Theo hãng thông tấn AFP, làn sóng bất bình trong dư luận đã bùng lên từ tháng 7 sau khi ngôi sao truyền hình thực tế Kylie Jenner chia sẻ với 364 triệu người theo dõi trên trang Instagram một tấm ảnh chụp cùng người bạn đời là ca sĩ nhạc rap Travis Scott. Trong ảnh, hai người đang đứng trước hai chiếc máy bay của riêng mình. Do đó, cư dân mạng nhanh chóng lên án Jenner là "tội phạm khí hậu".
Tiếp đến, tuần trước, công ty thị trường bền vững Yard của Anh đã điểm danh "những người vi phạm phát thải CO2 tồi tệ nhất” bằng máy bay tư nhân trong cộng đồng người nổi tiếng.
Kylie Jenner chia sẻ hình ảnh của vợ chồng cô đứng trước máy bay riêng của mỗi người. Ảnh: Instagram.
Đáng chú ý, thường xuyên đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc, ngôi sao nhạc pop người Mỹ Taylor Swift cũng đứng đầu danh sách vi phạm phát thải của Yard. Sự việc trên đã gây phẫn nộ trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Kể từ tháng 1 năm nay, máy bay của Taylor Swift đã cất cánh 170, với tổng lượng khí thải các chuyến bay trong năm đạt 8.293,54 tấn, hay gấp 1.184 lần so với người bình thường.
Ở vị trí thứ hai là võ sĩ quyền anh Floyd Mayweather và kế tiếp là rapper Jay-Z. Chị gái cùng cha khác mẹ của Kylie Jenner là ngôi sao truyền hình thực tế Kim Kardashian xếp thứ bảy trong danh sách trên. Rapper Scott đứng thứ 10 trong khi Jenner đứng thứ 19.
Tuy nhiên, công ty Yard lưu ý bản danh sách người vi phạm khí thải của họ được lập dựa theo tài khoản Twitter "Celebrity Jets" chuyên theo dõi các chuyến bay của người nổi tiếng qua dữ liệu công khai. Công ty này cũng không thể xác định xem các ngôi sao có mặt trên tất cả chuyến bay hay không.
Đại diện của ca sĩ Taylor Swift trả lời báo chí rằng cô thường cho người khác mượn máy bay nên không thể quy kết hoàn toàn cho cô.
Trong khi Drake không nằm danh sách tốp 10 thì rapper người Canada này lại bị “ném đá” vì thực hiện chuyến bay dài 14 phút giữa Toronto và Hamilton vào tháng 7, đặc biệt khi chiếc máy bay đó không chở theo hành khách nào.
Bà Beatrice Jarrige, Giám đốc dự án di chuyển đường dài tại tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào biến đổi khí hậu Shift Project, cho biết: “Sự việc thậm chí còn tồi tệ hơn nếu máy bay cất cánh trống rỗng”.
Bay với bom khí hậu
Ngành vận tải hàng không thải ra 2 - 3% lượng khí thải carbon dioxide trên thế giới.
Nhưng một báo cáo vào tháng 5 của nhóm hoạt động Transport & Environment đã chỉ ra rằng lượng khí thải carbon của máy bay tư nhân trên mỗi hành khách cao gấp 5 - 14 lần so với các chuyến bay thương mại, và lớn hơn 50 lần so với hành khách di chuyển bằng tàu hỏa.
Ông William Todts, Giám đốc điều hành của nhóm chiến dịch vận tải sạch Transport & Environment nhận xét: “Chúng ta đang cho phép mọi người bay cùng những quả bom khí hậu”.
Nhu cầu sử dụng máy bay tư nhân đã tăng vọt kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19. Và những khách hàng giàu có đã có cơ hội để dùng máy bay riêng nhiều nhất có thể.
Số lượng chuyến bay bằng máy bay tư nhân năm 2021 đã tăng 7% so với năm 2019, theo công ty nghiên cứu dữ liệu hàng không WingX.
Ở châu Âu, những người nổi tiếng hoàn toàn có thể sử dụng mạng lưới tàu hỏa rộng lớn của lục địa này để thay thế cho phần lớn hành trình bằng máy bay riêng của họ.
Nhu cầu sử dụng máy bay riêng tăng cao. Ảnh: Reuters. |
Đi máy bay như đi taxi
Tài khoản “Celebrity Jets” được sinh viên Jack Sweeney, 19 tuổi, tạo ra năm 2020 sau khi cậu bắt đầu theo dõi máy bay riêng của tỷ phú giàu nhất hành tinh Elon Musk.
Hiện anh có 30 tài khoản theo dõi ông chủ tập đoàn Meta Mark Zuckerberg, các ngôi sao thể thao và cả các tài phiệt người Nga.
Vô số tài khoản khác cũng đã sao chép ý tưởng của Sweeney. Sebastien, kỹ sư hàng không vũ trụ 35 tuổi, người từ chối cho biết tên thật của mình, đã tạo tài khoản "I Fly Bernard" để theo dõi các chuyến bay của các tỷ phú Pháp, trong đó Bernard Arnault, người đứng đầu tập đoàn hàng xa xỉ LVMH.
"Điều tôi muốn lên án là việc họ sử dụng máy bay tư nhân như thể xe taxi", Sebastien, đề cập đến những chuyến bay trong nước và trong phạm vi châu Âu của các tỷ phú.
Bà Beatrice Jarrige hy vọng sự phẫn nộ trên mạng xã hội sẽ biến thành hành động chính trị. "Vấn đề không phải là cấm hoàn toàn những chuyến bay như vậy, nhưng giới giàu có phải nỗ lực kiềm chế hơn", bà nói.
Trong khi đó, ông Todts cho rằng những người nổi tiếng nên khuyến khích sự phát triển của nhiên liệu sinh học.
Năm ngoái, ngành hàng không thương mại khẳng định nhiên liệu bền vững chính là chìa khóa quan trọng để đạt được những mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.