hiện thêm các lớp đá trầm tích phong phú, góp phần mở rộng thêm kiến thức về khí hậu và môi trường cổ đại của sao Hỏa.
"Khu vực đồng bằng có các loại đá trầm tích đa dạng, tương phản với lớp đá cháy do hình thành từ sự kết tinh của đá magma - một loại đá hình thành từ hoạt động của núi lửa. Phát hiện này cho thấy sự phong phú về lịch sử địa chất nơi này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm thấy cả đá sa thạch từ miệng núi lửa Jezero", ông Farley cho biết.
Nhóm thám hiểm đã đặt tên cho một trong những tảng đá mà tàu thám hiểm Perseverance lấy mẫu là Wildcat Ridge. Đá này có thể đã được hình thành trong điều kiện bùn, cát lắng xuống trong hồ nước mặn và sau đó bay hơi cách đây hàng tỷ năm. Tàu thám hiểm này đã cạo bỏ bề mặt của tảng đá và tiếp tục phân tích bằng công cụ có tên là SHERLOC.
Sunanda Sharma, nhà khoa học sử dụng công cụ SHERLOC tại phòng thí nghiệm của NASA ở Pasadena cho biết tia laser sẽ được sử dụng để tìm kiếm và phân tích các hóa chất, khoáng chất và phân tử hữu cơ của mẫu vật này. Các phân tử hữu cơ phát hiện trên sao Hỏa được cấu tạo từ rất nhiều chất và hợp chất, chẳng hạn như carbon, hydro, oxy, ni tơ, phốt pho, lưu huỳnh và các chất hữu cơ. Tuy nhiên, không phải tất cả các phân tử hữu cơ đều hỗ trợ hình thành sự sống vì có một số phân tử được tạo thành thông qua phản ứng hóa học của những hợp chất trên.
"Mặc dù đã phát hiện ra các phân tử hữu cơ nhưng cũng chưa chắc chắn là có sự sống ở đó. Nói một cách đơn giản, nếu đây là cuộc săn tìm kho báu với mục tiêu cuối là tìm kiếm sự sống trên một hành tình khác thì phân tử hữu cơ là một manh mối. Và chúng tôi ngày càng phát hiện nhiều manh mối trong quá trình thám hiểm ở đây", ông Sharam nói.
Tàu thám hiểm Perseverance và tàu Curiosity từng tìm thấy phần tử hữu cơ trước đây trên sao Hỏa. Nhưng lần này, chúng được tìm thấy ở khu vực được cho là có thể đã tồn tại sự sống.
"Thực tế, các phân tử hữu cơ được tìm thấy trong một loại đá trầm tích rất quan trọng. Tuy nhiên, các mẫu thu thập được sẽ cần phải được tiếp tục nghiên cứu thêm", ông Farley nhấn mạnh.
Mang mẫu thám hiểm về Trái Đất
Theo nhà nghiên cứu Farley, các mẫu thu thập cho đến nay đại diện cho sự đa dạng phong phú xung quanh các khu vực quan trọng trong miệng núi lửa. Nhóm thám hiểm đã gửi một số mẫu thu thập được về Trái Đất cách đây khoảng 2 tháng.
Sau khi đã thu thập các mẫu quanh miệng núi lửa lần này, nhóm thám hiểm sẽ tiếp tục khám phá thêm ở khu vực khác. Nhiệm vụ trong tương lai là tiếp tục thu thập các mẫu này và đưa chúng về Trái đất để phân tích bằng các công cụ tiên tiến nhất. Theo chuyên gia Farley, vẫn chưa chắc chắn tàu Perseverance có tìm thấy thêm bằng chứng để chứng minh về sự sống trên sao Hỏa hay không nhưng rõ rằng việc tìm kiếm không hề dễ dàng.
"Tôi đã nghiên cứu về khả năng tồn tại sự sống và địa chất trên sao Hỏa trong phần lớn sự nghiệp và biết được rằng giá trị khoa học của những mẫu vật mang về Trái Đất là rất đáng lớn", bà Laurie Leshin, Giám đốc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA nói. "Chúng tôi phải mất rất nhiều tuần để thu thập mẫu bằng tàu do thám nhưng sẽ phải mất nhiều năm để mang chúng về Trái đất. Từ đó, các nhà khoa học có thể nghiên cứu chi tiết hơn. Chúng ta sẽ biết được nhiều hơn".
Khi các mẫu vật được đưa vào phòng thí nghiệm trên Trái đất, chúng ta sẽ biết thêm về sự sống ở môi trường sao Hỏa, chẳng hạn như hóa học, nhiệt độ và thời điểm vật liệu lắng đọng.
"Có thể khẳng định, nhóm thám hiểm đã thu thập được hai trong số các mẫu quan trọng nhất trong nhiệm vụ lần này," ông David Shuster, nhà khoa học tại Đại học California, Berkeley cho biết.