Người vợ xấu "ma chê quỷ hờn"
Phu nhân của Gia Cát Lượng có tên Hoàng Nguyệt Anh – con gái danh sĩ Hoàng Thừa Ngạn.
Sử cũ miêu tả bà là một người “năng lý năng ngoại” (giỏi lo toan việc trong nhà lẫn việc bên ngoài), sắp xếp ổn thỏa chuyện gia sự, đồng thời còn bang trợ rất nhiều cho sự nghiệp của Gia Cát Lượng.
Vậy nhưng, Hoàng Nguyệt Anh mãi trở thành một nỗi hối tiếc trong cuộc đời của Khổng Minh.
Hoàng Nguyệt Anh là một trong những điều khiến Gia Cát Lượng "hối tiếc"! (Tranh minh họa).
Dù xuất thân khuê các, nổi danh thông minh, nhưng bà lại có vẻ ngoài rất xấu xí, thậm chí còn được xếp vào danh sách “Ngũ xú Trung Hoa” (năm người phụ nữ tài năng nhưng xấu nhất trong lịch sử Trung Quốc).
Phàm là con người, ai cũng mang trong mình lòng yêu cái đẹp, huống chi Khổng Minh cũng không phải thánh nhân. Không phải ông không để ý tới vẻ bề ngoài của vợ, chỉ là vị Ngọa Long tiên sinh này khéo che giấu tâm tư của mình mà thôi.
Nếu không vì sự nghiệp chính trị của mình, Gia Cát Lượng hoàn toàn có thể lấy một người vợ xinh đẹp. Nhưng so sánh một mỹ nhân vô dụng với một phụ nữ “xấu người, đẹp nết”, lại có thể giúp đỡ đại nghiệp cho mình, Khổng Mình đã lựa chọn Hoàng Nguyệt Anh.
Chịu cảnh mồ côi
Sống trong cảnh phụ mẫu qua đời sớm, ngay từ nhỏ, Khổng Minh đã trở thành một cô nhi. Trong suốt quãng đời niên thiếu, ông không được hưởng tình yêu thương của cha mẹ, chỉ có thể dựa vào sự cưu mang của người chú ruột.
Người Trung Quốc có câu: “trẻ có mẹ giống như viên ngọc, trẻ mất mẹ giống như cây cỏ”.
Bởi vậy, việc thiếu vắng sự chăm lo của cha mẹ có thể coi là niềm nuối tiếc lớn nhất trong thuở thiếu thời của Gia Cát Lượng.
“Người không hiểu ta”!
Là một người có tầm nhìn xa trông rộng, mang trong mình tài cao, chí lớn, từ rất sớm, Khổng Minh đã lựa chọn cho bản thân một con đường riêng để xây dựng đại nghiệp. Tiếc rằng, trong những năm tháng hàn vi, không có mấy người hiểu được tài năng và chí khí của ông.
Sau khi chú ruột qua đời, Gia Cát Lượng thấy bản thân chưa thể đắc chí, liền cùng em trai ẩn cư tại đất Nam Dương thuộc vùng Long Trung. Ngày ngày cày ruộng, đọc sách, nhưng bản thân Khổng Minh không chấp nhận cả đời làm nông phu.
Những năm tháng hàn vi, không mấy người hiểu được chí khí và tài năng của Ngọa Long tiên sinh. (Ảnh minh họa).
Khi ấy, ông vẫn thường so mình với Quản Trọng (người hiệp trợ Hoàn Công tranh bá thiên hạ) và Nhạc Nghị (người phò tá Yến Chiêu Vương). Họ đều là những nhân vật nổi danh thời Xuân Thu – Chiến Quốc.
So sánh mình với những hình tượng như vậy, Gia Cát Lượng muốn khẳng định tài năng, bản lĩnh cũng như khát vọng của bản thân.
Tiếc rằng lúc đó, mọi người chưa coi trọng tài năng, cũng chưa thấu hiểu chí lớn của Khổng Minh, chỉ biết cười chê ông kẻ hão huyền.
Xa cách anh trai
Anh trai của Gia Cát Lượng là Gia Cát Cẩn từ sớm đã ra ngoài lập nghiệp, sau đó phò tá cho Tôn Sách của Đông Ngô.
Tôn Sách rất trọng người tài, bản thân Gia Cát Cẩn lại là người “hiền năng” (vừa có tài vừa hiền đức), nên rất được quân chủ trọng dụng.
Xa cách người thân cũng là một nỗi niềm khôn nguôi trong lòng Khổng Minh lúc sinh thời. (Tranh minh họa).
Vậy nhưng, cũng vì điều này mà hai huynh đệ Gia Cát Cẩn và Gia Cát Lượng ở vào cảnh trời nam, đất bắc, lại phò tá hai minh chủ khác nhau, nên rất khó có thể gặp lại.
Sớm rơi vào cảnh mồ côi, nay lại phải xa cách thân nhân, Khổng Minh có lẽ sẽ mang trong mình tâm trạng cô độc.
Quan hệ với Lưu Biểu
Mối quan hệ này trở thành sự hoang mang trong cuộc đời của Gia Cát Lượng.
Xét theo vai vế, Lưu Biểu là cha nuôi của vợ Khổng Minh, là “anh em cột chèo” với Hoàng Thừa Ngạn (cha Hoàng Nguyệt Anh, cũng là bố vợ của Gia Cát Lượng).
Hai người này từ sớm đã vô cùng thân cận. Lưu Biểu năm xưa cũng từng có mắt nhìn người. Vậy nhưng, sau khi lấy Hoàng Nguyệt Anh, Gia Cát Lượng mới biết Lưu Biểu của hiện tại chẳng qua chỉ là một kẻ bù nhìn.
Bởi vậy, mối quan hệ đối với Lưu Biểu đã trở thành thứ “có mà không nói ra được” của Gia Cát Lượng.
Phò tá Lưu Bị
Năm xưa, đại danh của Lưu Bị đối với Gia Cát Lượng giống như “tiếng sấm bên tai”. Khổng Minh từng vô cùng ngưỡng mộ nhân vật có thể khiến cho Tào Tháo cất lời khen ngợi.
Lưu Bị liệu có phải là bậc minh chủ mà Gia Cát Lượng thực sự muốn phò tá? (Ảnh: nguồn internet).
Tiếc thay, sau khi gặp gỡ, Gia Cát Lượng mới nhận ra rằng Lưu Bị không hoàn mỹ và tài năng giống như trong tưởng tượng của ông, hơn nữa lại có rất nhiều khuyết điểm.
Vậy nhưng, “lên thuyền thì dễ, xuống thuyền lại khó”, Khổng Minh chỉ còn cách theo phò Lưu Bị. Hơn nữa, vị quân chủ ấy đã từng đích thân ba lần tìm đến lều tranh mời ông xuất sơn, ít nhiều cũng là một người có lòng trọng dụng nhân tài.
Cản không được chuyện “kết nghĩa vườn đào”
Đến nay, sự thật về việc Lưu Bị cùng Quan Vũ, Trương Phi vẫn gây nhiều tranh cãi đối với hậu thế. Tuy nhiên, không thể phủ định việc ba nhân vật này đã từng thề sẽ cùng nhau vào sinh ra tử tại vườn đào năm xưa.
Quan Vũ và Trương Phi đã trở thành vật cản trong sự nghiệp chính trị của Khổng Minh. (Tranh minh họa).
Khổng Minh muốn thực hiện chí lớn, vốn dĩ không cần sự có mặt của Quan Vũ, Trương Phi. Hơn nữa, hai người này còn gây ra không ít cản trở đối với ông.
Tuy rằng Gia Cát Lượng nhiều lần khôn khéo tìm cách giữ hòa khí, nhưng đều không có tác dụng. Quả nhiên sau đó, Quan Vũ làm mất Kinh Châu, khiến thiên thu đại nghiệp của Ngọa Long tiên sinh tan thành mây khói.
Mối quan hệ với Lưu Bị
Từ xưa tới nay, Lưu Bị và Khổng Minh đều được nhắc tới như điển hình của mối quan hệ quân – thần. Vậy nhưng, Lưu Bị liệu có thực sự tín nhiệm Gia Cát Lượng giống như trong tưởng tượng của hậu thế hay không?
Mối quan hệ Lưu Bị và Gia Cát Lượng có thực sự khăng khít như người đời vẫn thường nghĩ? (Tranh minh họa).
Trên thực tế, trước khi qua đời, Lưu Bị vẫn cất nhắc thêm Lý Nghiêm phò tá con trai cùng với Gia Cát Lượng. Chưa dừng lại ở đó, trong lúc hấp hối, ông còn kéo tay Triệu Vân mà nhắn nhủ: “nhớ để ý con ta”.
Những hành động trên đã chứng tỏ, thực chất Lưu Bị không hoàn toàn tín nhiệm Gia Cát Lượng.
Gặp phải Ngụy Diên
Gia Cát Lượng gặp Ngụy Diên, khó có thể nói là may mắn hay bất hạnh.
Vì nghi ngờ Ngụy Diên có nguy cơ tạo phản, Gia Cát Lượng từng ngầm nhắn nhủ Dương Nghi trừ khử danh tướng này. (Tranh minh họa).
Có nhân tài này trong tay, Khổng Minh tránh được không ít chuyện phiền phức. Ngụy Diên dũng mãnh, thiện chiến, có mưu lược, nhưng cuối cùng lại bị Gia Cát Lượng tính kế hại chết.
Cũng bởi chuyện này mà hình tượng của Ngọa Long tiên sinh ít nhiều bị ảnh hưởng. Hậu thế cũng vì vậy mà đánh giá ông là người nhỏ nhen.
Không thể nhất thống Trung Nguyên
Công cuộc Bắc Phạt của Gia Cát Lượng từ sớm đã được định sẵn kết cục thất bại. Nguyên nhân không chỉ vì quân Thục Hán phải đụng độ với một tướng tài như Tư Mã Ý, mà còn do chiến thuật dụng binh của Khổng Minh còn nhiều điểm khiếm khuyết.
Nhất thống Trung Nguyên là một trong những tâm nguyện không thành của Ngọa Long tiên sinh. (Ảnh: nguồn internet).
Cao thủ gặp nhau, ắt có người thắng, kẻ bại. Vậy nhưng Gia Cát Lượng lại vì bệnh tật mà phải lui binh. Đây chính là một điều khiến bản thân ông và người đời tiếc nuối!
Cổ nhân có câu “nhân bất thập toàn”, phàm là con người, dù ít hay nhiều đều có những phần chưa “trọn vẹn”. Bởi vậy, ngay đến “thần cơ diệu toán” như Gia Cát Lượng cũng chưa chắc để hoàn toàn nắm bắt được số phận và cuộc đời của mình.