Liên quan đến vụ việc một cô gái bị nhóm người đánh ghen lột quần áo, cắt tóc... ở khu vực làng Trại Cúp, xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) về hành vi của những người tham gia vào việc đánh ghen.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết: Việc nhóm người tham gia đánh ghen cô gái là hành vi xâm phạm đến tính mạng sức khoẻ của người khác; xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của người phụ nữ; gây rối trậ tự trên địa bàn.
Để xử lý hình sự về hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của người khác và xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của người phụ nữ thì người bị hại (cô gái bị đánh ghen) phải có đơn yêu cầu xử lý gửi đến các cơ quan chức năng địa phương.
Sau đó, cơ quan chức năng sẽ đưa nạn nhân đi giám định thương tật, nếu phần trăm thương tật cao thì cơ quan công an sẽ tiến hành xử lý về hành vi cố ý gây thương tích.
"Trong trường hợp thương tích không đáng kể để xử lý hình sự thì cơ quan công an hoàn toàn có thể xử lý những người tham gia đánh ghen này về tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 121 BLHS.
Tuy nhiên, hai tội này đều là tội xử lý theo yêu cầu của người bị hại theo quy định tại điều 105 BLHS.
Tức là người bị hại có đơn yêu cầu gửi đến cơ quan công an thì người ta mới xử lý.
Còn nếu người bị hại không có đơn yêu cầu, trình báo xử lý những người vi phạm thì cơ quan chức năng có thể xem xét, xử lý những người đánh ghen về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Bởi hành vi đánh ghen của nhóm người này ở ngay giữa đường đã gây láo loạn khu dân cư, gây bức xúc trong xã hội.
Hành vi gây rối trật tự công cộng tuỳ theo tính chất mức độ có thể xử phạt hành chính theo nghị định 167/2013.", Luật sư Thơm nêu quan điểm.
Điều 121 luật hình sự quy định tội làm nhục người khác:
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.