Đường đến kháng chiến
Chị em nhà Oversteegen có tuổi thơ không bình yên. Bố mẹ họ bỏ nhau vài năm trước đó. Freddie kể: “Một ngày mẹ thấy chán nản. Chúng tôi sống trên một con tàu lớn ở Haarlem, nhưng bố tôi không kiếm được đồng nào và không trả tiền cho bất kỳ thứ gì.
Dù sao, đó không phải là một cuộc ly hôn xấu xí. Bố hát bài hát tạm biệt bằng tiếng Pháp đằng sau con tàu khi chúng tôi rời đi. Ông ấy yêu chúng tôi nhưng tôi không gặp ông ấy thường xuyên nữa”.
Ngay sau khi phát xít Đức tràn vào thành phố, bất chấp rủi ro, hai chị em Oversteegen vẫn tiếp tục cuộc sống như trước. Cô gái kể: “Trong chiến tranh, chúng tôi sống cùng một cặp vợ chồng Do Thái nên chị em tôi biết rất nhiều về những gì đang diễn ra”.
Lúc đó, bà Trijn, mẹ của chị em Oversteegen, đã cho các con gái cùng tham gia những nhiệm vụ khá nguy hiểm như dán và phân phát tài liệu văn học chống Đức Quốc xã khắp thành phố.
Với những hoạt động táo bạo của họ, nhiều người biết tới phong trào kháng chiến và muốn tham gia. Bà Trijn chỉ yêu cầu họ rằng cho dù kháng chiến muốn các con làm gì thì họ cũng phải luôn giữ được phẩm giá con người.
Nói về lý do cá nhân tham gia kháng chiến, Truss kể: “Tôi nhìn thấy quân Đức bắt người vô tội trên phố, ép họ úp mặt vào tường và bắn họ. Tôi buộc phải chứng kiến và lòng tôi dâng lên nỗi tức giận, ghê tởm khủng khiếp”.
Khi tham gia kháng chiến, họ được huấn luyện quân sự. Có người dạy họ bắn súng và cách hành quân trong rừng. Có tổng cộng 7 người trong nhóm và chỉ có hai chị em Oversteegen là nữ.
Lúc đầu, do tuổi còn nhỏ và lại là nữ nên họ không được chú ý nhiều. Hai chị em chỉ làm người đưa tin giữa các thành viên kháng chiến, tuồn và đánh cắp giấy chứng minh để giúp nhiều người Do Thái trốn thoát. Thỉnh thoảng, họ được giao nhiệm vụ chuyển vũ khí và giúp hộ tống người Do Thái tới nơi ẩn náu.
Hai chị em Oversteegen thường hộ tống trẻ em Do Thái vì không ai nghi ngờ mấy cô bé dắt theo trẻ con. Freddie trông rất trẻ con, đặc biệt là khi cô buộc tóc đuôi ngựa, nên cô thường được giao nhiệm vụ do thám vì không bị ai để ý.
Nhiệm vụ của hai chị em tăng dần độ khó khi họ bắt đầu nhận thực hiện những công việc như hỗ trợ đốt các kho quân sự của kẻ thù. Trong những trường hợp này, hai chị em Oversteegen phải tán tỉnh và đánh lạc hướng mấy tay lính gác, để các thành viên khác lẻn vào kho và phóng hỏa.
Năm 1943, tổ chức kháng chiến có thêm một thành viên nữ thứ ba. Đó là Hannie Schaft –cô gái sau này trở thành một trong những thành viên kháng chiến Hà Lan nổi tiếng nhất Chiến tranh Thế giới thứ hai. Hoạt động của cô đã khiến chính trùm phát xít Adolf Hitler phải ra lệnh trừ khử.
Lúc Đức Quốc xã tràn vào, Hannie 19 tuổi đang học luật quốc tế, chuyên ngành luật nhân quyền tại Đại học Amsterdam. Không may, cô buộc phải thôi học vì từ chối ký tuyên bố trung thành với Đức. Sau đó, Hannie ngay lập tức tham gia kháng chiến.
Bộ ba dũng cảm
Khi tham gia phong trào cùng chị em Oversteegen, Hannie đã phối hợp thực hiện rất nhiều sứ mệnh. Cô còn học tiếng Đức để hỗ trợ hoạt động kháng chiến.
Rất tự nhiên, ba cô gái nhanh chóng trở thành bạn bè thân thiết và thường xuyên ở bên nhau. Nhiệm vụ của bộ ba là công việc mà không mấy phụ nữ trong phong trào kháng chiến được tin cậy giao phó. Đó là loại bỏ trực tiếp mục tiêu kẻ thù.
So với các đồng đội nam giới, họ có lợi thế là nữ và trẻ tuổi, cho phép họ tiếp cận gần binh lính Đức mà không gây nghi ngờ. Khi đó, các cô gái được đào tạo dùng vũ khí để tiêu diệt kẻ thù.
Khi được hỏi về số binh lính Đức họ đã tiêu diệt, ba cô gái không bao giờ tiết lộ và chỉ nói rằng: “Không bao giờ nên hỏi một người lính là anh ta đã giết bao nhiêu người”.
Phương pháp triệt hạ kẻ thù nổi tiếng nhất của bộ ba là tán tỉnh và rủ rê đối tượng đi dạo mới mình. Có lần, mục tiêu của họ là một binh sĩ Đức mà họ theo dõi. Khi thấy hắn ta vào một nhà hàng để ăn, Truus giả vờ say và bước vào bắt chuyện với hắn. Trong câu chuyện, cô gái giả vờ lả lơi rủ hắn vào rừng đi dạo và ngay lập tức, đối tượng cắn câu.
Khi Truus và tên lính vào tới rừng, họ tình cờ gặp một người nhưng thực ra là người cùng nhóm kháng chiến. Người này nói với Truus rằng họ không được vào đây. Truus xin lỗi và cả hai quay đầu ra ngoài. Đột nhiên, tiếng súng vang lên và tên lính Đức không biết ai bắn mình. Các thành viên kháng chiến đã đào sẵn hố chôn và khi đó, Truus không được có mặt.
Trong những lần khác, hai chị em đèo nhau trên chiếc xe đạp. Truus đạp xe, còn Freddie ngồi đằng sau với một khẩu súng giấu kín. Khi họ đạp xe qua mục tiêu, nếu không ai ở quanh, Freddie sẽ rút súng và bắn. Sau đó, Truus đạp xe nhanh hết mức có thể để rời xa hiện trường. Khi đã hoàn hồn, hai chị em lại trông giống như đang đạp xe đi dạo.
Ngoài ra, bộ ba cũng tham gia đánh bom và phá hoại các cơ sở của phát xít Đức. Họ chỉ từ chối một nhiệm vụ là bắt cóc ba đứa con của quan chức Đức để làm con tin và yêu cầu hắn thả các tù nhân, nếu không sẽ giết ba đứa trẻ. Truus nói lý do từ chối nhiệm vụ: "Chiến sĩ kháng chiến không giết trẻ em".
Trong khi hai chị em nhà Oversteegen thường không bị để ý thì Hannie lại không may mắn như vậy. Mái tóc đỏ rực và nhiều sứ mệnh mà cô tham gia đã khiến cô bị chú ý. Phía Đức bắt đầu quan tâm tới "cô gái tóc đỏ", tới mức đích thân Hitler đã ra lệnh tìm cách bắt Hannie.
Hannie nhuộm đen mái tóc và đổi tên. Không may, một mật vụ Đức Quốc xã giả làm y tá đã tình cờ phát hiện ra tên thật của Hannie. Sau đó, gia đình cô bị bắt giam và chỉ được thả vì họ không biết Hannie làm gì và ở đâu.
Tuy nhiên, cuối cùng phe Trục cũng tình cờ bắt được Hannie tại một chốt kiểm soát quân sự ngày 21/3/1945. Cô bị tra tấn vài tuần liền nhưng không bao giờ gục ngã.
Trong bối cảnh chiến tranh ở giai đoạn cuối, Hannie lẽ ra có thể sống sót nếu mái tóc đỏ không "phản chủ". Do không có thuốc nhuộm chân tóc nên lính Đức đã phát hiện ra Hannie là ai.
Khi đó, Hannie 24 tuổi và bị hành quyết ngay lập tức ngày 17/4/1945, tức chỉ 18 ngày trước khi Đức rút quân khỏi Hà Lan. Kiên cường tới phút chót, Hannie đã chế giễu hai tên lính được giao nhiệm vụ giết cô nhưng bắn trượt cả hai phát đầu. Cô nói: "Lũ ngu. Tôi bắn còn giỏi hơn".
Năm 2014, bà Freddie (trái) và em gái Truus được Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tặng huân chương vì cống hiến trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hà Lan
Về phần mình, hai chị em Oversteegen sống sót sau chiến tranh, nhưng bị rối loạn căng thẳng hậu sang chấn tâm lý. Hai chị em sống tới 92 tuổi. Truus qua đời tháng 6/2016, còn Freddie qua đời tháng 9/2019, ngay trước sinh nhật 93 tuổi.