Và dù phải chịu “đạo Tam tòng” cùng những quy ước vô lý kìm kẹp, nhiều phụ nữ đã vươn lên, dệt thành những trang sử khẳng định vai trò và sứ mệnh nữ giới. Trong số đó phải kể đến 5 nữ học sĩ luôn khiến hậu thế phải thán phục về tài năng và đức độ.
Nữ nhà giáo đầu tiên
Tượng Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ.
Trong lịch sử phong kiến, Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ được xem là nữ nhà giáo đầu tiên. Theo sử liệu, bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho học thuộc xã Hải Triều, huyện Ngự Thiên, lộ Hưng Long (nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).
Năm 6 tuổi, bà được cha chính thức dạy chữ nghĩa kinh sách, mướn thầy dạy thêm cả nghề y dược. Đến năm 13 - 14 tuổi, cô bé Lộ không chỉ thông hiểu kinh sử, mà còn biết làm thơ và bốc thuốc chữa bệnh.
Sinh tại vùng quê có nghề dệt chiếu nên bà không những dệt được những manh chiếu đẹp, mà còn tự mang đi bán khắp nơi. Khi giặc Minh tràn sang, cả gia đình bị tàn sát, bà lên Thăng Long làm nghề bán chiếu và gặp Nguyễn Trãi để rồi nên duyên chồng vợ.
Biết Nguyễn Thị Lộ hay chữ nên vua Lê Thái Tông phong cho bà chức Lễ nghi học sĩ, mời vào triều để chăm lo dạy dỗ các cung nhân. Bà soạn thảo và chấn chỉnh phong tục từ trong cung ra đến ngoài triều, xin chỉ dụ mở mang nền học vấn, khuyến khích phụ nữ học chữ thánh hiền.
Không chỉ là một nhà giáo, bà Nguyễn Thị Lộ còn là một nhà thơ. Tuy hầu hết tác phẩm đã thất truyền, nhưng mấy vần thơ xướng họa cùng Nguyễn Trãi và một bức Hình thư gửi chồng đã chứng tỏ tài năng không kém gì các bậc nho sĩ cùng thời.
Tháng 7/1442 vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, Nguyễn Trãi đón vua ngự chùa Côn Sơn. Ngày 4/8, vua về đến Lệ Chi Viên, cùng đi có Nguyễn Thị Lộ theo hầu. Tại đây, vua thức suốt đêm với Thị Lộ rồi băng hà. Sau đó có lệnh bắt và giết tất cả những người thuộc dòng tộc Nguyễn Trãi.
Lệ Chi Viên thành thảm án lớn nhất trong lịch sử dân tộc. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông chính thức ban chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, nhưng với bà Nguyễn Thị Lộ thì vẫn lơ lửng hoài nghi.
Đã có nhiều cuộc khảo cứu và tọa đàm được tổ chức minh oan cho Lễ nghi học sĩ. Dựa vào những kết quả thu được, nhà giáo Hoàng Ðạo Chúc, người làng Lủ (Hà Nội) đã biên soạn thành cuốn sách và dựng một bức tượng bà Nguyễn Thị Lộ. Ai từng đến Lệ Chi Viên thuộc xã Đại Lai (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) sẽ được chiêm ngắm tượng đài đẹp đẽ ấy cùng “Giọt lệ đài trang” thể hiện nỗi oan khó rửa.
Nữ trạng nguyên duy nhất
Tượng thờ Trạng nguyên Nguyễn Thị Duệ tại Chí Linh - Hải Dương.
Thời phong kiến phụ nữ không được quyền thi cử, học hành. Tuy nhiên, lịch sử khoa bảng vẫn ghi nhận một nữ trạng nguyên - bà Nguyễn Thị Duệ. Bà Nguyễn Thị Duệ sinh năm 1574 ở làng Kiệt Đặc (huyện Chí Linh - Hải Dương). Bà xuất thân trong gia đình nhà nho, từ nhỏ đã bộc lộ tài năng thiên bẩm về chữ nghĩa.
Khi triều Mạc sắp vong trước thế lực quân Lê - Trịnh, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên chạy lên Cao Bằng. Ở làng Kiệt Đặc, gia đình bà Duệ cũng phải đi lánh nạn. Dù đang phân tranh cùng họ Trịnh nhưng lòng dân lúc bấy giờ vẫn theo nhà Mạc, nhiều danh sĩ cũng lên Cao Bằng thi thố tài năng mong góp sức cho vương triều.
Khi triều đình mở khoa thi, bà Duệ lấy tên giả là Nguyễn Ngọc Du và ăn mặc giả trai để dự thi. Trong các kỳ thi Hương, Hội và Đình, bà Duệ đều đỗ đầu và trở thành trạng nguyên.
Khi triều đình mở yến tiệc đãi các tân khoa, Nguyễn Ngọc Du là người đầu tiên đến làm lễ trước bệ rồng. Nhà vua và văn võ bá quan ngạc nhiên trước vẻ khôi ngô tuấn tú, dáng bước khoan thai của tân trạng nguyên. Khi nhà vua ban ngự tửu, Nguyễn Ngọc Du đến nhận lễ. Thấy trạng nguyên mặt hoa da phấn, thân hình mảnh mai mới ngờ vực rồi hỏi và được biết Du thực chất là con gái.
Cả triều đình kinh ngạc vì chuyện xưa nay chưa từng có, chưa kể đây là tội khi quân khó thoát án tử. Tuy nhiên, vua Mạc đã không trừng phạt, mà còn khen ngợi và tỏ ra quý trọng tài sắc của bà. Vua cho bà lấy lại tên cũ, ban phong Lễ quan, sau lại tấn phong là Tinh phi nên dân gian gọi là “Bà chúa Sao Sa”.
Năm 1625, quân Lê - Trịnh tiến lên Cao Bằng diệt nhà Mạc. Vua Mạc bị bắt, bà Duệ chạy về ẩn tại chùa Sùng Phúc dạy học cho con em dân bản. Sau quân Trịnh phát hiện bắt bà giải đến phủ chúa Trịnh. Nhờ tài đối đáp thông minh, bà thoát tội chết lại được đưa về Thăng Long.
Thời gian sau bà được phong làm Chiêu nghi đứng trên các cung tần. Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Vua Lê triệu vào dạy cung nữ, phong cho tước hiệu là Nghi Ái quan”.
Nguyễn Thị Duệ khi làm quan thường dẫn nghĩa lý kinh sử, sự tích cổ kim rành mạch nên hai chúa Trịnh Tráng và Trịnh Tạc đều khen ngợi. Các biểu sớ, văn bài thi Đại khoa, vua Lê - chúa Trịnh đều nhờ bà khảo duyệt.
Sử sách ghi lại, khoa thi năm Tân Mùi (1631) có bài văn khá đặc biệt của một sĩ tử. Cả quan trường đều khen văn phong uyên bác nhưng có phần khó hiểu. Được hỏi đến, bà Duệ giải thích tường tận những điển tích và ý tứ của bài văn giúp sĩ tử đó đỗ đầu.
Năm 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Duệ xin trí sĩ về quê dựng am Đàm Hoa. Đây vừa là nơi ở, đọc sách, tĩnh tu và được coi như một trường học của làng. Khi bà qua đời, dân làng Kiệt Đặc dựng đền thờ tôn làm phúc thần. Tại Văn miếu Mao Điền, 637 vị tiến sĩ được thờ, trong đó có bài vị của nữ trạng nguyên duy nhất đề tên “Nghi Ái quan Nguyễn Thị Duệ”.
Cặp đôi cô - cháu tài hoa
Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và Đoàn Lệnh Khương là 2 cô cháu đã dệt thành những giai thoại bất hủ về chữ nghĩa ở quê hương phố Hiến và khắp thành Thăng Long.
Đoàn Thị Điểm sớm nổi tiếng tài sắc, nên càng lớn càng được nhiều người đến cầu hôn. Trong đó có nhiều bậc danh sĩ đương thời như: Nhữ Đình Toản, Nguyễn Công Thể...
Phụ nữ thời đó không có điều kiện thi cử ngang hàng với nam giới. Tuy vậy, Đoàn Thị Điểm không kém tiếng ở đất kinh kỳ về văn thơ. Bà là người phụ nữ đầu tiên mở trường dạy học ở làng Chương Dương (nay là Thường Tín, Hà Nội). Trong số học trò của bà có người đã đỗ đạt cao, như Đào Duy Doãn đỗ tiến sĩ năm 1763.
Đoàn Thị Điểm đã ghi dấu son trong nền giáo dục - lần đầu tiên trong lịch sử có một phụ nữ mở trường dạy học. Đặc biệt, bà được biết đến là một nhà thơ tài danh, để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng trong tập “Truyền kỳ tân phả” và “Nữ trung tùng phận”, một số tác phẩm dịch như “Chinh phụ ngâm”.
Người cháu của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm là Đoàn Lệnh Khương cũng nổi tiếng không kém. Năm Lệnh Khương lên 9 tuổi thì phụ thân qua đời, bà được cô Điểm đem về nuôi dạy.
Chuyện cũ ở địa phương kể rằng: Một hôm Lệnh Khương đang đi chợ, có ông lão chạy ra đón đường thưa chuyện. Ông nói: “Thưa cô, nghe tiếng cô là người hay chữ nên nhờ cô giúp cho một việc. Tôi nay già yếu, cô làm phúc cho đôi câu đối có thể kiếm miếng ăn. Gặp đám hiếu hay đám hỷ tôi đều có thể dùng được”.
Đoàn Lệnh Khương đọc: “Nhất đức tại thiên tùy sở phú/ Thất tình ư ngã khởi vô tâm”. Bà giảng giải, người ta ở đời gặp may hay rủi, vui hay buồn tất cả là tùy ở cái đức.
Hình minh họa 2 cô cháu nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và Đoàn Lệnh Khương.
Vế thứ nhất đối với việc vui hay buồn đều hợp, vế thứ hai nghĩa là con người có 7 tính nên khi gặp việc vui thì lòng cũng vui, mà gặp việc buồn cũng buồn được. Do đó, vế thứ hai có thể là lời chúc mừng mà cũng có thể là chia buồn.
Có thuyết nói rằng, Đoàn Lệnh Khương từng được tiến cử vào cung làm vợ Hoàng tử Lê Duy Kỳ nhưng bà từ chối. Số phận của Lệnh Khương khá giống với người cô Đoàn Thị Điểm. Tài sắc trọn vẹn nhưng tình duyên lận đận, 31 tuổi mới làm vợ kế của quan Đốc đồng xứ Sơn Nam Nguyễn Xuân Huy.
Sau này, nữ sĩ Đoàn Lệnh Khương về Thăng Long mở lớp dạy học, ngụ ở phường Hà Khẩu (Hoàn Kiếm). Học trò theo rất đông, xa gần đều gọi là nữ học sư.
Trong “Danh nhân Hà Nội” do cố GS Vũ Khiêu chủ biên nhận định nữ học sư Đoàn Lệnh Khương là nhà giáo dục nổi tiếng nhất của Thăng Long từ thời dựng nước đến thế kỷ 19 - bên cạnh các danh nhân Chu Văn An, Lương Thế Vinh, Nguyễn Văn Siêu.
Bà chúa thơ Nôm
Chân dung nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong sách 'Giai nhân di mặc' năm 1916.
Tại Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41 vào tháng 11/2021, UNESCO đã thông qua nghị quyết vinh danh, cùng tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772 - 2022), 200 năm năm mất (1822 - 2022) của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương quê gốc Nghệ An nhưng sinh trưởng ở Thăng Long. Tư chất thông minh, bản lĩnh, trải đời, ưa xướng họa thơ ca và được xem là một tài nữ nổi tiếng đương thời.
Giới học thuật nước ta từng tranh cãi về xuất thân của Hồ Xuân Hương. Người khẳng định bà là nhân vật có thật, người lại cho rằng hư cấu. Lý do bởi không có bất cứ tư liệu cổ điển nào chép về lai lịch và hành trạng của Hồ Xuân Hương, bà chỉ thực sự được hậu thế biết đến qua sách “Giai nhân di mặc”.
Theo các tư liệu của họ Hồ Nghệ An, nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 - 1822) là con của ông Hồ Phi Diễn. Cụ đồ Diễn đậu Tú tài năm 24 tuổi ra Hải Dương dạy học. Tại đây, cụ lấy lẽ một cô gái họ Hà ở Bắc Ninh. Hồ Xuân Hương là con của cụ đồ Diễn và người vợ thứ này.
Hồ Xuân Hương được cưới gả từ rất sớm, nhưng qua hai lần đò đều không viên mãn. Ban sơ, bà làm lẽ của một hào phú có biệt hiệu Tổng Cóc. Chung sống một thời gian khá lâu thì Hồ Xuân Hương dứt áo ra đi với một cái thai.
Có thuyết cho rằng, bà bỏ đi sau khi Tổng Cóc đã đột ngột từ trần, nhưng có thuyết cho rằng bà không chịu được điều tiếng của vợ con Tổng Cóc.
Vào ngày Hồ Xuân Hương trở dạ, Tổng Cóc đến đòi đón con về, nhưng người nhà họ Phạm nói lại là đứa bé đã mất khi vừa lọt lòng. Trong hôn sự lần sau, Hồ Xuân Hương làm lẽ của Tú tài Phạm Viết Ngạn, bấy giờ tại nhiệm Tri phủ Vĩnh Tường. Nhưng duyên phận chỉ được 27 tháng thì ông phủ Vĩnh Tường tạ thế.
Tuy nhiên, có thể thấy đa số các thuyết nói về tình duyên Hồ Xuân Hương đều rất mơ hồ. Nhưng điều mà người đời khâm phục ở nữ sĩ chính là tài thơ văn thiên phú với mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”. Thơ Hồ Xuân Hương chia ra hai mảng riêng biệt với phong cách rất khác nhau: Thơ Nôm truyền tụng và “Lưu hương ký”.
Thơ Nôm truyền tụng bị một số người coi là tục, nhưng cũng phải công nhận là độc đáo. Lời thơ thể hiện nghệ thuật điêu luyện, bộc lộ thái độ ngổ ngáo của một phụ nữ phản kháng những định kiến, thói tục vô lý của xã hội.
“Lưu hương ký” với 52 bài thơ, được phát hiện năm 1964 gây ngạc nhiên vì nội dung các bài thơ dù vẫn rất trữ tình nhưng lại nghiêm trang khác hẳn thơ Nôm truyền tụng.