Qua lời kể của các anh, các chị, chúng ta thêm yêu, thêm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc. |
Bén duyên với Đồng Lộc
Anh Phan Công Lệ (SN 1979, xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), người đã có 15 năm làm thuyết minh viên ở di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết: “Ngay từ những lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã nhiều lần cùng bạn bè lên Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc) chơi nhưng không ngờ nơi đây lại gắn bó với mình đến thế”.
Năm 2003, anh Lệ tốt nghiệp Khoa Văn - Trường Đại học Vinh. Theo tiếng gọi của tuổi trẻ, anh tham gia chương trình trí thức trẻ tình nguyện phát triển miền núi. Sau đó, anh được chọn và điều về làm việc ở Ban quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc và được giữ lại làm việc luôn tại đây, do có tài thuyết trình thiên phú.
Anh Lệ chia sẻ: “Lúc còn nhỏ, anh cùng bạn bè đến Ngã ba Đồng Lộc nhiều lần, lên khu tưởng niệm, viếng mộ 10 nữ TNXP. Mỗi lần lên đây là một cảm xúc khác biệt. Có cái gì đó vừa gần gũi, vừa rạo rực, lại như thôi thúc mình thêm cố gắng.
Sau này, khi làm việc ở đây, được tìm hiểu các câu chuyện cảm động về quá trình sống, chiến đấu, hy sinh của những người mở đường, bản thân tôi thấy càng yêu mến và muốn gắn bó với nơi này”.
Khác với anh Lệ, chị Nguyễn Thị Thúy Hòa (SN 1985, ở TP Hà Tĩnh) là cử nhân Lịch sử - trường ĐH Vinh.
Chị luôn mong ước trở thành cô giáo. Thế nhưng, đầu năm 2009, qua một người bạn giới thiệu, chị nộp hồ sơ xin việc tại di tích, lại “bén duyên” với mảnh đất hào hùng này. “Hiện tại, ở ban có 6 anh chị em làm thuyết minh.
Hầu hết, mọi người đều đến với nghề từ một ngã rẽ khác. Nhưng dường như chúng tôi có cái duyên trời định.
Đã gắn bó với nơi đây dù khó khăn vất vả nhưng không ai chuyển nghề. Tất cả mọi người đều hiểu rõ trách nhiệm của mình nên ai cũng chịu khó học tập và rèn luyện bản thân, cố gắng đưa những câu chuyện hào hùng ở Đồng Lộc đến với du khách một cách trung thực, gần gũi nhất”, chị Hòa nói.
Tình yêu nơi “cửa tử”
Đến với Đồng Lộc, có lẽ không du khách nào không nghẹn ngào trước chuyện tình sắt son giữa nữ tiểu đội trưởng Võ Thị Tần và chàng trai cùng quê Nguyễn Đức Hồng mỗi khi xem lại kỉ vật “lọn tóc thề”.
Hay câu chuyện tình đầy lãng mạn nhưng cũng không kém phần xúc động khác của anh Phạm Quý Lân (nguyên là lính pháo phòng không) với cô TNXP Nguyễn Thị Ái Mậu - Tổ đội 55 TNXP Hà Tĩnh được “ẩn giấu” trong chiếc bình cắm hoa chế từ vỏ đạn 38 ly và một cái võng Tô Châu. Giờ đây, tại “ngã ba đất chết”, “nơi cửa tử” này, tình yêu lại tiếp tục đâm chồi nảy lộc.
“Nghề của mình không theo giờ giấc hành chính, phải đi sớm về muộn; trưa, đêm hay rạng sáng cũng có thể phải làm thông tầm nên thời gian cho gia đình rất ít. Nhưng không vì thế mà vợ chồng thiếu thốn tình cảm.
Chúng mình luôn động viên nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trước đây các anh, các chị yêu nhau nhưng vì chiến tranh phải xa nhau biền biệt, sống chết không biết lúc nào thì giờ đây, có gì mà mình không vượt qua được”, anh Lệ chia sẻ.Năm 2003, chàng cử nhân Ngữ văn - Phan Công Lệ chân ướt chân ráo về Đồng Lộc theo tiếng gọi của tuổi trẻ.
Từ những ngày trực bảo tàng, làm thuyết minh anh đã gặp và yêu nữ thuyết minh nổi tiếng Trần Thị Nga. Trong 6 năm yêu nhau thì có đến 2 năm (2004 - 2006) anh chị phải xa cách vì chị Nga đi học. 4 năm tiếp được làm việc cùng nhau, tình yêu anh chị cũng không kém phần trắc trở bởi đặc thù công việc vất vả và thời gian không cố định.
Rồi đến năm 2014, do nhu cầu công việc, chị Nga lại phải chuyển về Ban Quản lý Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng… Thế nhưng, vượt lên tất cả, anh Lệ và chị Nga vẫn đến với nhau và sống hạnh phúc.
Khác với anh Lệ, chị Nguyễn Thị Thúy Hòa đang sống cùng chồng ở TP Hà Tĩnh, cách Đồng Lộc gần 30km. Khi chị đi làm, 2 con nhỏ còn chưa dậy, về nhà thì các con đã ngủ say. Chị kể: “Lúc quyết định lấy nhau, thấy mình làm ở Đồng Lộc, thời gian làm việc lại thất thường nên ông xã cũng rất đắn đo.
Anh ấy muốn mình về Hà Tĩnh tìm việc khác, gần nhà dễ bề chăm lo gia đình. Nhưng mình nói với chồng, trước đây sống chết trong lửa đạn, các anh chị vẫn yêu nhau và vẫn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Thì nay, dù khó khăn đến mấy, em cũng quyết tâm vượt qua và mình đã làm được. Gần 10 năm công tác tại đây, mình luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”, chị nói.
Truyền lửa về truyền thống đi trước mở đường
Ở Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, ngoài nghĩa trang, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, các TNXP còn có khu tưởng niệm những kỹ sư, công nhân ngành GTVT. Đây là không gian ghi danh và tưởng niệm 842 anh hùng, liệt sĩ ngành GTVT hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên địa bàn Hà Tĩnh.
Cũng ngay giữa ngã ba này, cột biểu tượng ngành GTVT sừng sững, trường cửu cùng đất trời. Đặc biệt, tất cả các công trình này đều do các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành GTVT đóng góp, kêu gọi xây dựng.
Cũng chính vì vậy, quá trình thuyết minh cho du khách, anh Lệ, chị Hòa cũng có những cách thức khác biệt. Anh Lệ phân tích: Với đoàn của các cựu chiến binh, cựu TNXP… các bác là những người vào sinh ra tử trong chiến tranh nên những nội dung chung về tình hình lịch sử chỉ nói ngắn gọn, rồi đi vào những điểm nhấn.
Ví dụ, khi thuyết minh về tổ trưởng tổ máy gạt - AHLLVTND Uông Xuân Lý thì nhấn vào chi tiết: Mỗi lần đồng đội truy điệu sống, bác Lý thường dặn: “Nếu bom nổ tôi có chết, thì hãy khâm liệm trước rồi hãy báo cho gia đình…”. Hay với du khách nước ngoài, sẽ hướng họ xem nhiều về hình ảnh, phim tư liệu.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hòa cho biết thêm: Với những đoàn khách trong ngành GTVT, chúng tôi nhấn mạnh những đóng góp của các thế hệ đi trước mở đường. Từ đó khơi dậy trong lòng những cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành GTVT hôm nay lòng tự hào, tự tôn về ngành mình.
“Tôi nhớ, khoảng năm 2012 có đoàn làm phim của Canada sang Đồng Lộc. Khi xem hình ảnh và phim tư liệu, cả đoàn làm phim đã không cầm được nước mắt.
Họ cảm phục tấm gương những nam nữ TNXP tuổi đời còn rất trẻ, những kỹ sư, công nhân ngành GTVT sẵn sàng chiến đấu hi sinh để bảo vệ mạch máu giao thông luôn thông suốt, an toàn. Sẵn sàng dùng thân mình làm cầu, làm đường để kịp thời đưa những đồng chí, đồng đội được khô ráo về hậu phương trị thương”, anh Lệ xúc động.
Góp phần xây dựng nên một Đồng Lộc khang trang như hôm nay, ngoài đóng góp chung của nhân dân cả nước, kiều bào nước ngoài còn có sự đóng góp của cán bộ, công nhân ngành GTVT qua các thời kỳ.
Mới đây nhất, Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc với số vốn xã hội hóa lên đến 43,7 tỷ đồng, đường tránh phía Đông Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc với số vốn gần 40 tỷ đồng đã được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, còn xây dựng mới hồ sinh thái, đầm sen…
Riêng công trình ngành GTVT, thông qua nguồn đóng góp của cán bộ, công nhân viên, doanh nghiệp GTVT… đã xây dựng mới cột biểu tượng ngành GTVT với số tiền hơn 4 tỷ đồng.
Ông Trần Đình Ước
Trưởng ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc