Bệnh dịch xảy tới khiến cuộc sống và công việc của nhiều người trở nên nhốn nháo, bấp bênh. Có những người ở nhà rồi bỗng nhiên nhận được tin tức nói công ty phá sản.
Có những người vẫn còn công việc, nhưng vì bệnh dịch nên chỉ còn cách ngừng làm việc, thời gian cứ thế trôi qua một cách lãng phí.
Còn có những người xui xẻo hơn, cuối năm vừa xin nghỉ việc, thư thả dự định sang năm mới sẽ tìm một công việc mới, không ngờ rằng tai họa bất ngờ ập đến, đùng một cái không có thu nhập, hối hận không kịp…
Tới lúc này, chúng ta mới ý thức ra được một điều rằng, đối với một người trung niên mà nói, công việc ổn định quan trọng hơn bất cứ điều gì.
1. Những người luôn cho rằng người khác không cầu tiến, bây giờ ra sao?
Tôi có một người bạn tên Vương, năm nay 36 tuổi, cũng xem như bắt đầu bước vào hàng ngũ tuổi trung niên.
Xuất phát điểm của cậu ấy rất tốt, tốt nghiệp học viện có tiếng, năng lực cũng không phải dạng tầm thường.
Sau khi tốt nghiệp, trong khi mọi người phải chạy đôn đáo tứ phía tìm việc làm thì cậu ấy đã sớm tìm được cho mình một "bát cơm sắt", sống một cuộc sống khá ổn định với một mức lương cao.
Nhưng đồng chí Vương này không hài lòng với hiện tại, cậu ấy cho rằng "chìm đắm" trong một công việc ổn định chẳng khác nào con ếch trong nồi nước ấm, là biểu hiện của sự không biết cầu tiến, chỉ khi không ngừng nhảy việc, bạn mới có thể chứng minh được năng lực của bản thân.
Chỉ khi không ngừng nhảy việc mới có thể "mạ vàng" bản thân, tìm được công việc phù hợp nhất với mình.
Vì vậy, ngay từ khi mới bước chân ra xã hội, đồng chí Vương đã bắt đầu công cuộc không ngừng nhảy việc vĩ đại của mình.
Cậu ấy gần như mỗi năm đổi một công việc, dùng kinh nghiệm của công việc trước đổi lấy một công việc có mức lương cao hơn.
Mỗi một lần liên hoan, đồng chí Vương luôn tỏ ra vô cùng hài lòng với hiện trạng của bản thân.
Cậu ấy nói, so với việc sống chết bám ở một vị trí đợi lãnh đạo cất nhắc, chi bằng ở đó tích góp một chút kinh nghiệm việc làm rồi sau đó đi tìm một công việc mới với mức lương cao hơn, làm thế này hiệu quả hơn nhiều so với việc chờ được thăng chức rồi tăng lương.
Rất nhiều người bị Vương lay động, bắt đầu lựa chọn cách nhảy việc như cậu ấy.
Mấy năm gần đây, trong số bọn họ có người thậm chí còn có được mức lương 50,60 triệu, mức lương mà một nhân viên bình thường theo đuổi một công việc ổn định không dám nghĩ tới.
Nhưng năm nay, những người được lương cao đó bỗng nhiên giống như bốc hơi, không xuất hiện trong nhóm liên hoan nữa, đến cả đồng chí Vương cũng trong giai đoạn "phải gác kiếm".
Thì ra, cuối năm ngoái, những người này đã xin nghỉ việc, họ cho rằng sang năm nay sẽ tìm được công việc tốt hơn, kết quả không ngờ rằng, dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều tới các công ty, doanh nghiệp, có những người thậm chí không tìm được việc làm.
Dù có tìm được công việc như đồng chí Vương thì cũng sớm thất nghiệp bởi lẽ công ty vì ảnh hưởng của dịch bệnh mà bắt buộc phải giảm tải nhân viên, và những người mới là lựa chọn hàng đầu cho việc giảm tải.
Đồng chí Vương cũng xem là đã bước vào hàng ngũ những người trung niên, không phải tầng lớp quá tinh anh, cũng chẳng phải lớp người trẻ có thể chịu được khổ.
Thêm vào đó, cậu ấy vẫn đang gánh trên mình món nợ tiền nhà tiền xe, hầu như mỗi một sáng mở mắt ra là sẽ phải khấu trừ đi một loạt chi tiêu hàng ngày.
Vương không từ bỏ, cậu ấy nhờ một người bạn tìm cho mình một công việc mới.
Nhưng hiện tại thị trường đang đóng băng, mức lương cao thì từ chối những người ở độ tuổi và năng lực như cậu ấy, công việc lương thấp thì cậu ấy không thèm, hiện tại rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Vài ngày trước tôi có gặp cậu ấy, trông thấy cậu ấy đeo khẩu trang với một xe đầy hàng hóa đi giao online.
Lúc gặp nhau, hai chúng tôi đều rất lúng túng, tôi thì vẫn cho rằng cậu ấy đang tìm việc tứ phía, hóa ra cậu ấy đang tính kế sinh nhai, lúc trước chỉ dùng não làm việc, bây giờ lại phải chạy đôn đáo khắp nơi lao động thể lực.
2. Đối với người trung niên mà nói, quan trọng nhất là ổn định và lâu dài
Mỗi một giai đoạn tuổi tác đều sẽ có một phương thức sinh tồn nghề nghiệp riêng.
Người trẻ dựa vào sức sống, nhiệt huyết và tinh thần chịu khó chịu khổ. Họ tràn đầy năng lượng, vì vậy họ không quan tâm mình dành bao nhiêu thời gian cho công việc.
Họ tràn đầy năng lượng, vì vậy họ có thể tạo ra giá trị tương ứng ngay cả khi họ làm việc thêm giờ.
Nhưng khi từ một thanh niên chuyển sang một trung niên, khi tuổi tác không còn là ưu thế của chúng ta nơi làm việc nữa, chúng ta nhất định phải suy nghĩ tạo ra một giá trị mới tại nơi làm việc.
Đối với người trung niên mà nói, thứ có giá trị nhất chính là kinh nghiệm và kiến thức thu được từ sự lâu dài và ổn định ở một vị trí công việc.
Vì vậy, đối với người đã bước vào độ tuổi trung niên mà nói, điều quan trọng nhất là sự ổn định và lâu dài.
Nhưng có những người không ý thức được điều này, người giống như đồng chí Vương, ở ngoài không thiếu.
Bọn họ trông có vẻ như có thời gian làm việc lâu dài, kinh nghiệm công việc nhiều, trải nghiệm cuộc đời cũng nhiều hơn người khác, nhưng khi đối mặt với công việc, thứ họ luôn đau đáu chỉ là muốn thông qua các lối tắt để có thể kiếm được nhiều tiền hơn, kết quả là luôn trong tình trạng "ép lạnh", phải ứng trước hết những giá trị tương lai của mình, chỉ trong một vài năm ngắn ngủi, họ đã "phát huy" hết những gì mình có, tất cả những quan hệ và danh tiếng mà người trung niên dựa vào đó để sinh tồn đều bị họ dùng hết sạch sành sanh.
Lúc này, dù không có ảnh hưởng của dịch bệnh, con đường sự nghiệp tương lai của họ cũng sẽ khá gập ghềnh.
Bởi lẽ bất luận là công ty nào thì cũng sẽ không muốn thu nhận những người chỉ có kinh nghiệm làm việc mà không tạo ra được những giá trị lâu dài cho họ.
3. Ngay cả khi có một chức vụ ổn định, cũng không được "bình chân như vại"
Xã hội tiến bộ, thị trường cũng có phương thức vận hành của riêng mình. Thời gian trôi qua, việc "thay da đổi thịt" ở nơi làm việc là điều tất yếu, việc loại bỏ một số nhân viên không cho ra sự tăng trưởng cũng là điều nghiễm nhiên.
Vì vậy, dù công việc hiện tại của chúng ta có ổn định tới đâu đi chăng nữa, có kinh nghiệm phong phú tới đâu đi chăng nữa thì chúng ta cũng không được phép "gối đầu ngủ ngon", đắm chìm trong trạng thái an toàn của hiện tại.
Dẫu sao thì, người không theo kịp bước tiến của thời đại tự nhiên sẽ bị xã hội đào thải. Nếu không muốn bị xã hội đào thải, chúng ta nhất định phải không ngừng học tập, hấp thụ những tiến bộ của thời đại.
Chưa kể, rất nhiều người ngày nay đều có nghề tay trái của riêng mình, thông qua kết hợp công việc chính và công việc phụ để nâng cao năng lực cho bản thân.
Một số người thậm chí còn phát triển nghề tay trái tốt hơn cả nghề chính thông qua những nỗ lực của chính họ.
Vì vậy, chúng ta có thể sử dụng phương thức này, biến ưu thế trong công việc và cuộc sống của mình thành một nghề tay trái khác.
Hoặc tiếp tục "sạc thêm điện" cho bản thân, quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho những nội dung có liên quan tới công việc, đừng biến bản thân thành kẻ ăn bám, thay vào đó thông qua sự tiến bộ của bản thân tạo ra nhiều giá trị hơn cho công ty, trở thành sự tồn tại khó mà từ bỏ của công ty.
Cứ như vậy, bất kể bất ngờ ngoài ý muốn nào xảy đến, chúng ta sẽ vẫn luôn là thành phần mà công ty nghĩ đủ mọi cách để cố gắng giữ lại.