“Cứu người như cứu hỏa” nhưng hơn 13 tỉ đồng của đồng bào đã nằm trong tài khoản của nghệ sĩ Hoài Linh tới 6 tháng không nhúc nhích.
Kể cả Hoài Linh có bị bệnh như thông tin vừa công bố, thì một người chuyên nghiệp vẫn có thể làm tốt hơn nhiều đối với khoản từ thiện ấy: Ủy quyền cho những người tin cậy hoặc tổ chức từ thiện tin cậy.
Khi sự việc đã đi quá xa, thì kể cả nghệ sĩ vốn được biết như một người có tâm, có tài như anh - sẽ còn quá nhiều việc phải làm để vực dậy cái danh tiếng gây dựng "suốt 30 năm" đang bị bén lửa dữ dội sau 6 tháng.
Câu chuyện là một lời cảnh tỉnh rằng: Càng nổi tiếng thì ranh giới giữa thiên thần và tội đồ càng mỏng manh.
Nhưng lời cảnh báo ấy không chỉ diễn ra với nghệ sĩ. Chính chúng ta – những người luôn muốn cho đi, dù chỉ là 50.000 đồng trong khoản thu nhập ít ỏi của mình – có tỉnh ngộ khi nhìn vào những "đám cháy" của người nổi tiếng?
Một nhà hảo tâm rộng rãi nhất, cũng phải mất vài phút khi đưa ra quyết định ủng hộ từ thiện bao nhiêu tiền. Thêm vài phút nữa để họ đặt lệnh chuyển tiền. Nhưng có một việc chỉ tốn 0,34 giây, thì lại ít người để tâm.
Hơn 8.760.000 kết quả được google đưa ra chỉ sau 0,34 giây sau khi gõ cụm từ “trục lợi từ thiện”. Kết quả tìm kiếm rất nhanh này, có thể giúp chúng ta chậm lại khi nhìn thấy bất kỳ một thông điệp kêu gọi ủng hộ nào xuất hiện trên facebook hay báo chí.
Bạn tôi – Ngọc - một nữ doanh nhân làm từ thiện có tiếng, cực kỳ nhanh nhạy trong cứu trợ. Nhưng khi gặp một cảnh ngộ, chị đã phải dặn lòng chậm lại. Ngọc bảo, đó là một ấn tượng khó tả. Trong thoáng chốc, chị đã thấy người mệt rũ “y như bị phản bội”, khi nhìn thấy “thành quả” từ thiện của mình bị lợi dụng.
(Đồ họa: Trang Đinh)
Năm ngoái, ngay khi nước lũ vẫn còn dâng lên cuồn cuộn ở miền Trung, Ngọc và nhiều người làm từ thiện như sứ mệnh, đã có mặt tại vùng bị thiệt hại nặng nhất.
Dù vô cùng mệt mỏi thể xác, nhưng tinh thần cả đoàn lên rất cao, vì họ thấy mình có ích. Nhưng cái cảm giác ấy bị dội một gáo nước lạnh, khi trên đường trở ra, Ngọc thấy vài người dân đang kéo cả xe bò mì tôm và hàng cứu trợ về nhà mình.
Cuối cùng, sau khi quan sát và phỏng vấn, Ngọc chắc chắn đó là những thùng hàng đoàn mình vừa tặng. Bằng cách nào đó, một số người đã nhận được quá nhiều hàng cứu trợ so với suất mà họ được nhận.
Việt, một trưởng đoàn từ thiện năng nổ khác, hai tháng sau quay lại vùng lũ, thấy xót xa “dâng lên tận yết hầu”, khi chứng kiến một số gia đình mang mì tôm được cứu trợ ra làm thức ăn cho gà, cho lợn vì “nhiều quá, không thể dùng hết”.
Ghé qua chợ huyện, Việt còn thấy nhiều món hàng cứu trợ được bày bán công khai. “Nhà tôi gần đường, đoàn từ thiện nào cũng ghé qua tặng. Để lâu không ăn hết nó hỏng ra” – người bán nói vậy.
Việt biết, trong cùng thời điểm đó, nhiều người dân khác trong vùng, vẫn phải chạy từng bữa ăn chỉ vì nhà họ ở những vùng bị cô lập mà đoàn từ thiện không dám đến vì nguy hiểm hoặc không đủ xuồng bè để tới.
Ai có lỗi? Người nhận từ thiện không có lỗi, ngoại trừ một số rất ít những kẻ ranh ma tìm cách lấy nhiều hơn những gì mình đáng được.
Sự phi lý xuất phát từ những người tổ chức từ thiện và, đáng buồn thay, không thể không có phần trách nhiệm của những nhà hảo tâm giàu tình nhân ái, lòng trắc ẩn nhưng… thiếu hiểu biết – là chúng ta.
Thấy có bão lũ là hăm hở lên đường.
Thấy có kêu gọi ủng hộ là chuyển khoản.
Những chuyến từ thiện hoàn toàn tự phát ấy không hề biết nơi mình đến đã có bao nhiêu đoàn tới? Không hề biết đối tượng nào cần cứu trợ khẩn cấp, đối tượng nào chưa? Đối tượng nào cần loại thực phẩm, hàng hoá gì? Đối tượng nào đã dư thừa gì? Phân chia thế nào để công bằng?
Một người làm từ thiện chuyên nghiệp đã nói rằng đó là những cuộc “từ thiện bịt mắt”. Đã bịt mắt thì không xảy ra hậu quả mới là bất thường.
Hai tuần trước, một người bạn đã chụp màn hình gửi cho tôi lời kêu gọi ủng hộ rất thống thiết: Chung tay quyên góp ủng hộ trang thiết bị, thực phẩm cho y bác sĩ một bệnh viện lớn vừa bị phong toả. Bạn hỏi tôi có nên chung tay?
Tôi bảo bạn chậm lại một chút. Tôi gọi cho phóng viên theo dõi mảng y tế. Chỉ sau ít phút liên lạc với giám đốc Bệnh viện, phóng viên của tôi đã có câu trả lời: Vì đã có kinh nghiệm từ các đợt chống dịch trước, nên đến thời điểm đó Bệnh viện đã được trang bị đầy đủ, chưa thiếu gì. Do đó chưa cần ủng hộ.
Ảnh minh hoạ: TTXVN
Rất có thể về sau, bệnh viện ấy sẽ cần sự chung tay, nhưng không phải lúc đó. Vậy thì lời kêu gọi ủng hộ của các cá nhân kia xuất phát từ động cơ nào?
Tôi nhắn cho bạn: Động cơ ấy, dường như chỉ xuất phát từ hai trường hợp:
Một là họ giàu tình thương yêu nhưng thiếu hiểu biết, chưa làm việc cụ thể với bệnh viện mà đã kêu gọi ủng hộ.
Hai là biết rõ bệnh viên không thiếu nhưng vẫn kêu gọi để trục lợi.
Trong cuộc sống, sự phẫn nộ và lòng trắc ẩn là hai thứ cảm xúc dễ dẫn dắt người ta nhất. Dễ dẫn dắt nhất thì cũng dễ trục lợi nhất, nên có nhiều kẻ sẵn sàng bán lương tâm mình “một cách tinh vi” để đổi lấy danh và lợi.
Nhiều chục năm về trước, trong đám tang của nhiều vùng miền Bắc, vẫn xuất hiện những người khóc mướn. Tiếng khóc của họ rất não nuột, nhưng nghe kỹ, nhìn kỹ, ai cũng biết là đồ giả.
Những kẻ trục lợi và lừa đảo từ thiện ngày nay thì “đẳng cấp” hơn thế nhiều. Trần Văn Lâm, một thanh niên nông thôn 23 tuổi, chỉ trong 5 tháng đã lừa đảo từ thiện được số tiền là 6,6 tỉ đồng để có tiền chơi game.
Lâm lập ra những trang thấm đẫm tinh thần nhân đạo trên facebook như “Chia sẻ vì người nghèo”, “Hỗ trợ trẻ em”, “Quỹ bảo trợ trẻ em”, “Phật tại tâm”, “Chia sẻ yêu thương”, “Kết nối yêu thương”, “Quan thế âm bồ tát”… để giăng bẫy.
Chỉ cần những lời lẽ thống thiết, những tấm hình cóp nhặt, chắp ghép hoặc hình ảnh về gia cảnh thật, và một vài số tải khoản, Lâm đã bòn rút được hầu bao của vô số nhà hảo tâm “từ bi đi trước, hiểu biết đi sau”.
Những người như Lâm quá nhiều trong một thời kỳ mà người ta sống trên mạng xã hội nhiều hơn trong đời thực.
Chính vì vậy nên không ít nhà hảo tâm vẫn đều đặn gửi tiền để chữa bệnh cho người đã chết nửa năm, vì kẻ lừa đảo vẫn dùng hình khi còn sống của nạn nhân, để kêu gọi.
Một doanh nhân đa cấp lừa đã từ giã nghề quay sang làm thuốc ngậm ngùi: “Đa cấp lừa bọn anh ngày xưa làm sao so được với bọn trục lợi từ thiện. 0 vốn, 1000 lời”.
Bạn tôi, người sáng lập một quỹ từ thiện, đã vô cùng sửng sốt khi chứng kiến chiêu lừa đảo “tinh vi chưa từng thấy” của một người chuyên làm từ thiện khác.
Khi thấy một nơi nào đó cần giúp đỡ, người này lập tức kêu gọi ủng hộ. Sau khi kết nối với rất nhiều bên ủng hộ, thì chuyến hàng đó cũng đến được với người nhận. Tất cả đều hoan hỉ.
Nhưng rất nhiều người đã bị lừa trong cái bẫy hoan hỉ mà họ không hề biết. Ví dụ: Chuyến từ thiện đó cần 5.000 thùng mì tôm. Sau khi nhân vật “từ thiện lừa” kêu gọi, đã có 3 công ty ủng hộ đủ 5.000 thùng mì tôm. Hàng trăm cá nhân khác không biết đã đủ số mì, vẫn tiếp tục chuyển khoản ủng hộ tổng số tiền 1 tỉ đồng.
Kẻ từ thiện lừa vẫn đàng hoàng đi trao 5.000 thùng mì tôm và nói với 3 công ty ủng hộ mì, rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ.
Sau đó “kẻ từ thiện lừa” lấy kết quả chuyến trao 5.000 thùng mì này để báo cáo với những người đã chuyển khoản 1 tỉ đồng cho mình là: Tiền của quý vị đã được dùng để mua 5.000 thùng mì và đã được trao tận tay người dân.
Và như vậy, 1 tỉ đồng dư ra của các nhà hảo tâm đã đi theo đường khác: “làm từ thiện” giúp chính kẻ lừa.
Chiêu thức cực kỳ tinh vi này thường rất hữu dụng khi một vùng bị thiên tai nghiêm trọng và trong ngày có rất nhiều chuyến xe từ thiện của các tổ chức được trao cho một địa phương. Quá nhiều, nên chẳng ai kiểm tra, kiểm soát, bóc mẽ.
Cuối cùng, tất cả đều hoan hỉ: Kẻ lừa đảo thì hoan hỉ với tài khoản đầy đặn của mình, với hình ảnh người hùng thiện tâm, còn người đã móc ví đóng góp thì hoan hỉ trong chiếc bẫy mà họ không nhìn thấy.
Làm từ thiện không giống như đến dự một cuộc sinh nhật – nơi chúng ta thường tặng những thứ đồ mình đang có sẵn, hay thứ chúng ta thích hoặc thứ mà ta suy đoán rằng họ sẽ thích.
Làm từ thiện là tặng những thứ cần thiết vào thời điểm thích hợp nhất. Nửa năm khi lũ lụt đã trôi qua mà tiền khắc phục lũ lụt vẫn nằm trong tài khoản, thì có biện minh kiểu gì, cũng thành lẩn tránh.
Làm từ thiện không chỉ là mang lòng tốt đến với mọi người. Làm từ thiện thực sự giống như một trận chiến, trận chiến chống lại tham sân si, chống lại sự thiếu trách nhiệm và lười biếng trong mỗi chúng ta và những người liên quan.
Đó là lòng tham lợi, tham danh. Nếu làm từ thiện để mình được nổi tiếng hơn, để có nhiều người theo dõi mạng xã hội hơn, được nhiều nhãn hàng đề nghị quảng cáo hơn, thì đó không phải làm từ thiện. Đó chính là hành động mang tiền thiện nguyện của biết bao người đi quảng bá hình ảnh và trục lợi chỉ cho một người.
Đi cứu trợ với mục đích gia tăng hình ảnh cho mình, làm truyền thông cho công ty mình, không có gì sai. Nhưng bản chất của những hoạt động này là làm thương hiệu, là marketing, chứ không phải làm từ thiện.
Làm từ thiện thực sự là cho đi mà không mong cầu được nhận lại danh hay lợi.
Cái tâm làm việc thiện có lớn đến đâu, nếu không được tổ chức kịp thời, khoa học và công bằng, thì sự sân hận sẽ là hệ quả tất yếu.
Đừng nghĩ rút một khoản tiền lớn tặng một người mà mình coi là khổ nhất, là một hành động hào hiệp, hãy coi nó như ngòi nổ cho sự sân hận của bao người khác.
Người dân sẽ bức xúc: Tôi cũng khổ vậy, sao tôi được ít hơn ông ấy?
Người góp tiền sẽ chất vấn: Tiền này này là mồ hôi nước mắt của bao nhiêu người, sao anh/chị lại sử dụng tùy tiện theo cảm hứng như vậy?
Đến trao quà, tay bắt mặt mừng, chụp ảnh livestream công bố, rồi đoàn từ thiện rời đi, coi như đã “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, thì rất dễ.
Nhưng để những người ở lại không so sánh hơn thua, bực dọc, tủi hờn, mâu thuẫn, mất niềm tin, thì lại rất khó.
Bất cứ ai coi việc từ thiện là việc dễ dàng, người đó cầm chắc thất bại.
Trở lại câu chuyện của Hoài Linh. Không thể biết anh thực sự nghĩ gì, muốn gì khi để hơn 13 tỉ đồng của các nhà hảo tâm nằm im trong 6 tháng. Với một người có tiếng là tử tế và tài năng như Hoài Linh, thì lý do nhẹ nhàng nhất của việc chậm trễ, chính là sự thiếu trách nhiệm của anh.
Lũ lụt là chuyện nước sôi lửa bỏng. Lời kêu gọi ủng hộ cũng rốt ráo, sốt sắng. Các hành động chuyển khoản của hàng ngàn người, đương nhiên cũng mau lẹ không kém, vì thế, trách nhiệm của người kêu gọi là phải tổ chức từ thiện một cách kịp thời nhất có thể.
Nhưng lý do để chúng ta chuyển khoản cho Hoài Linh một số tiền lớn như vậy là gì? Là do yêu quý tài năng của anh? Tin tưởng nhân cách của anh?
Có thể tất cả những lý do này đều đúng, thì có một câu hỏi nữa chúng ta phải trả lời trước khi bấm nút chuyển khoản: Nhân cách trong đời sống và tài năng trên sân khấu, có đồng nghĩa với một người làm từ thiện giỏi?
Để cứu trợ khẩn cấp, chúng ta đã trao những đồng tiền chắt chiu của mình cho một nghệ sĩ giỏi, mà không hiểu anh ấy thực ra chỉ là nhà từ thiện nghiệp dư.
Khi chúng ta gửi gắm tiền bạc cứu trợ cho một “lương y”, chúng ta quên mất rằng nạn nhân lũ lụt khác hẳn bệnh nhân mà ông này thường nắn bóp.
Có một câu hát rất hay “nào ai lấy thước đo tấc lòng”. Tình thương yêu không thể đo bằng thước, nhưng tư cách và tố chất của người kêu gọi từ thiện, thì lại luôn phải được đo bằng những loại thước rất chuẩn mực.
Thước đo ấy chính là những quỹ từ thiện có kiểm toán độc lập, có uy tín lâu năm, có cách làm chuyên nghiệp, minh bạch, rõ ràng, có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, có báo cáo trước sau, có nguyên tắc, chứ không dựa vào cảm xúc, cảm hứng.
Thước đo ấy chính là người thật việc thật: Nhấc máy gọi đến bệnh viện, chính quyền nơi có người cần giúp đỡ để kiểm tra, hoặc trực tiếp đến tận nơi tặng quà để tự mình xác tín.
Trong bài thơ Tâm sự của nhà thơ Tố Hữu, có bốn câu cảnh tỉnh:
Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Để nỗi cơ đồ đắm biển sâu
Tin lầm, yêu lầm người như Mỵ Châu là hại cha, là mất nước, là vong mạng.
Những người có trí tuệ hiểu rằng: “Thương người vô lý là hại người. Giúp người vô lý là hại cả mình, cả người”.
“Nỏ thần niềm tin và tiền bạc” trao nhầm cho một kẻ lừa đảo hoặc nhà từ thiện nghiệp dư, mũi tên ấy sẽ quay lại găm thẳng vào tâm người thiện nguyện.
“Trọng Thủy” ngày nay rất nhiều và có muôn vàn mặt nạ, nhưng chúng ta có chấp nhận làm Mỵ Châu hay không, lại là chuyện khác.
Ai có thể cứu được Mỵ Châu, nếu nàng không muốn tự cứu mình?