Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, từ năm 2020, quỹ đất để phát triển dự án tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang,... ngày càng trở nên khan hiếm, giá đất theo đó ngày một tăng cao.
Nhiều chủ đầu tư đã chuyển hướng tìm đến những vùng đất mới, còn nhiều dư địa để phát triển dự án như Tây Nguyên, các tỉnh ven biển miền Trung, phía Tây Bắc hay các đô thị vệ tinh Hà Nội, Tp.HCM...
Tại ĐHĐCĐ thường niên, nhiều doanh nghiệp BĐS đã trình kế hoạch mở rộng quỹ đất và được cổ đông thông qua, nhằm chuẩn bị chiến lược dài hơi sau giai đoạn dịch Covid-19 và phục vụ mục tiêu tăng trưởng trong trung và dài hạn. Trong đó, nhiều doanh nghiệp tính đến việc đi xa hơn để mở rộng thị trường.
Theo thông tin tại Đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 của Tập đoàn Novaland, tính đến quý 1/2021, doanh nghiệp đã và đang phát triển quỹ đất hơn 5.400ha, tổng giá trị phát triển dự án của quỹ đất này ước đạt gần 45 tỷ USD.
Đại diện Novaland cho biết, dựa trên những thành quả đầu tiên sau 3 năm triển khai các dự án tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Tập đoàn này sẽ xem xét mở rộng quỹ đất tại một số địa phương như Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định. Mục tiêu đến năm 2030, Novaland bổ sung thêm quỹ đất 10.000ha, nâng tổng quỹ đất lên 15.000ha để chuẩn bị cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.
Theo doanh nghiệp này, 3 dự án trọng điểm NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa - Vũng Tàu), NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận), và Aqua City (Đồng Nai) sẽ được đẩy nhanh tiến độ triển khai để đủ điều kiện ghi nhận doanh thu, lợi nhuận trong 3 năm tới, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch ban đầu.
Hay, theo báo cáo mới đây của Tập đoàn An Gia, giai đoạn 2021-2026, doanh nghiệp dự kiến sẽ triển khai 11 dự án, với tổng số lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường là 21.488 sản phẩm, lần lượt gấp 2 lần về dự án và gấp 8,48 lần số sản phẩm, quy mô diện tích sàn thương mại gấp 8,97 lần so với giai đoạn 2015-2021. Điểm rơi lợi nhuận của AGG dự kiến từ năm 2021 đến từ 11 dự án trên, qua đó duy trì được dòng tiền, và tốc độ tăng trưởng qua các năm.
Hiện doanh nghiệp này sở hữu quỹ đất với quy mô 103 ha (cho 11 dự án nói trên), trong đó tỷ lệ quỹ đất tại Tp.HCM chiếm 47,5% tổng quỹ đất. Nếu so sánh về quy mô vốn, AGG chỉ ở top dưới so với các doanh nghiệp niêm yết cùng ngành khác, vốn chủ sở hữu chỉ 2.277 tỷ đồng, nhưng quỹ đất lại ở mức tương đối so với bình quân ngành.
Tính đến 30/6, An Gia có vốn điều lệ hơn 827,5 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong nửa cuối năm 2021, công ty sẽ chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 để gấp đôi vốn điều lệ, dự kiến đạt hơn 1.737 tỷ đồng. Số tiền thu được từ phát hành nhằm bổ sung vốn đầu tư, mở rộng quỹ đất.
Nằm trong kế hoạch mở rộng quỹ đất, định hướng triển khai xây dựng những khu phức hợp biệt lập, nửa đầu năm, đơn vị này cũng thực hiện thương vụ M&A dự án 27 ha tại Bình Chánh, Tp.HCM. Công ty có kế hoạch phát triển dự án với quy mô 7.000 - 8.000 sản phẩm căn hộ và nhà thấp tầng. Hiện, thủ tục pháp lý liên quan dự án đang được hoàn thiện, dự kiến sẽ đưa sản phẩm ra thị trường vào đầu năm 2022.
Riêng năm 2021, AGG đề ra kế hoạch sản lượng sản phẩm tiêu thụ dự kiến 3.600 căn (số cũ là 3.000), doanh số bán hàng 8.000 tỷ đồng, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 3.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 500 tỷ đồng. Nửa đầu năm, đơn vị này có doanh thu thuần 603 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 195 tỷ đồng. Tổng tài sản doanh nghiệp đạt 11.926 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc liên tục bổ sung quỹ đất để phát triển dài hơi
Trong cuộc đua "bành trướng" quỹ đất nghìn tỷ ra vùng ven không thể không nhắc đến ông lớn Hưng Thịnh Land. Doanh nghiệp này có quỹ đất 4.500 ha tại các thị trường vùng ven kế cận Sài Gòn, cũng đã vươn tay nới rộng quỹ đất lan xa ra các tỉnh Đông Nam Bộ và miền Trung.
Ngoài quỹ đất doanh nghiệp này đang phát triển tại Tp.HCM thì các tỉnh thành có tiềm năng kinh tế như Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng đang là địa bàn của ông lớn này, với quy mô dòng vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Theo đơn vị này, nắm trong tay quỹ đất này, doanh nghiệp có thể đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững trong 10 năm tới. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng thêm quỹ đất trong năm 2021, đón đầu sự phát triển của cơ sở hạ tầng tại nhiều tỉnh thành để đa dạng hóa rổ hàng và bắt kịp các đối thủ.
Một doanh nghiệp địa ốc khác tại Tp.HCM là Nam Long Group nắm tổng quỹ đất gần 700 ha khắp các tỉnh thành, song từ năm 2020 đến nay vẫn dành 2.000 tỷ đồng mỗi năm để săn thêm đất, trong đó vùng ven tiếp tục lọt vào tầm ngắm. Hiện doanh nghiệp này có quỹ đất lớn ở 6 thị trường tiềm năng thuộc các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam gồm Tp.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Cần Thơ và đang tịnh tiến ra Hải Phòng, Hà Nội.
Giai đoạn 2021-2030, Nam Long định vị hai mảng kinh doanh cốt lõi gồm phát triển quỹ đất và phát triển nhà ở. Riêng giai đoạn 2019-2020, việc phát triển quỹ đất đồng thời tiến hành M&A (mua bán sáp nhập) từng mang về nguồn thu nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Tại buổi ĐHĐCĐ thường niên 2021, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long cho biết, giai đoạn từ nay đến 2030, Nam Long định hướng phát triển thành công ty bất động sản tích hợp, chủ đầu tư khu đô thị tích hợp và bất động sản nhà ở vừa túi tiền. Doanh nghiệp phấn đấu đạt doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.
Trong giai đoạn này, doanh nghiệp này vẫn sẽ tập trung vào các sản phẩm nòng cốt là EHome, EHomeS, Flora, Valora; mở rộng địa bàn ra Hà Nội, các đô thị cấp 2 (Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) và thị trường quốc tế.
Còn Công ty CP Địa ốc Sài Gòn cũng dự kiến, năm 2021, ngoài thị trường trọng tâm và thị trường truyền thống Tp.HCM, đơn vị này sẽ triển khai các dự án tại Vũng Tàu, Hòa Bình và Bình Thuận. Đồng thời tiếp tục tìm kiếm dự án đầu tư tại các tỉnh, thành phố có ngành du lịch và công nghiệp phát triển mạnh, thị trường bất động sản có nhiều triển vọng.
Hay, các ông lớn trong lĩnh vực địa ốc như FLC cũng đang tấn công mạnh mẽ vào thị trường Tây Nguyên, Sungroup quay lại phát triển một dự án lớn tại Sapa sau một thời gian dồn lực vào Phú Quốc và Quảng Ninh; Tập đoàn Vingroup dự kiến bung hàng loạt khu đô thị lớn vùng ven Hà Nội…
Giới chuyên gia cho rằng, 2021 là năm của sự chủ động và linh hoạt thích ứng, nên các kế hoạch của doanh nghiệp đều thể hiện một tầm nhìn dài hạn và chuyên tâm hơn trong việc phát triển các sản phẩm của mình. Những kế hoạch này dự báo sẽ mở ra nhiều sự tăng trưởng bùng nổ về lợi nhuận và cơ cấu nguồn hàng trong năm 2022 của các doanh nghiệp địa ốc.