Những "ổ gà" san sát trên Con đường tơ lụa mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Hồng Anh |

Sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập Cận Bình gặp nhiều trở ngại do các tranh chấp về lợi ích, cùng những lo lắng về an ninh của các quốc gia bản địa.

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay kế hoạch phục hưng Con đường tơ lụa cổ đại được công bố năm 2013, bao gồm những dự án do Trung Quốc xây dựng hoặc cấp vốn tại 65 quốc gia từ Nam Thái Bình Dương qua lục địa Á – Phi – Âu.

Những dự án này bao gồm các giàn khoan dầu khí từ Siberia đến các cảng biển ở Đông Nam Á, tuyến đường sắt ở Đông Âu và các nhà máy điện ở Trung Đông.

Từ Pakistan đến Tanzania, cho tới Hungary, sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đã lần lượt va vấp nhiều "ổ gà": bị hủy bỏ, tái thương lượng hoặc trì hoãn vì các tranh chấp về chi phí, hay khiếu nại của các quốc gia do nhận được quá ít lợi nhuận từ các dự án do công ty Trung Quốc xây dựng và phải hoàn trả các khoản vay của Bắc Kinh.

Tại một số khu vực, Bắc Kinh đang vấp phải phản ứng của nước bản địa do mối lo ngại về sự bành trướng của cường quốc kinh tế lớn nhất châu Á.

"Tình huynh đệ sắt thép" nhưng vẫn không thể hợp tác?

Kế hoạch xây dựng Con đường Tơ lụa mới gồm các tuyến đường sắt, cảng và các cơ sở hạ tầng khác của Trung Quốc nhằm nối liền lục địa Á-Âu đã vấp ngay "ổ gà" 14 tỉ USD tại Pakistan.

Theo AP, Trung Quốc và Pakistan có mối quan hệ mật thiết được ví như "tình huynh đệ sắt thép". Tuy vậy Pakistan vẫn không thể đồng ý với Bắc Kinh trong những dự án trọng điểm.

Pakistan đã hủy kế hoạch xây dựng đập thủy điện Diamer-Bhasha hồi tháng 11 năm ngoái vì lợi ích quốc gia, sau khi Trung Quốc đòi quyền kiểm soát toàn bộ con đập.

"Pakistan là một trong những quốc gia được Trung Quốc bảo hộ và khi quốc gia này đứng lên phản kháng thì chứng tỏ tình hình không phải "đôi bên cùng có lợi" như Trung Quốc vẫn thường hứa hẹn," nhà nghiên cứu Robert Koepp tại cơ quan nghiên cứu Mạng lưới các nhà Kinh tế học (Economist Corporate Network) tại Hồng Kông nhận định.

Những ổ gà san sát trên Con đường tơ lụa mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh 1.

Đập thủy điện Diamer Bhasha. Ảnh: nation.com.pk.

Chính phủ hai nước đang hợp tác phát triển các cơ sở hạ tầng với tổng chi phí 60 tỉ USD, bao gồm các nhà máy điện và tuyến đường sắt để liên kết điểm cực Tây của Trung Quốc với cảng Gwadar do Trung Quốc xây dựng trên Ấn Độ Dương.

Ngay cả chuyến viếng thăm Pakistan của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng 11/2017 cũng không thể cứu vãn tình hình, và giúp hai quốc gia này đạt được thỏa thuận về kế hoạch xây dựng đường sắt tại thành phố phía Nam Karachi trị giá 10 tỉ USD và một sân bay trị giá 260 tỉ USD tại Gwadar.

Cũng trong tháng 11/2017, ông Muzammil Hussain, Chủ tịch Cơ quan Phát triển Nguồn nước và Năng lượng của Pakistan chính thức tuyên bố rút dự án xây dựng đập thủy điện Diamer-Bhasha khỏi kế hoạch phát triển chung. Đập thủy điện này được dự kiến xây dựng tại Gilgit-Baltistan thuộc Kamir tại cực Bắc của Pakistan, nơi Pakistan tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, AP cho hay.

"Điều kiện để Trung Quốc đầu tư xây dựng đập Diamer-Bhasha là không thể thực hiện được và hoàn toàn đi ngược lại với những lợi ích của chúng tôi," ông Muzammil Hussain tuyên bố với truyền thông.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Trung Quốc, cơ quan giám sát kế hoạch Vành đai và Con đường, đã bác bỏ bằng văn bản về việc yêu cầu quyền sở hữu đập Diamer-Bhasha và nói hai bên chỉ mới tiến hành đàm phán sơ bộ về dự án.

Vành đai và Con đường là kế hoạch cho vay lấy lãi của Trung Quốc?

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), những quốc gia hoan nghênh sáng kiến này của ông Tập nằm trong khu vực cần khoản đầu tư 26.000 tỉ USD và cơ sở hạ tầng cho đến năm 2030 để tiếp tục phát triển kinh tế.

Các quốc gia lớn như Nhật Bản đã đầu tư hoặc cho vay hàng tỉ USD cho việc phát triển nhưng khoản đầu tư của Trung Quốc lớn hơn và là khoản đầu tư duy nhất cho rất nhiều dự án.

Tầm ảnh hưởng về tài chính của Trung Quốc đối với Pakistan đã tăng lên sau khi Washington quyết định cắt nguồn viện trợ an ninh cho Islamabad vì cho rằng nước này chứa chấp lực lượng phiến quân Afghanistan.

Các khoản tiền đầu tư trong chương trình Vành đai và Con đường được cho nhằm đem lại lợi ích kinh tế, chứ không phải viện trợ.

Tháng 4/2017, ông Âu Hiểu Lý, quan chức chính phủ Trung Quốc cho biết, các khoản vay sẽ mang tính chất thương mại. Bắc Kinh muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tuy việc đó chỉ áp dụng cho một số dự án, ông Âu cho biết.

Những ổ gà san sát trên Con đường tơ lụa mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh 2.

Các công nhân xây Con đường Tơ lụa mới tại Pakistan. Ảnh: AP

Bị xử ép, các nước tìm giải pháp thay thế?

Một trong số các dự án gặp trở ngại là dự án đập thủy điện 2,5 tỉ USD tại Nepal, vì dự án này vi phạm quy định phải có nhiều nhà thầu đấu thầu.

Liên minh Châu Âu (EU) cũng xem xét lại việc Hungary hợp tác với Trung Quốc có vi phạm quy tắc thương mại của khối hay không, sau khi nước này trao hợp đồng dự án cho nhà thầu Trung Quốc mà không công bố đấu thầu.

Tại Myanmar, kế hoạch xây dựng một nhà máy lọc dầu trị giá 3 tỉ USD đã bị hủy bỏ hồi tháng 11/2017 do những trở ngại về tài chính, Myanmar Times đưa tin.

Chính phủ Mỹ và Nhật Bản đều bày tỏ quan tâm đối với các hợp đồng xây dựng hoặc các cơ hội tiềm năng thuộc chương trình Vành đai và Con đường cho các công ty của nước họ, đồng thời họ cũng cố gắng phát triển những sáng kiến thay thế.

Theo một tuyên bố của Nhà Trắng, tháng 11/2017, Tập đoàn Đầu tư Tư nhân ở nước ngoài của chính phủ Mỹ đã kí kết thỏa thuận với các đối tác Nhật Bản để cung cấp "các giải pháp thay thế đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu vực Đông Dương – Thái Bình Dương".

Tháng 12/2017, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố Nhật Bản có thể "hợp tác lớn" với Trung Quốc.

Những ổ gà san sát trên Con đường tơ lụa mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh 3.

Thủ tướng Shinzo Abe: "Nhật Bản có thể hợp tác lớn với Trung Quốc". Ảnh: CNN.

Kế hoạch thương mại của Bắc Kinh gắn liền với những nỗ lực để đưa hệ thống đường sắt, thủy điện và các công nghệ khác, cùng với các mặt hàng thép, nhôm và mặt hàng công nghiệp khác ra thế giới.

Thái Lan đã ngừng dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trị giá 15 tỉ USD hồi năm 2016, sau khi nhiều công ty Thái khiếu nại không được tham gia dự án.

Sau nhiều cuộc đàm phán về chi phí, chia sẻ công nghệ và quyền sử hữu đất, lãnh đạo Thái Lan đã công bố một kế hoạch xây dựng đường mới từ thủ đô Bangkok đến khu vực Đông Bắc nước này vào tháng 7/2017. Các nhà thầu Thái Lan sẽ chịu trách nhiệm xây dựng, còn phía Trung Quốc sẽ cung cấp công nghệ.

Tại Tanzania, chính phủ đã mở lại cuộc đàm phán với Trung Quốc và một nhà đầu tư khác, về quyền sở hữu một cảng trị giá 11 tỉ USD tại thành phố Bagamoyo. Chính phủ Tanzania không thể đóng góp 28 triệu USD, do đó chưa rõ họ sẽ hưởng lợi bao nhiêu.

Theo một quan chức, Tanzania muốn người dân nước này nhận được nhiều hơn là các khoản thuế thu được từ cảng: "Đất đai là của nhân dân Tanzania, và chính phủ sẽ đảm bảo họ được hưởng lợi."

Tại Sri Lanka, chính phủ đã bán 80% cổ phần tại một cảng ở thành phố Hambantota ở phía Nam nước này cho một công ty nhà nước của Trung Quốc vào tháng 12 khi không trả được món nợ 1,5 tỉ USD cho Bắc Kinh.

Kế hoạch khó thành công?

"Khả năng cao là Trung Quốc sẽ vấp phải nhiều bất đồng và hiểu lầm," ông Kerry Brown, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học King’s College London nhận định.

"Trong thời điểm này thật khó để tưởng tượng Vành đai và Con đường là một dự án quy mô lớn và thành công" ông Brown nói.

Với vai trò người cho vay vốn, Bắc Kinh có khả năng yêu cầu các quốc gia sử dụng công nghệ và chấp nhận nhà thầu Trung Quốc, nhưng đồng thời việc này cũng có thể dẫn đến các khiếu nại từ các quốc gia nếu họ không được lợi.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn khẳng định hầu hết các dự án trong kế hoạch Vành đai và Con đường vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch và không gặp nhiều trở ngại.

Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho biết, năm 2015, họ đã dành 890 tỉ USD cho hơn 900 dự án tại 60 quốc gia về khí đốt, khoáng sản, điện, viễn thông, cơ sở hạ tầng và nông nghiệp. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho biết họ sẽ tài trợ cho 1.000 dự án ở 49 quốc gia.

Các công trình xây dựng đường ống dẫn dầu khí từ Nga và Trung Á vẫn đang được tiến hành với "tiến độ ổn định", và theo ông Lý Thành Chương, cán bộ Bộ Công thương Trung Quốc, "Trung Quốc vẫn còn rất nhiều cơ hội hợp tác".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại