Những người New York cương quyết ''bùng'' tiền nhà: Khi Covid trở thành giọt nước tràn ly

J.D |

Nhiều người New York đã "om" đến 17 tháng tiền thuê nhà, với con số tổng cộng có thể lên tới hàng triệu đô. Nhưng tại sao họ làm như vậy?

Đã nhiều năm trôi qua kể từ ngày Patricia Edwards cảm thấy căn hộ tầng cao ở Brooklyn mình ở là một nơi có thể sống được. Bà thấy vậy, dù cho nước mưa có dột xuống bếp và phòng khách, tràn cả qua trần phòng tắm ở mức độ nhiều đến nỗi bà cần phải bật ô nếu muốn sử dụng toilet.

Giá thuê căn hộ này rơi vào khoảng 1100 USD mỗi tháng (khoảng 26 triệu đồng) - một mức giá chấp nhận được tại thành phố New York đắt đỏ, nơi các căn hộ thông thường phải tốn gấp đôi số đó. Suốt 20 năm qua, người phụ nữ 63 tuổi chưa khi nào trễ hẹn tiền nhà.

Những người New York cương quyết bùng tiền nhà: Khi Covid trở thành giọt nước tràn ly - Ảnh 1.

Bà Patricia Edwards

Nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ khi đại dịch ập đến và khiến rất nhiều hàng xóm của bà kiệt quệ về tài chính. Bà Edwards - một nhân viên ngân hàng đã nghỉ hưu - quyết định làm điều bà chưa từng thực hiện: Cương quyết từ chối trả tiền thuê nhà - hay còn gọi là... bùng tiền!

26 triệu đồng cho một căn hộ dột nát

Bà Edwards trở thành một trong số cả chục người - tương đương phân nửa số người thuê của tòa nhà này - lựa chọn không thanh toán tiền nhà, cho đến khi chủ thuê xóa nợ cho những người bị ảnh hưởng vì dịch bệnh và tiến hành sửa chữa lại cơ sở vật chất cũ kỹ đã bị bỏ quên quá lâu.

Nhưng trên thực tế, sự phản đối tại tòa nhà bà ở - số 1616 đường President - thực chất lại là một thực tế đã xảy ra ở New York, khi đại dịch đã đẩy nhiều người thuê nhà ở thành phố rộng lớn và có giá nhà đất đắt đỏ nhất đến bờ vực phá sản.

Tại New York, nhiều người thuê nhà đã mất việc khi thành phố tiến hành phong tỏa. Tổng cộng, họ phải đối mặt với các khoản tiền thuê nhà lên tới hàng triệu đô bị trì hoãn thanh toán, trong khi vẫn được phép ở lại nhờ chính phủ viện trợ và lệnh cấm "đuổi" thời dịch bệnh (lệnh đã hết hạn vào tháng 1/2021).

Những người New York cương quyết bùng tiền nhà: Khi Covid trở thành giọt nước tràn ly - Ảnh 2.

Những căn hộ "rẻ" ở New York cũng có giá hàng ngàn đô, và họ nhận về quá nhiều vấn đề

Nhưng cũng vì dịch bệnh, một cộng đồng người thuê nhà quyết định phản kháng lại chủ thuê vì đã không để tâm đến việc cải thiện chất lượng sống cho họ. Như tòa nhà nơi bà Edwards sinh sống là một ví dụ. Chủ sở hữu tòa nhà bị chính quyền thành phố đánh giá là "thờ ơ và cẩu thả" nhất, thậm chí bị chính thành phố đệ đơn kiện vì không chịu giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng ở đó.

Chủ tòa nhà phản biện rằng họ đã tiến hành bảo trì sửa chữa đầy đủ, nhưng nhiều trường hợp người thuê đã không cho công nhân vào trong để sửa. Một số người dân - bao gồm bà Edwards cũng đã đề đơn kiện, và với cuộc phản đối đã kéo dài hơn 17 tháng qua, họ đang giữ lại hơn 256.000 USD tiền thuê nhà - bao gồm 18.000 đô bà Edwards đã để sẵn trong tài khoản của mình.

"Tôi chăm sóc căn hộ này rất tốt, nhưng họ từ chối làm điều tương tự," - bà Edwards thẳng thắn nói.

Những người New York cương quyết bùng tiền nhà: Khi Covid trở thành giọt nước tràn ly - Ảnh 3.

Tháng 2/2021, Cơ quan quản lý nhà ở thành phố đã kiện chủ sở hữu tòa nhà số 1616 đường President, cáo buộc họ không thực hiện các sửa chữa tối thiểu nhất, đồng thời khai man và tìm cách đuổi người thuê vô cớ. Vụ kiện hướng đến các án phạt dành cho chủ thuê, và buộc họ phải sửa sai.

"Chúng tôi sẽ sử dụng toàn bộ quyền lực để hỗ trợ người thuê. Chủ nhà không thể bỏ qua trách nhiệm của mình để đảm bảo an toàn cũng như chất lượng cho tòa nhà," - Jeremy House, người phát ngôn của sở cho hay.

Giọt nước tràn ly

Với nhiều người dân của tòa nhà, đại dịch đã trở thành giọt nước tràn ly để họ quyết định thách thức chủ thuê, mạo hiểm với nguy cơ bị đuổi khỏi nhà.

"Trước đại dịch, tôi không nghĩ mình sẽ làm như vậy," - Vincia Barber, một trong những người đứng đầu cuộc phản đối cho biết. "Tôi nghĩ với quyền lực chủ nhà có, sẽ chẳng có gì xảy ra nếu chỉ mình bạn đứng ra. Cần phải có một số lượng đủ."

Trước đại dịch, đã có rất nhiều vấn đề xảy ra. Jason Korn - chủ thuê đã bị văn phòng thành phố đánh giá là "tồi tệ nhất", dựa trên hàng trăm vi phạm đã xảy ra tại các tòa nhà y sở hữu. Cụ thể là 220 vi phạm, với 32 được đánh giá là "nguy hại khẩn cấp", bao gồm cả gián, chuột và bong tróc sơn.

Những người New York cương quyết bùng tiền nhà: Khi Covid trở thành giọt nước tràn ly - Ảnh 5.

Nhưng dù tên của Korn có trong danh sách quản lý tòa nhà, chủ sở hữu trên danh nghĩa lại là một công ty trách nhiệm hữu hạn. Trên thực tế, các công ty trách nhiệm hữu hạn là một công cụ được nhiều chủ nhà áp dụng để né tránh trách nhiệm khi có sự cố xảy ra, đồng thời vẫn bảo đảm giữ kín danh tính. Trong nhiều trường hợp, nó khiến chính quyền thành phố và người thuê nhà không thể tìm được ai chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề xảy ra.

Việc Korn có phải chủ thuê hay không thực chất vẫn chưa được rõ ràng. Trong khi đó, luật sư của họ - Josh Rosenblum - thì khẳng định "tòa nhà vẫn được bảo trì", và những vi phạm nêu trong đơn kiện thực chất chỉ làm "trầm trọng hóa vấn đề vốn không đến mức như vậy".

17 tháng "bùng tiền"

Cuộc phản đối tại tòa nhà 1616 đã diễn ra vào tháng 5/2020, thời điểm người thuê tại hàng trăm tòa nhà khắp nước Mỹ cũng đồng loạt giữ lại tiền thuê cho đến khi họ được... xóa nợ và các vấn đề tồn đọng được giải quyết.

Hiện tại không rõ còn bao nhiêu cuộc phản đối như vậy đang diễn ra, nhất là khi nhiều chủ nhà đã đưa ra thỏa thuận cho người thuê. Một số chủ thuê thực chất cũng đang đối mặt với rắc rối về tài chính do dịch bệnh.

Những người New York cương quyết bùng tiền nhà: Khi Covid trở thành giọt nước tràn ly - Ảnh 7.

Cô Barber đang nợ 38.000 USD tiền thuê nhà

Cô Barber - người giữ trẻ - đã chuyển đến căn hộ 2 phòng ngủ ở tòa nhà 1616 từ tháng 5/2019. Căn nhà rộng rãi hơn, thoải mái hơn cho cô cùng con gái 15 tuổi chung sống. Nhưng rất sớm thôi, cô nhận thấy phòng tắm bị rỉ nước chỉ sau 1 tháng sử dụng, đồng thời có rất nhiều gián xuất hiện.

Đại dịch ập đến, Barber mất việc và nhanh chóng gặp khó trong chuyện trả tiền thuê. Đầu năm nay, cô tìm được công việc mới, nhưng ở thời điểm này đã nợ hơn 38.000 USD tiền thuê. Cô quyết định "om" luôn tiền nhà, với mong muốn chủ thuê phải sửa chữa được các vấn đề được đề cập rất nhiều mà chỉ được giải quyết qua loa.

"Tôi nghĩ nếu mình không tiếp tục làm như vậy, chẳng có gì thay đổi," - cô khẳng định.

Cuộc phản đối đã từng có nhiều thời điểm cao trào. Trong nhiều tháng của năm 2020, nhiều người thuê từ chối không cho Korn hoặc nhân viên sửa chữa do ông ta thuê đến để giải quyết. Họ xem đó là cách để gây áp lực cho chủ thuê, buộc họ phải đưa ra các giải pháp dứt điểm thay vì chỉ làm qua loa, tạm bợ và rồi đâu lại hoàn đấy.

Những người New York cương quyết bùng tiền nhà: Khi Covid trở thành giọt nước tràn ly - Ảnh 9.
Những người New York cương quyết bùng tiền nhà: Khi Covid trở thành giọt nước tràn ly - Ảnh 10.

Làn sóng biểu tình đòi miễn tiền nhà và sửa chữa nhiều vấn đề tồn đọng của người Mỹ

"Nhưng làm vậy đâu có được, bạn không thể có cả hai. Bạn không thể một mặt phàn nàn, mặt khác lại từ chối không cho chủ nhà giải quyết," - luật sư Rosenblum bình luận.

Nhiều người thuê cũng dùng chính sách hỗ trợ của thành phố như một cách để thúc giục giải quyết vấn đề. Chương trình này cho phép người thuê có thu nhập thấp được tiểu bang chi trả, với tiền thuê được chuyển thẳng cho chủ nhà. Những người thuê cho biết họ sẵn sàng đăng ký vào chương trình, với điều kiện chủ nhà phải đồng ý sửa chữa toàn bộ các vấn đề tồn đọng.

"Thực ra tôi cũng hối hận vì đã làm như thế," - bà Edwards cho biết. "Nhưng khi đã làm rồi, tôi không thể dừng lại vì sự đối xử mà mình nhận phải."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại