Những người lội bùn săn bạch tuộc, chem chép ở thành phố lớn nhất Việt Nam

Phùng Tiên - Quỳnh Hương - Hoàng Thuấn |

Nhiều người dân ở Cần Giờ len lỏi giữa những gốc đước chằng chịt để mưu sinh. Họ ngâm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ, có khi “đau điếng” khi bị rễ đước, vỏ hàu đâm trúng chân.

Những người lội bùn săn bạch tuộc, chem chép ở thành phố lớn nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Huyện Cần Giờ (thuộc TP. HCM) được mệnh danh là “Ốc đảo xanh” với những cánh rừng ngập mặn, diện tích đất tự nhiên 71.021,58 ha, trong đó, đất nông nghiệp chiếm đến 44.769,87 ha. Cơ cấu ngành nghề trên địa bàn huyện đa dạng, phong phú về nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và dịch vụ.

Những người lội bùn săn bạch tuộc, chem chép ở thành phố lớn nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Hiện nay, nhiều người dân Cần Giờ vẫn len lỏi giữa những gốc bần, gốc đước chằng chịt của cánh rừng Sác để mưu sinh bằng cách săn bạch tuộc, chem chép, ba khía…

Những người lội bùn săn bạch tuộc, chem chép ở thành phố lớn nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Vào khoảng giữa trưa, những chiếc ghe máy nhỏ dài khoảng chục mét, chứa đầy rập, đang neo đậu dưới chân cầu Dần Xây (xã Long Hoà, huyện Cần Giờ). Khi thuỷ triều xuống, ngư dân bắt đầu đi đặt rập, dùng nan tre ghim xuống bùn nhão để cố định. Lúc thuỷ triều lên, bạch tuộc sẽ men theo dòng nước để đi kiếm thức ăn và rơi vào bẫy. Mỗi ngày, con nước ở Cần Giờ lên xuống hai lần và ngư dân cũng phải đi gỡ rập hai lần.

Những người lội bùn săn bạch tuộc, chem chép ở thành phố lớn nhất Việt Nam - Ảnh 4.

Ngoài bạch tuộc, người dân Cần Giờ còn lặn lội vào những cánh rừng ngập mặn để bắt chem chép - một loại hải sản giống hến, nghêu, sò. Anh Út (29 tuổi), đang đi đào chem chép trong một gốc rừng ngập mặn, chia sẻ: “Tôi phải lội xuống bùn, ngâm mình trong nước cả buổi để bắt chem chép. Có nhiều lúc tôi đạp trúng rễ cây đước hoặc vỏ hàu bị vứt bừa bãi, đau điếng, có người còn phải khâu 8-9 mũi sau đó”.

Dấu hiệu để nhận biết hang chem chép là những lỗ trông như những tổ ong. Anh Út phải dùng một cái đục tự chế để đào sâu vào phần đất bùn, bắt chem chép lên. Hành động đào cần phải nhẹ nhàng, nếu không sẽ làm nát vỏ chem chép. Với chem chép loại lớn, thương lái thường thu mua với giá 50.000-60.000 đồng/kg.

Những người lội bùn săn bạch tuộc, chem chép ở thành phố lớn nhất Việt Nam - Ảnh 6.

Thịt chem chép có vị ngọt lợ pha lẫn vị mặn. Trước khi chế biến người ta thường ngâm chem chép với nước vo gạo hoặc nước muối pha loãng để chem chép nhả bớt đất cát sau đó luộc với mức lửa to cho chem chép há miệng rồi bóc lấy phần thịt bên trong giống như làm ngao, hến. Một số món nổi bật có thể chế biến từ loài này là chem chép hấp sả, chem chép xào tỏi…

Những người lội bùn săn bạch tuộc, chem chép ở thành phố lớn nhất Việt Nam - Ảnh 7.

Ngoài ra, nghề nuôi hàu trên sông ở huyện Cần Giờ cũng phát triển mạnh mẽ. Xã Long Hòa, xã An Thạnh và thị trấn Cần Thạnh là 3 vùng nuôi hàu lớn ở huyện. Phần lớn hàu ở đây được nuôi trong các ô lồng làm bằng lưới kết lại thành giàn thả nổi trên sông.

Những người lội bùn săn bạch tuộc, chem chép ở thành phố lớn nhất Việt Nam - Ảnh 8.

Theo những người nuôi hàu, nước sông ở đây có độ mặn cao và nguồn nước lên xuống thường xuyên nên hàu phát triển nhanh, con to, ruột dày, màu đẹp, rất được ưa chuộng và bán với mức giá cao. Ông Hoài chia sẻ: “Trước thời điểm dịch bệnh bùng phát, hàu có giá 40.000 đồng/kg nhưng tới hiện tại giá đã giảm đi một nửa chỉ còn 20.000 - 25.000 đồng/kg”. Trong ảnh là những chiếc lốp xe cũ được ngư dân thả xuống để hàu bám lên.

Những người lội bùn săn bạch tuộc, chem chép ở thành phố lớn nhất Việt Nam - Ảnh 9.

Nghề nuôi hàu tuy không mất nhiều công sức nhưng phải đánh đổi bằng thời gian. Để có thể thu hoạch được hàu, người nuôi phải mất đến 3 năm. Ông Hoài tâm sự: “Lúc mới bắt đầu, tôi phải góp tiền với người quen mới có thể làm cái nghề này. Bởi vì chi phí bỏ ra cao, thời gian thu hoạch lâu thế nên chúng tôi lựa chọn làm những nghề khác để lấy ngắn nuôi dài”.

Những người lội bùn săn bạch tuộc, chem chép ở thành phố lớn nhất Việt Nam - Ảnh 10.

Ngoài ra, Cần Giờ còn nổi tiếng bởi nghề làm muối. Từ lâu, những hạt muối được sản xuất tại xã Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) đã đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu qua thị trường châu Âu, EU... Trong những năm gần đây, diêm nghiệp tại huyện có sự chuyển đổi mô hình từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo phương thức kết tinh trên ruộng trải bạt, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Những người lội bùn săn bạch tuộc, chem chép ở thành phố lớn nhất Việt Nam - Ảnh 11.

Nói về nghề “trời hành”, ông Hai, người làm muối hơn 10 năm, cho biết: “Mỗi ruộng muối, trước khi muốn sản xuất đều phải san phẳng, đắp bờ chia ô vuông vắn, với kích thước mỗi ô là 4 m x 10 m. Sau đó cho nước biển chảy vào khuôn, chờ cho nước biển bốc hơi dần đến khi muối kết tinh.

Những người lội bùn săn bạch tuộc, chem chép ở thành phố lớn nhất Việt Nam - Ảnh 12.

Nghề này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nên khi thời tiết không tốt hoặc gặp mưa phải lùi lại từ 10 - 15 ngày mới có thể sản xuất tiếp, còn với những ngày đủ nắng thì từ 10 - 12 ngày đã có thể thu hoạch được”.

Những người lội bùn săn bạch tuộc, chem chép ở thành phố lớn nhất Việt Nam - Ảnh 13.

Tuy đã tồn tại ở huyện khá lâu, hiện nay, không còn nhiều hộ dân bám trụ với nghề bởi tính chất khắc nghiệt của nó. Họ phải làm việc vào những khoảng thời gian nắng đỉnh điểm như 12 - 14 giờ. Tính chất công việc đã mang lại cho họ làn da rám nắng đặc trưng và thường được gọi vui là “diêm dân”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại